08:11 31/08/2012

“Con bài” an sinh xã hội trong cuộc đua vào Nhà Trắng

Medicare (chương trình chăm sóc y tế dành cho người cao tuổi), Medicaid (chương trình y tế dành cho người nghèo), và an sinh xã hội hiện chiếm tới 58% ngân sách liên bang Mỹ. Ba chương trình này được cho là nguyên nhân chính gây ra cuộc khủng hoảng thâm hụt ngân sách lâu dài tại Mỹ...

Cùng với một số khoản chi tiêu bắt buộc khác, Medicare (chương trình chăm sóc y tế dành cho người cao tuổi), Medicaid (chương trình y tế dành cho người nghèo), và an sinh xã hội hiện chiếm tới 58% ngân sách liên bang Mỹ. Ba chương trình này được cho là nguyên nhân chính gây ra cuộc khủng hoảng thâm hụt ngân sách lâu dài tại Mỹ đồng thời cũng chính là một trong những nội dung quyết định kết quả cuộc chạy đua chức tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới.

Từ khi ngồi ghế ông chủ Nhà Trắng, Tổng thống Barack Obama - ứng cử viên đảng Dân chủ trong cuộc đua năm nay - vẫn lảng tránh các đề xuất cải cách an sinh xã hội, trong khi các ứng cử viên đảng Cộng hòa lại khá sốt sắng với vấn đề này. Từ trước khi được lựa chọn làm ứng cử viên phó tổng thống trong liên danh tranh cử của ứng cử viên tổng thống đảng Cộng hòa Mitt Romney (hôm 11/8), Hạ nghị sĩ Paul Ryan và đảng Cộng hòa đã đề xuất cải cách Medicare và Medicaid. Mặc dù không phải ai cũng nhất trí với những cải cách này, nhưng chí ít thì đảng Cộng hòa cũng được “tiếng thơm” là đã đưa ra những sáng kiến giải quyết tình trạng "không thanh toán được" của các chương trình này nhằm giảm thâm hụt ngân sách.

Tổng thống Obama (phải) và ứng cử viên Romney.


Tuy nhiên, theo tờ Huffington Post (Mỹ), các đảng viên Dân chủ lại đang háo hức khuấy lên cuộc chiến mới chống kế hoạch tư nhân hóa an sinh xã hội chỉ vài tuần sau khi Paul Ryan chính thức trở thành “phó tướng” của Mitt Romney. Đó là cuộc chiến mà phần thua thiệt được dự báo vẫn rơi vào đảng Cộng hòa như khi Tổng thống Mỹ hồi năm 2005 là George W. Bush thúc đẩy ý tưởng cải cách an sinh xã hội.

Những lời hứa đẹp


Trong “Lộ trình tương lai cho nước Mỹ” đưa ra hồi năm 2010, Hạ nghị sĩ Paul Ryan của bang Wisconsin này đã đề xuất kế hoạch cho phép những lao động trẻ được chuyển hơn 1/3 tiền thuế an sinh xã hội của họ vào các tài khoản cá nhân do họ sở hữu và chính họ là người thụ hưởng. Ông Ryan cho rằng, kế hoạch này mang đến cho người lao động một cơ hội “xây dựng một ‘rổ trứng’ cho lúc về hưu với con số vượt xa những gì mà chương trình an sinh xã hội hiện tại có thể cung cấp cho họ”.


Ứng cử viên Romney chưa bao giờ đưa đề xuất này vào cương lĩnh tranh cử của ông, và ông Ryan - Chủ tịch Ủy ban ngân sách Hạ viện Mỹ - cũng không đưa đề xuất này vào các ngân sách liên bang đã được Hạ viện (do đảng Cộng hòa kiểm soát) thông qua trong suốt hai năm qua. Nhưng giờ tình thế có khác, ông Ryan đã đứng trong liên danh tranh cử với ông Romney và phe Dân chủ hy vọng có thể... lợi dụng vấn đề nhạy cảm này. Cây bình luận William Saletan của tờ Slate tin tưởng sự xuất hiện của ông Ryan trong liên danh Cộng hòa sẽ giúp cử tri có cái nhìn rõ hơn về tình trạng tài chính và nợ nần của quốc gia; nếu không sớm giải quyết, Mỹ sẽ đứng bên bờ vực thẳm như kịch bản đang diễn ra đối với một số nước châu Âu. Liên danh Romney - Ryan cũng sẽ khiến các cuộc tranh luận trở nên hào hứng hơn, khi người dân Mỹ muốn biết giải pháp cứu nguy cho nền kinh tế và ngân sách liên bang.


