08:22 27/08/2011

Cốc cốc cốc... cùng “đẩy buồm thuyền”

Dù vẽ bằng chì màu, sơn dầu hay bút sáp... những bức họa của các họa sĩ nhí CLB Cốc cốc cốc (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng khiến nhiều người xem ngạc nhiên và thán phục...

Dù vẽ bằng chì màu, sơn dầu hay bút sáp... những bức họa của các họa sĩ nhí CLB Cốc cốc cốc (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng khiến nhiều người xem ngạc nhiên và thán phục. Triển lãm do Trung tâm UNESCO giáo dục quốc tế (UCIE) tổ chức tại Hà Nội ngày 19/8/2011 nhân kỷ niệm 30 năm thành lập Liên hiệp UNESCO thế giới.

Đồng điệu trong hội họa

“Đẩy buồm thuyền” như một hoạt động ngoại giao văn hóa bằng tranh khi có sự kết hợp giữa những họa sĩ đặc biệt. Đó là những học sinh (14-27 tuổi) của Trường Mỹ thuật thiếu niên Almaty, Cadắcxtan và các em học sinh lớp 8, 9 trường Nguyễn Viết Xuân (Hà Nội)- trường nội trú dành cho học sinh kém may mắn. “Không khó tìm thấy trong triển lãm sự đồng điệu của những tâm hồn thuộc hai dân tộc khác nhau”, họa sĩ- thầy giáo Nguyễn Việt Hòa, Chủ nhiệm CLB nghệ thuật cộng đồng Cốc cốc cốc tâm sự.

Sự sáng tạo đầy ngẫu hứng được thể hiện ở bức tranh được các bạn nhỏ hai nước vẽ đặt ngay ở lối vào. Chính giữa là con thuyền dài màu đỏ được trang trí bằng những hình khối màu vàng. Những họa tiết bao quanh con thuyền là hoa sen vàng, hoa tulíp, những đám mây trắng trên nền trời xanh ngắt. Đây đó lấp ló những chú cá bơi lội tung tăng. “Thật ngẫu nhiên khi các bạn chọn chủ đề chính của bức tranh là một con thuyền độc mộc, rất phù hợp với tên của cuộc triển lãm “Đẩy buồm thuyền”“, Hòa hào hứng.

Bức tranh của em Nguyễn Thị Thanh tại triển lãm.

Đa số tác phẩm của các bạn Cadắcxtan trưng bày tại triển lãm đều lấy gam xanh làm màu chủ đạo, “đó là màu đặc trưng của dân tộc chúng tôi, cũng là màu sắc chính của quốc kỳ đất nước Cadắcxtan - một bạn nhỏ Cadắcxtan chia sẻ - các bạn sẽ cảm nhận được những chi tiết tỉ mỉ với nghệ thuật trang trí hoàn hảo trong các bức tranh”.

Cô nữ sinh 16 tuổi của trường Nguyễn Viết Xuân là Nguyễn Thị Thanh lại chọn cách vẽ vảy màu nước lên giấy trắng. Màu chảy đan xen tự do theo nhiều hướng khác nhau đã khai thác tối đa sự sáng tạo và trí tưởng tượng của các bạn nhỏ. Chiếm đến 2/3 bức tranh là hình thù một chiếc ô tô đang bon bon chạy và “em đang cầm lái đấy”, theo tay Thanh chỉ, cái đầu nho nhỏ với hai bím tóc xinh xinh hiện ra thật ngộ nghĩnh.

“Mỗi người có một tố chất riêng nên phải tìm chất liệu phù hợp. Bút dạ dùng để vẽ chi tiết, màu nước để vẽ theo cảm hứng, bút sáp dành cho những bạn có tay khỏe. Nhưng cũng có những tác phẩm lại được thực hiện bằng tay!”, Hòa nói.

Cốc cốc cốc, xin mời vào

Thành lập từ năm 2007, CLB Cốc cốc cốc ra đời từ ý tưởng của bài thơ “Mời vào” nổi tiếng của lão nhà thơ Võ Quảng. Dự án “Gõ cửa tương lai” được nhóm thực hiện từ cách đây 1 năm cùng các em nhỏ trường Nguyễn Viết Xuân. Trong 6 tháng đầu, các em được học vẽ cơ bản, 6 tháng tiếp theo là học vẽ nâng cao và 6 tháng sau đó, các em được học vi tính, chụp ảnh, kỹ năng sống. “Một số bức tranh trong triển lãm “Đẩy buồm thuyền” là kết quả 6 tháng đầu tiên của dự án”, Hòa cho biết.

Hòa nói thêm: “Các bạn đến từ Cadắcxtan được đào tạo trong môi trường chuyên nghiệp nên có kỹ thuật rất tốt, vì thế CLB muốn có một sự giao lưu để các bạn trường Nguyễn Viết Xuân có cơ hội học hỏi, nâng cao khả năng sáng tạo”.

“Thời gian đầu, các bạn còn rất e dè, ngại tiếp xúc, gần như là thu mình lại. Chúng tôi bật cười khi một bạn học sinh trả lời rằng chẳng thích học vẽ chút nào, chỉ là vì cô giáo triệu tập nên đến học cho đủ quân số. Nhưng thật may mắn vì hầu hết các bạn nhỏ đều thích vẽ cho dù ban đầu chỉ là bôi và cào màu lung tung trên giấy”, Hòa nhớ lại.

Ngạc nhiên và thích thú trước những nét vẽ hồn nhiên.

Và những bức tranh của các bạn trưng bày trong “Đẩy buồm thuyền” chứng minh một điều: Trẻ học nghệ thuật sẽ thêm vững vàng và tự tin. Đó cũng là sự động viên rất lớn cho Cốc cốc cốc. “Hiện nay, phổ cập giáo dục thẩm mỹ cho trẻ em là vấn đề rất bức thiết. Học nghệ thuật không chỉ để trở thành họa sĩ mà còn là cách tốt nhất để đào luyện thể chất và tâm hồn con người”, Nguyễn Việt Hòa trầm tư.

Với suy nghĩ ấy, thay vì bảo các em phải vẽ thế này hay thế khác, những sinh hoạt dã ngoại đã đưa các em trở về môi trường tự nhiên, hòa đồng trong những môi trường sống, quan sát, đối thoại và diễn tả lại các ký ức của mình. “Hãy kiên trì gõ cửa vì sau tiếng “Cốc cốc cốc” đánh thức trái tim, sẽ là tiếng “Mời vào” mở ra những gì đẹp đẽ nhất!” – đó là những gì Nguyễn Việt Hòa đã và đang bền bỉ thực hiện.

Bài và ảnh: Nguyễn Cúc