07:13 31/07/2018

Cơ sở hạ tầng lấn sông, làm giảm khả năng thoát lũ của sông Bùi ở Chương Mỹ

Trong quá trình phát triển, nhiều hệ thống cơ sở hạ tầng đã lấn ra hành lang thoát nước của các sông, làm giảm khả năng thoát lũ. Việc này không chỉ xảy ra ở sông Bùi mà ở nhiều sông khác trên cả nước.

Sáng 31/7, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng đã trả lời phóng viên báo Tin tức về việc huyện Chương Mỹ (Hà Nội) đang bị ngập sâu do mưa lũ.

Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng trả lời báo chí sáng 31/7. Ảnh:H.V



Đêm qua, ông vừa đi kiểm tra tình hình ứng phó với ngập lụt của người dân huyện Chương Mỹ (Hà Nội). Ông đánh giá như thế về việc khu vực này liên tục xảy ra ngập lụt kéo dài trong thời gian qua?

Sau cơn bão số 3 vừa qua, mưa lũ đã gây ra ngập lớn tại nhiều tỉnh, thành phố. Phú Thọ ở Ngòi Me, hôm qua là sông Bùi ở Chương Mỹ (Hà Nội).

Về nguyên nhân gây ngập, trước hết là do mưa to với cường độ lớn, lũ tập trung nhanh. Do vậy, mưa lũ lên cao và uy hiếp các đê cấp 4. Tuy là đê cấp 4 nhưng phạm vi ảnh hưởng rất lớn.

Hiện có ý kiến cho rằng, khả năng thoát nước của các sông chính kém. Sông Bùi đổ ra sông Tích, sông Tích dẫn ra sông Đáy. Do vậy, khả năng thoát nước sông Bùi phụ thuộc vào khả năng thoát nước của sông Đáy.

Tuy nhiên, sông Đáy là đổ ra sông Hồng qua sông Đào, sông Đáy còn đổ ra sông Hoàng Long (Ninh Bình). Có thể đợt lũ hôm qua do lũ ở ven đường Hồ Chí Minh đổ xuống, đổ ra các sông qua Ninh Bình và đổ ra sông Đáy. Chúng tôi cho rằng, một phần lũ ở sông Hoàng Long dâng cao nên cửa thoát của sông Đáy bị hạn chế.

Còn lũ sông Đà nối với sông Đào có mực nước thấp và ngày hôm qua việc xả nước từ sông Đà đã dừng. Do vậy, cần đánh giá lại, chúng tôi đã giao cho Viện Khoa học thủy lợi đánh giá lại toàn bộ quá trình.

Lụt tới gần nóc nhà ở xóm Năng, xã Tân Tiến, huyện Chương Mỹ (Hà Nội). Ảnh: Lê Phú - Tin Tức

Bên cạnh đó, có một vấn đề nữa là trong quá trình phát triển, nhiều hệ thống cơ sở hạ tầng đã lấn ra hành lang thoát nước của các sông, làm giảm khả năng thoát lũ. Việc này không chỉ xảy ra ở sông Bùi mà ở nhiều sông khác trên cả nước.

Xin ông cho biết công tác khắc phục tình trạng này đã được triển khai như thế nào?

Văn phòng trường trực ban chỉ đạo Trung ương Phòng chống thiên tai cũng đã cảnh báo sớm về vấn đề này. Chủ tịch Thành phố Hà Nội đã xuống kiểm tra. Sáng nay, Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng đã liên lạc với chúng tôi để phối hợp chỉ đạo, kiểm tra. Khi chúng tôi xuống kiểm tra, hệ thông bờ bao bằng bao tải cát đã được củng cố tương đối cao (cao 40 – 50 cm). Đặc biệt, đêm qua khi chúng tôi đi kiểm tra, lực lượng vũ trang đã được triển khai rất tốt.

Bên cạnh đó, việc thông báo cho nhân dân cũng như các kịch bản như di dân nếu xảy ra lụt lớn đã được xây dựng cụ thể, việc cung cấp điện – cắt điện, tổ chức giao thông… đã được lên phương án.

Còn đối với người dân, trước hết phải hỗ trợ nước sinh hoạt, đề phòng dịch bệnh, những nhà xung yếu phải hỗ trợ khắc phục.

Qua đợt ngập lụt này, Hà Nội cần làm gì để hạn chế bị ngập ở những điểm trũng của thành phố thưa  ông?

Phạm vi thành phố lớn, khả năng thoát nước phụ thuộc vào nhiều sông quanh thành phố như sông Hồng, sông Đáy và các sông nhánh khác. Do vậy, thành phố cần tiếp tục củng cố lại hệ thống hạ tầng thoát lũ; nhận dạng lại những nơi trũng thấp, những nơi đê thấp để củng cố lại.

Đặc biệt là phải kiểm tra lại hướng thoát lũ, những chỗ gây cản trở dòng chảy, và phải lồng ghép phòng chống thiên tai vào hoạt động quản lý đất, xây dựng cơ sở hạ tầng một cách đồng bộ. Làm đường, xây khu đô thị cũng phải tính tới thoát nước.

H.V/Báo Tin tức