Bảy năm trước, đề xuất của cựu Tổng thống George W. Bush về việc chuyển thuế vào tài khoản cá nhân, được tiếp đón bằng thái độ lạnh nhạt của cả hai đảng trong quốc hội, dù hạ nghị sĩ Ryan đã quyết tâm thúc đẩy nó. Chính những người trong đảng Dân chủ đã “lèo lái” chủ đề này để chống các ứng cử viên đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử năm 2006, khi đảng Dân chủ giành lại quyền kiểm soát cả Hạ viện và Thượng viện.


Cho tới nay, vấn đề an sinh xã hội vẫn chưa xuất hiện nhiều trong chiến dịch tranh cử năm nay của cả hai đảng. Tổng thống Obama chưa hề đặt ra một kế hoạch chi tiết giải quyết những tồn tại trong vấn đề an sinh xã hội, và sự im lặng của ông khuấy lên những lời chỉ trích của chính những người từng ủng hộ ông trong quá khứ. Ông Romney có vẻ sẵn sàng hơn với một số đề xuất nhưng an sinh xã hội cũng chưa bao giờ là một nội dung lớn trong chiến dịch tranh cử của ứng cử viên Cộng hòa này.


Trong cuốn sách “Không xin lỗi: Trường hợp cho sự vĩ đại của Mỹ”, Romney cũng thừa nhận rằng ông thích ý tưởng tài khoản cá nhân. Nhưng cũng viết rằng “Tôi vẫn thích đặt các tài khoản cá nhân vào an sinh xã hội, chứ không phải là chuyển hướng khỏi nó, và đó là điều chúng ta phải hoàn toàn tự nguyện”.


Kế hoạch hiện tại của ứng cử viên Romney về an sinh xã hội dù chưa đề cập đến các tài khoản cá nhân, nhưng ông đã đề xuất khả năng tăng dần dần độ tuổi về hưu để giải quyết tình trạng tuổi thọ bình quân gia tăng. Với thế hệ tương lai, Romney sẽ giảm mức tăng trợ cấp cho “những người sẽ có mức thu nhập cao hơn”. Ứng cử viên đảng Cộng hòa cho rằng nên loại việc tăng thuế khỏi các cuộc thảo luận, và những người hưởng an sinh cũng như nhóm gần độ tuổi về hưu cũng không nằm trong danh sách cắt giảm trợ cấp.


Người phát ngôn chiến dịch tranh cử của ứng cử viên Romney, ông Ryan Williams giải thích: “Các ông Mitt Romney và Paul Ryan ủng hộ biện pháp cải cách dần dần an sinh xã hội nhằm bảo vệ lợi ích cho những người đang hưởng trợ cấp khỏi bị gián đoạn, trong khi tăng cường chương trình này để đảm bảo rằng quỹ an sinh xã hội sẽ không rơi vào tình trạng vỡ nợ”.

Những rủi ro


Những quan chức được ủy quyền giám sát quỹ an sinh xã hội Mỹ khẳng định rằng, quỹ ủy thác của chương trình này sẽ cạn kiệt vào năm 2023. Vào thời điểm đó, nguồn thuế nộp vào quỹ an sinh xã hội Mỹ chỉ đủ trả cho khoảng 75% những người được hưởng trợ cấp, và đương nhiên, sẽ phải cắt giảm danh sách những người nhận lương hưu, trừ phi quốc hội Mỹ ra tay can thiệp.


