10:10 30/10/2012

Coi chừng trẻ bị thiệt mạng vì ăn thịt cóc

Theo các chuyên gia y tế, trong thịt cóc có tỷ lệ đạm rất cao và không chứa nọc độc. Thành phần gây độc ở cóc là độc tố bufotoxin, một chất cực độc, có trong gan, trứng, da, mủ (dịch tiết màu trắng đục từ các tuyến dưới da, mang tai, còn gọi là nọc cóc hay nhựa cóc)...

Theo các chuyên gia y tế, trong thịt cóc có tỷ lệ đạm rất cao và không chứa nọc độc. Thành phần gây độc ở cóc là độc tố bufotoxin, một chất cực độc, có trong gan, trứng, da, mủ (dịch tiết màu trắng đục từ các tuyến dưới da, mang tai, còn gọi là nọc cóc hay nhựa cóc), ở mắt và hạch thần kinh (dọc hai sống lưng) có thể gây chết người trong thời gian rất ngắn. Ước tính lượng bufotoxin trong một con cóc có thể khiến 4-5 người khỏe mạnh bị tử vong.


Nguy cơ trẻ bị ngộ độc do ăn thịt cóc là rất lớn, riêng trong tháng 8/2010, tại BV Nhi đồng I và BV Nhi đồng II, TP Hồ Chí Minh đã tiếp nhận tới 4 bệnh nhi bị ngộ độc nặng vì ăn thịt cóc. Nguyên nhân là các bậc phụ huynh chưa hiểu biết đầy đủ về nguy cơ ngộ độc từ cóc nên chưa cẩn trọng trong quá trình chế biến, làm cho độc tố trong da, nội tạng cóc vỡ ra, dính vào thịt cóc gây ngộ độc. Thậm chí, có gia đình còn cho trẻ ăn cả gan và trứng cóc.

 

Nếu ăn phải độc tố trong thịt cóc, chỉ sau 1-2 giờ, trẻ có biểu hiện buồn nôn, nôn, đau và chướng bụng, tiêu chảy, rối loạn nhịp tim, tụt huyết áp, sốc, ảo giác, đau đầu, có thể hưng phấn, tổn thương gan, thận, dẫn đến tử vong nếu không điều trị kịp thời.


Để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm do cóc, tốt nhất là không ăn thịt cóc và sản phẩm tự chế biến từ cóc. Nếu vẫn muốn sử dụng cóc làm thực phẩm thì tuyệt đối không ăn trứng và gan cóc. Trong quá trình chế biến, tránh làm vỡ trứng cóc, tuyệt đối không để da cóc, nhựa cóc dính vào thịt. Không sử dụng các sản phẩm bột thịt cóc không rõ nguồn gốc, không được kiểm định để điều trị suy dinh dưỡng cho trẻ.


Phương Liên (tổng hợp)