04:11 09/04/2019

Coi Vệ binh Cách mạng Iran là khủng bố, Tổng thống Trump tạo tiền lệ nguy hiểm?

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 8/4 đã thông báo Mỹ chính thức coi Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) là một tổ chức khủng bố nước ngoài. Đây là một động thái có thể tạo tiền lệ nguy hiểm mà một số người trong Chính quyền Mỹ từng phản đối do lo ngại binh sĩ Mỹ sẽ gặp rủi ro ở Trung Đông.

Quyết định chưa từng có

Trong một tuyên bố, Tổng thống Trump cho biết động thái này “công nhận thực tế rằng Iran không chỉ là quốc gia bảo trợ khủng bố mà còn khẳng định IRGC tích cực tham gia vào lĩnh vực tài chính và thúc đẩy chủ nghĩa khủng bố làm công cụ lãnh đạo”. IRGC bị Mỹ coi là “công cụ cơ bản của Chính phủ Iran trong chỉ đạo và thực hiện hoạt động khủng bố toàn cầu”.

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: THX/TTXVN

Các quan chức Chính quyền Mỹ cho biết việc coi IRGC là tổ chức khủng bố là nhằm đáp trả hành vi gây bất ổn của Iran trên khắp Trung Đông, trong đó có cả việc hỗ trợ Chính phủ Syria, phe nổi dậy Houthi ở Yemen, phong trào Hồi giáo Hezbollah ở Liban cũng như các âm mưu ám sát ở châu Âu và Mỹ.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết thông báo của Tổng thống Trump sẽ có hiệu lực ngày 15/4. Theo lệnh trừng phạt kinh tế và đi lại áp đặt với IRGC, bất kỳ tổ chức hay cá nhân nào làm ăn với IRGC có thể bị truy tố hình sự vì hỗ trợ vật chất cho một tổ chức khủng bố. Ông Pompeo phát biểu tại Bộ Ngoại giao: “Bước đi lịch sử này sẽ tước công cụ tài chính của một nhà bảo trợ khủng bố hàng đầu thế giới trong gieo rắc khốn khổ và chết chóc khắp thế giới”. Theo ông Pompeo, các công ty và ngân hàng khắp thế giới giờ có nghĩa vụ rõ ràng là đảm bảo rằng những công ty mà họ giao dịch không liên quan tới IRGC.

Theo kênh CNN, đây là lần đầu tiên Mỹ coi một tổ chức của một chính phủ là khủng bố và động thái của Mỹ là nhằm “đâm xuyên tim” một tổ chức trung tâm ở Iran. IRGC được thành lập sau Cách mạng Hồi giáo năm 1979 ở Iran và không chỉ là tổ chức quân sự quyền lực nhất ở Iran mà còn có ảnh hưởng sâu sắc với kinh tế, chính trị Iran. IRGC có lợi ích trong nhiều lĩnh vực như xây dựng, viễn thông, ô tô và năng lượng. Ông Brian Hook, cố vấn chính sách cấp cao của ông Pompeo cho rằng IRGC kiểm soát tới một nửa nền kinh tế Iran.

Chú thích ảnh
Nhà lãnh đạo tối cao Iran Ali Khamenei. Ảnh: AFP/TTXVN

Đáp trả hành động của Mỹ, Hội đồng An ninh Tối cao Iran ngày 8/4 đã tuyên bố Mỹ là một quốc gia bảo trợ khủng bố và lực lượng Mỹ hoạt động trong khu vực Trung Đông là tổ chức khủng bố. Tuyên bố trên được hãng tin nhà nước Iran IRNA đăng, trong đó coi hành động của Mỹ là bất hợp pháp và vô lý. Tuyên bố có đoạn: “Rõ ràng là chế độ Mỹ sẽ chịu mọi trách nhiệm về những hậu quả nguy hiểm của động thái này”.

Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, Chánh án Iran Ebrahim Raeisi ngày 8/4 cho biết quyết định của Washington về việc đưa lực lượng IRGC vào danh sách các tổ chức khủng bố không có giá trị về mặt chính trị hay pháp lý. Ông Raeisi khẳng định không một quốc gia nào có quyền hợp pháp để coi lực lượng vũ trang của một quốc gia khác là khủng bố. Theo ông, ảnh hưởng của Iran ở Trung Đông và những thành công của IRGC chính là nguyên nhân chính dẫn tới quyết định này. Ông nhấn mạnh với việc xếp IRGC vào danh sách các tổ chức khủng bố, chính quyền Mỹ phải chịu trách nhiệm về các tội ác nghiêm trọng tại khu vực Tây Á, cũng như phần còn lại của thế giới. 

Hệ lụy và tiền lệ nguy hiểm

Các quan chức cấp cao cho rằng quyết định của Tổng thống Trump là bước đi kế tiếp trong chiến dịch gây sức ép tối đa với Iran. Tuy nhiên, động thái này bị phản đối trong nội bộ Mỹ do lo ngại về an toàn của binh sĩ Mỹ tại Trung Đông.