Trong chiến dịch tranh cử năm 2008, ông Obama tuyên bố ông muốn cải thiện vấn đề tài chính của an sinh xã hội bằng cách áp bảng thuế vào những mức lương trung bình trên 250.000 USD/năm. Kế hoạch này không giới hạn với những mức lương dưới 110.000 USD/năm, mức tăng cùng với tỷ lệ lạm phát. Ông Obama cũng phản đối việc tăng độ tuổi về hưu, hay giảm các điều chỉnh về giá sinh hoạt hàng năm (COLAs).


Tuy nhiên, hồi năm ngoái, Tổng thống Obama lại chính thức đưa ra nghị trình cắt giảm COLAs hàng năm trong cuộc thảo luận về giảm thâm hụt ngân sách cùng Chủ tịch Hạ viện Mỹ, John Boehner. Cuộc thảo luận rốt cuộc đã thất bại và đề xuất này chẳng đi đến đâu, nhưng dư luận thì xôn xao với câu hỏi, liệu ông Obama có giữ đúng cam kết hồi năm 2008.


Giáo sư Trường Đại học Syracuse kiêm đồng sáng lập quỹ “Social Security Works”, ông Eric Kingson bức xúc: “Những chính trị gia yêu nước nên có hành động để xác định rõ ràng quan điểm của họ với an sinh xã hội, để chứng tỏ rằng họ thấu hiểu được nỗi nhọc nhằn mà người dân đang trải qua hiện nay, và rằng họ luôn ủng hộ chương trình này, bảo vệ quyền lợi người dân và sẽ không cắt giảm các chương trình trợ cấp. Tôi hy vọng sẽ được nghe thấy điều này từ phía Nhà Trắng dù lâu nay vẫn chưa thấy tuyên bố đó”.


Tổng thống Obama đã đưa ra một số nguyên tắc cơ bản nhằm tăng cường an sinh xã hội trong bài diễn văn liên bang năm 2011. Ông nói: “Chúng ta phải thực hiện điều này để không bao giờ đặt những người về hưu vào tình thế rủi ro, những nhóm dễ bị tổn thương hay những người không có khả năng kiếm sống, mà không hề cắt giảm lợi ích của các thế hệ tương lai, cũng như không đẩy những khoản thu nhập hưu trí được đảm bảo của người dân Mỹ vào tình thế bấp bênh của thị trường chứng khoán”. Hồi đầu tháng 8/2012, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng hùng hồn khẳng định trong chiến dịch vận động tranh cử tại bang Virginia (miền nam nước Mỹ) rằng an sinh xã hội Mỹ sẽ không bị thay đổi.


Tóm lại, giới phân tích cho rằng với việc lựa chọn hạ nghị sĩ Paul Ryan làm ứng cử viên Phó Tổng thống Mỹ, ông Romney đang muốn tập trung vào chủ đề cắt giảm chi tiêu và nợ của chính phủ. Nhưng Tổng thống Obama đã lập tức chỉ trích chính sách cực hữu về ngân sách của Ryan là bảo vệ lợi ích của số ít người giàu, làm ảnh hưởng tới đời sống tầng lớp trung lưu, nhất là những người già và người nghèo, thông qua việc cắt giảm chi tiêu ngân sách và tư nhân hóa an sinh xã hội.


Đương kim Tổng thống Mỹ tiếp tục bảo vệ quan điểm giữ nguyên mức thuế thấp đối với tầng lớp trung lưu và tăng thuế với người giàu. Còn Thống đốc Romney cũng lại tận dụng điều này để công kích chính sách của Obama, rằng ông này chưa tìm được giải pháp giúp người dân Mỹ có thêm việc làm và giảm nợ công. Người phát ngôn của ứng cử viên Romney, ông Williams, chỉ trích thẳng thừng: “Việc ông ta (Obama) không dám đứng lên chủ trì cải cách đã khiến cho tương lai của an sinh xã hội Mỹ bị đặt trong thế nhiều rủi ro. Nhưng ông Mitt Romney đã cam kết rằng an sinh xã hội là thuộc về thế hệ tương lai và ông đã có một kế hoạch toàn diện để cứu vãn chương trình an sinh xã hội bằng những cải cách hợp lý”.


Trần Long