09:13 03/09/2019

Có sự can dự của 'thế lực nước ngoài' vào việc kích động biểu tình bạo lực tại Indonesia?

Cảnh sát Indonesia ngày 2/9 cho biết đang tiến hành điều tra khả năng các thế lực nước ngoài can dự vào các cuộc biểu tình bạo lực bùng phát từ hôm 19/8 tại hai tỉnh Papua và Tây Papua.

Chú thích ảnh
Cảnh sát được triển khai để đối phó với người biểu tình quá khích tại Timika, Indonesia, ngày 21/8. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Indonesia, Tổng thống nước này, Joko Widodo,  đã ra lệnh cho cảnh sát điều tra các hành vi phân biệt chủng tộc đối với các sinh viên người Papua, cũng như có hành động kiên quyết đối với các phe nhóm đứng sau các cuộc biểu tình bạo lực vừa qua.

Cảnh sát trưởng Indonesia Tito Karnavian tuyên bố, ông biết rõ các phe nhóm này có quan hệ với một “mạng lưới quốc tế”. Theo người phát ngôn cảnh sát quốc gia, Tướng Mohammad Iqbal, một cuộc điều tra đã được tiến hành về thông tin liên quan đến sự can dự của các thế lực nước ngoài vào các vụ việc xảy ra tại đảo Java và Papua trong hai tuần qua. Theo ông Mohammad Iqbal, hiện cảnh sát đã phân tách được các nhóm kích động phân biệt chủng tộc và đứng sau các cuộc biểu tình bạo lực.

Trước đó, một người phát ngôn khác của cảnh sát quốc gia, Tướng Dedi Prasetyo, tiết lộ, qua cuộc điều tra chung, lực lượng này cùng Cơ quan Tình báo quốc gia, Cơ quan Mã hóa và An ninh mạng quốc gia (BSSN) đã phát hiện 1.750 tài khoản Facebook và Twitter phát tán 32.000 tin giả với các nội dung mang tính khiêu khích về tình hình Papua, trong đó một số tài khoản được vận hành từ nước ngoài. Kết quả điều tra đã được gửi cho Bộ Thông tin - Truyền thông và toàn bộ các tin giả đã được xóa khỏi hai mạng xã hội nêu trên. Chính quyền Indonesia đã buộc phải tạm ngừng cung cấp dịch vụ Internet và dữ liệu viễn thông nhằm ngăn chặn người dân tại Papua truy cập mạng xã hội.

Khoảng 6.000 binh sĩ và cảnh sát đã được tăng cường tới các tỉnh Papua và Tây Papua nhằm nhanh chóng ổn định tình hình. Cảnh sát trưởng Tito Karnavian và Tư lệnh quân đội Hadi Tjahjanto (Ha-đi Ta-gian-tô) cũng trực tiếp tới Papua ngày 2/9 và sẽ ở lại đây cho đến khi tình hình an ninh ổn định trở lại. Trong một diễn biến liên quan, ngày 2/9, Tổng cục Di trú Indonesia thông báo đã trục xuất 4 công dân Australia từ 25-37 tuổi, do tham gia các cuộc biểu tình tại Papua diễn ra ngày 27/8.

Làn sóng biểu tình đã lan rộng tại Papua sau khi hàng nghìn người, chủ yếu là sinh viên đại học, xuống đường nhằm phản đối nạn phân biệt chủng tộc và phân biệt đối xử. Đám đông người biểu tình đã chặn nhiều tuyến đường, đốt phá trụ sở của 7 cơ quan nhà nước, trong đó có trụ sở Hội đồng lập pháp Khu vực và văn phòng thường trú của hãng thông tấn Antara. Theo cảnh sát, bạo loạn đã khiến 9 người thiệt mạng, đồng thời gây thiệt hại vật chất ước tính lên tới 4,9 triệu USD.

Papua từng là thuộc địa của Hà Lan, nằm ở phía Tây của đảo New Guinea. Người dân địa phương này có tập quán và văn hóa khác biệt với phần còn lại của Indonesia. Năm 1969, Papua sáp nhập vào Indonesia sau một cuộc bỏ phiếu do Liên hợp quốc (LHQ) bảo trợ.

Hữu Chiến (TTXVN)