04:11 18/04/2020

Có thể đưa thịt lợn vào danh mục bình ổn giá?

Trước nhiều ý kiến cho rằng cần đưa thịt lợn vào hàng bình ổn giá để không ảnh hưởng trực tiếp đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI), ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng, muốn đề xuất một mặt hàng nào đó vào danh mục bình ổn giá phải đạt các tiêu chí của Luật Giá, tức hàng hóa, dịch vụ đáp ứng nhu cầu cơ bản của con người.

Chú thích ảnh
Kiến nghị giảm thuế nhập khẩu thịt lợn để tăng nguồn cung góp phần ổn định giá thịt lợn trong nước.

Trong thời gian qua, việc thiếu hụt nguồn cung, lại có quá nhiều khâu trung gian dẫn đến giá thịt lợn trên thị trường vẫn đắt đỏ. Người tiêu dùng chưa được hưởng lợi mặc dù giá lợn hơi đã giảm.

Theo một số chuyên gia kinh tế, trong cơ cấu bữa ăn của người Việt, thịt lợn chiếm 70% trong cơ cấu nguyên liệu trong chế biến các món ăn nên việc giá thịt lợn neo cao thời gian dài sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến mục tiêu kiểm soát CPI. Vì vậy, cần đưa mặt hàng này vào diện bình ổn theo Luật giá để giúp người dân mua được nguồn hàng ổn định cũng như góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

“Để giá cả thịt lợn hợp lý, Nhà nước cần điều tiết bằng các biện pháp kinh tế, chứ không phải quản lý bằng mệnh lệnh hành chính. Điều tiết cung cầu là gốc rễ hiện nay, giá thịt lợn thị trường chỉ là phần ngọn. Trong lúc chờ tái đàn, Nhầ nước cần đôn đốc nhập khẩu để ổn định thị trường; tạo thêm các chuỗi cung ứng khép kín từ sản xuất, lò mổ đến khâu chế biến, bán lẻ nhằm giảm chi phí khâu trung gian, góp phần giảm giá bán lẻ trên thị trường", ông Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam đề xuất.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, tại Điều 15 Luật Giá quy định: Hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá là những mặt hàng, dịch vụ thiết yếu cho sản xuất, đời sống được quy định theo các tiêu chí: Nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu và dịch vụ chính cho sản xuất và lưu thông và là hàng hóa, dịch vụ đáp ứng nhu cầu cơ bản của con người. 

Những mặt hàng thiết yếu, đáp ứng được các yêu cầu trên là: Điện, xăng dầu, muối ăn, sữa, thuốc chữa bệnh, gạo tẻ… Vì vậy, muốn đề xuất một mặt hàng vào danh mục bình ổn giá, phải đạt các tiêu chí trên. Công tác điều hành giá trên thực tế, nếu mặt hàng nào cần thiết, cơ quan chức năng vẫn cân nhắc để đưa vào danh mục bình ổn giá. Ví dụ, sách giáo khoa, mặt hàng thiết yếu, ảnh hưởng tới cuộc sống người dân, nhất là khu vực yếu thế với đối tượng là học sinh. Theo Bộ Tài chính, sắp tới cơ quan chức năng không chỉ cân nhắc đưa vào danh mục bình ổn giá mà dự kiến còn thực hiện định giá đối với mặt hàng này.

Việc giá thịt lợn tăng cao và neo ở mức giá cao trong suốt một thời gian dài, có nguyên nhân là do sản xuất và cung cầu thị trường. Điều này đã được người đứng đầu ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn khẳng định là do chưa đủ lượng sản phẩm thịt lợn để cung cấp cho thị trường theo yêu cầu; giá thành sản xuất cao vì phải đảm bảo các biện pháp an toàn sinh học, kiểm soát các khâu trong chăn nuôi; còn có quá nhiều khâu trung gian. 

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, giải pháp tối ưu để bình ổn giá thịt lợn đó là giải quyết bài toán cân đối cung cầu; phải thực hiện tái đàn để duy trì sản xuất một cách bền vững và tổ chức tốt khâu lưu thông theo chuỗi, từ sản xuất đến tiêu dùng, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm… 

Đồng tình quan điểm này, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả - Bộ Tài chính) nói: "Đúng là thời gian qua, giá thịt lợn biến động "leo thang" liên tục. Nhưng nếu đặt vấn đề đưa mặt hàng này vào danh mục bình ổn giá thì không khả thi bởi vì không thực hiện được việc đăng ký giá, kê khai và kiểm soát giá, nhất là Việt Nam vẫn còn tồn tại các chợ dân sinh, chợ tạm, chợ cóc. Giá thịt lợn biến động thời gian qua là do việc tái đàn chậm, thiếu nguồn cung và quan trọng hơn nữa là do khâu lưu thông phân phối qua rất nhiều tầng nấc, khi thịt lợn đến tay người tiêu dùng thì giá quá cao”.

Cũng theo PGS.TS Ngô Trí Long, các cơ quan chức năng cần đưa ra biện pháp cấp bách trước mắt, chứ không phải đưa vào danh mục để bình ổn giá. Với trường hợp này, các nước họ sẽ dùng biện pháp cứng đó là các công cụ kinh tế, cùng với việc nhập khẩu để đáp ứng nguồn cung; tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm nếu phát hiện tăng giá bất hợp lý; thực hiện tốt khâu lưu thông, phân phối, để hàng hóa đến tay người tiêu dùng với giá cả hợp lý. 

Một số chuyên gia thương mại cho rằng: Thịt lợn vẫn chưa phải là mặt hàng đáp ứng yêu cầu cơ bản của con người, khi mà vẫn có thể sử dụng nhiều thực phẩm thay thế khi giá thịt lợn tăng cao. Đây cũng là một trong những biện pháp mà người tiêu dùng thông thái có thể sử dụng, để góp phần giảm giá thịt lợn.

Để tránh tình trạng người chăn nuôi, tiểu thương kinh doanh găm hàng, đẩy giá, bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội đưa ra khuyến nghị, trước mắt khuyến khích người dân sử dụng sản phẩm thay thế thịt lợn và sử dụng thịt lợn đông lạnh thay thế thịt lợn tươi nhằm giảm sức ép cho nguồn cung trong nước. Bên cạnh đó, ngành công thương sẽ phối hợp với Cục Quản lý thị trường Hà Nội đẩy mạnh kiểm soát thị trường, ngăn chặn, xử lý nghiêm tình trạng tăng giá, gây bất ổn thị trường của các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn.

Dịch tả lợn châu Phi vào năm 2019 khiến đàn lợn của Việt Nam thiệt hại 20%. Từ tháng 10 năm ngoái, sau khi dịch đi vào ổn định các địa phương tập trung cho tái đàn. Kết quả đến hết quý I/2020, tổng đàn lợn cả nước là 24 triệu con, tăng 6,3% so với tháng 12/2019. Theo nhận định của Bộ NN-PTNT, đến quý III và đầu quý IV/2020, có thể sẽ đạt số lượng bằng thời kỳ cao nhất cuối năm 2018 và lúc đó sẽ có đủ khối lượng để cung cấp cho thị trường.

Minh Phương/Báo Tin tức