Chú thích ảnh
Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) tại lễ duyệt binh ở Tehran ngày 22/9/2018. Ảnh: AFP/TTXVN

Các quan chức quốc phòng cho biết binh sĩ Mỹ ở Syria và Iraq thường hoạt động gần khu vực của các thành viên IRGC. Mỹ có 5.000 binh sĩ ở Iraq và 2.000 binh sĩ ở Syria. Năm 2018, Giám đốc Tình báo Quốc gia Dan Coats đã lưu ý Chính quyền Mỹ rằng coi IRGC là khủng bố có thể gây nguy hiểm cho lực lượng Mỹ.

Theo CNN, việc coi IRGC là khủng bố sẽ không giúp gì trong ngăn chặn các hoạt động của IRGC mà chỉ có thể hình sự hóa hoạt động của hàng triệu người Iran và du khách nước ngoài. Do đó, nó đặt ra một tiền lệ mà Mỹ có thể hối hận. 

Ở Iran, khó có thể tránh làm ăn với IRGC hay các thực thể liên quan hoặc do IRGC kiểm soát. Nhà Trắng tuyên bố: “Nếu làm ăn với IRGC, bạn sẽ tài trợ cho khủng bố”. Liệu câu này có được áp dụng với người thuê quầy bán hàng từ một tổ chức từ thiện liên quan tới IRGC? Khách mua hàng tại các quầy này sẽ bị xử lý ra sao? Làm sao mọi du khách tới Iran có thể xác định chính xác chủ sở hữu của mọi khách sạn, nhà hàng và cửa hàng mà họ định sử dụng dịch vụ?

Chú thích ảnh
Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran tại lễ duyệt binh ở Tehran ngày 22/9/2018. Ảnh: AFP/TTXVN 

Hơn nữa, Mỹ cũng không thể đảo ngược ảnh hưởng của Iran tại Trung Đông, ví dụ như tại Iraq. Tuy nhiên, quyết định sẽ khiến cho lực lượng quân đội và nhà ngoại giao Mỹ ở Iraq gặp khó khăn. Mặc dù Mỹ không liên quan trực tiếp với Iran tại Iraq, nhưng hai quốc gia này có lợi ích chung trong đảm bảo khủng bố Nhà nước Hồi giáo không tái xuất hiện và các nhóm cực đoan khác không trỗi dậy.  

Theo ông Jonathan Cristol, thành viên nghiên cứu tại Chương trình Học giả Toàn cầu Levermore tại Đại học Adelphi, nếu Iraq phải chọn giữa làm ăn với Mỹ và làm ăn với Iraq, họ có thể sẽ chọn duy trì quan hệ tốt với một nước trong khu vực hơn là làm ăn với Mỹ - một nước dường như đang muốn rút khỏi khu vực.

Hơn nữa, tại Iraq, lực lượng dân sự Shiite do IRGC huấn luyện hoặc có liên hệ với IRGC đang nhận tài chính và trở thành một bộ phận của Chính phủ Iraq. Tư lệnh các chiến dịch nước ngoài của IRGC, ông Qassam Soleimani lại là khách thường xuyên tới thăm Baghdad. Do đó, IRGC sẽ là bên mà giới chức Iraq lựa chọn.

Xem video sức mạnh của IRGC (nguồn: RT):

Theo tờ New Yorker, bản thân Tổ chức Trump cũng làm ăn với một gia đình có liên quan tới IRGC khi xây một tòa nhà ở Azerbaijan. Nếu muốn điều tra liên hệ với IRGC, phe Dân chủ có thể bắt đầu từ Tổ chức Trump.

Ông Trita Parsi, tác giả cuốn “Losing an Enemy - Obama, Iran and the Triumph of Diplomacy” (Bớt một kẻ thù – Obama, Iran và Chiến thắng Ngoại giao) cảnh báo động thái của Mỹ mang hàm ý chính trị lớn và cuối cùng sẽ không phục vụ lợi ích của Mỹ. Ông nói: “Động thái này lại đóng thêm một cánh cửa tiềm năng nữa trong giải quyết hòa bình căng thẳng với Iran. Một khi mọi cánh cửa đã bị đóng sập, ngoại giao là bất khả thi… Quyết định này không phục vụ lợi ích an ninh Mỹ xét mọi khía cạnh. Trái lại, nó sẽ khiến Mỹ bớt an toàn do chiến tranh dễ xảy ra hơn”. 

Theo ông Parsi, ngay cả nếu các chính quyền tương lai của Mỹ muốn giải quyết căng thẳng với Iran, thì mạng nhện trừng phạt và các mác khủng bố sẽ khiến động thái hướng tới đột phá ngoại giao với Iran về mặt chính trị là không khả thi.

Thùy Dương/Báo Tin tức