08:14 09/08/2016

Cơ thể đầy vết bầm giác hơi của hàng loạt VĐV Olympic

Những đốm đỏ sẫm trên vai và lưng các VĐV Olympic không phải vết bỏng xì gà. Chúng cũng không phải những vết mụn tròn. Khán giả theo dõi các trận đấu tại Olympic cuối tuần qua đã phát hiện những vết bầm trên người các VĐV và tự hỏi: Đó là gì?

Kình ngư Mỹ Michael Phelps đăng ảnh lộ vết giác hơi trên bắp tay lên Instagram.

Câu trả lời là, các VĐV tham dự Olympic tại Rio năm nay đã tìm đến giác hơi: Một liệu pháp cổ từng được sử dụng chủ yếu ở Trung Đông và các nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc.

Vết giác hơi nổi bật trên người Michael Phelps.

Liệu pháp này được thực hiện gồm các bước: các cốc hút bằng thủy tinh hình tròn được làm ấm, sau đó đặt lên các vùng bị đau của cơ thể. Việc đặt cốc lên cơ thể tạo ra một khoảng chân không, được cho là kích thích các cơ bắp và lưu lượng máu, giúp giảm đau.

Michael Phelps có vẻ "nghiện" giác hơi.

Naddour nói với USA Today rằng anh thấy giác hơi là công cụ giảm đau hiệu quả. 

Kình ngư huyền thoại người Mỹ Michael Phelps, VĐV thể dục dụng cụ Mỹ Alex Naddour và VĐV bơi lội của Belarus Pavel Sankovich đều có các bức hình cho thấy rõ các vết giác hơi ở chân tay và lưng họ. Sankovich vừa qua đã viết trên tài khoản Instagram: “Giác hơi là công cụ hồi phục tuyệt vời” cùng với hình ảnh hai đùi đầy vết giác hơi.

Cựu VĐV bơi lội Olympic Natalie Coughlin cũng mới đăng tải hình ảnh cô trải qua liệu pháp giác hơi này.

Cựu kình ngư Natalie Coughlin trong hình ảnh giác hơi.

Trong khi đó, Michael Phelps cũng “khoe” trải nghiệm giác hơi trên Instagram. Trước đây, những người nổi tiếng như Jennifer Aniston, Gwyneth Paltrow và Jessica Simpson cũng từng xuất hiện với những vết giác hơi.

Giác hơi không mới

Liệu pháp giác hơi từng được đề cập tới trong các văn bản tiếng Hy Lạp và Ai Cập.

Theo một phân tích năm 2012 đăng trên tạp chí PLOS one, trong y học cổ truyền Trung Quốc, liệu pháp giác hơi có lịch sử ít nhất 2.000 năm. Nó được cho là để khôi phục là dòng chảy của “khí” – năng lượng cuộc sống.  Trong những năm gần đây, trị liệu giác hơi được sử dụng cho những người mắc bệnh zona, liệt mặt, ho, khó thở và mụn trứng cá. Nhưng theo phân tích, giác hơi thường được sử dụng nhiều nhất để điều trị các chứng đau.

Một nghiên cứu quy mô nhỏ về giác hơi phát hiện rằng các vết bầm đỏ sẫm sau khi giác hơi sẽ biến mất sau 2-4 ngày.

Bằng chứng khoa học

Nữ minh tinh Hollywood Gwyneth Paltrow với các vết giác hơi trên lưng.

Trong các nghiên cứu trước đây, liệu pháp giác hơi được sử dụng để điều trị đau do ung thư và đau lưng. Trong cả hai thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên, các nhóm tiếp nhận liệu pháp giác hơi có hiệu quả giảm đau tốt hơn.

Nhưng đây chỉ là hai thử nghiệm quy mô nhỏ, vì vậy trên bản đánh giá được công bố trên Tạp chí dược học thuốc bổ sung và thay thế (eCAM) năm 2011, các nhà nghiên cứu đã viết rằng rất khó để có “kết luận chắc chắn” dựa trên dữ liệu hạn chế.

Tuy nhiên, hầu hết các nghiên cứu đã công bố tập trung vào giác hơi ướt, phối hợp giữa lực hút và các loại thuốc kiểm soát chảy máu. Trong liệu pháp này, một dao mổ nhỏ sẽ được sử dụng để tạo ra những vết cắt trên bề mặt da và hút ra một lượng máu nhỏ. Dựa vào các bức ảnh trên mạng xã hội, có thể thấy các VĐV lựa chọn liệu pháp không chảy máu, được biết tới là giác hơi khô.

Cho tới nay, tác động lặp lại của liệu pháp giác hơi qua thời gian chưa xác định, nhưng theo nghiên cứu khoa học công bố năm 2012, nó được cho là an toàn.

Hạnh Nhân (Theo CNN)