11:07 13/11/2022

Cơ sở tổ chức thi chứng chỉ năng lực ngoại ngữ cần chuẩn bị gì để sớm được duyệt?

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, hồ sơ đề nghị phê duyệt của nhiều cơ sở tổ chức thi chứng chỉ năng lực ngoại ngữ chưa đầy đủ nên tiến trình xử lý kéo dài khiến một số đơn vị, tổ chức chưa thể tổ chức thi IELTS, TOEFL... Vậy cơ sở cần chuẩn bị những điều kiện gì?

Chú thích ảnh
Nhiều đơn vị tổ chức chứng chỉ năng lực ngoại ngữ đang gấp rút hoàn thiện hồ sơ để sớm được phép tổ chức thi trở lại, đặc biệt các kỳ thi IELTS, TOEFL. Ảnh: HĐA 

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã thông tin về việc phê duyệt liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài theo quy định Nghị định số 86/2018/NĐ-CP và Thông tư số 11/2022/TT-BGDĐT. 

Cụ thể, nhằm bảo đảm chức năng quản lý hoạt động liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài được thực hiện đúng các quy định của pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích của người được cấp chứng chỉ và các bên liên kết. Đồng thời hoàn thiện các quy định của pháp luật theo quy định tại Nghị định số 86/2018/NĐ-CP, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 11/2022/TT-BGDĐT quy định về liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài.

IELTS là viết tắt của International English Language Testing System, tạm dịch là hệ thống kiểm tra Anh ngữ quốc tế. Bài thi IELTS gồm 4 kỹ năng: Nghe, nói, đọc và viết, phục vụ mục đích học tập, làm việc và định cư. Chứng chỉ IELTS hiện được công nhận ở hơn 11.000 cơ sở đào tạo ở 140 quốc gia. Năm 2018, kỳ thi này đã đạt mốc 3,5 triệu lượt thi trên toàn cầu. Tại Việt Nam, nhiều trường đại học dùng chứng chỉ này để xét tuyển đầu vào, xét công nhận chuẩn đầu ra ngoại ngữ. Hai đơn vị được phép tổ chức thi IELTS ở Việt Nam là Hội đồng Anh và Tổ chức giáo dục quốc tế IDP, lệ phí thi là hơn 4,6 triệu đồng/lượt.

Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn các đơn vị, tổ chức, cơ sở liên kết tổ chức thi (gọi chung là các cơ sở) khẩn trương hoàn thiện hồ sơ để thẩm định, phê duyệt, đồng thời Bộ cũng tập trung để rút ngắn tối đa thời gian xử lý các hồ sơ này (trong vòng 20 ngày).

Tuy nhiên, do hồ sơ đề nghị phê duyệt của nhiều cơ sở chưa đầy đủ nên tiến trình xử lý kéo dài khiến một số đơn vị, tổ chức chưa thể tổ chức thi, ảnh hưởng tới kế hoạch của những người có nhu cầu thi.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết: Các bên có nhu cầu liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ của nước ngoài cần chuẩn bị hồ sơ đầy đủ theo quy định. Theo đó, các bên liên kết cần làm hồ sơ đề nghị Bộ GD&ĐT phê duyệt theo quy định của Nghị định số 86/2018/NĐ-CP và Thông tư số 11/2022/TT-BGDĐT. Hồ sơ gồm: Đơn đề nghị phê duyệt liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài theo Mẫu số 08 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định; Thỏa thuận hoặc hợp đồng giữa cơ sở tổ chức thi tại Việt Nam và cơ sở đánh giá năng lực ngoại ngữ nước ngoài; Văn bản xác nhận tư cách pháp lý của các bên liên kết; Đề án tổ chức thi để cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài theo Mẫu số 09 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định.

Bộ GD&ĐT đề nghị các cơ sở khẩn trương hoàn thành hồ sơ theo quy định và sẽ sớm phê duyệt trong vài ngày tới nếu hồ sơ đầy đủ. 

LV/Báo Tin tức