Khi USAID rút lui, Nga tranh thủ mở rộng ảnh hưởng toàn cầu qua Rossotrudnichestvo, đặc biệt nhắm tới các nước láng giềng và đang phát triển. Nhưng liệu tham vọng này có vượt qua được rào cản tài chính?
Khi USAID rút lui, Nga tranh thủ mở rộng ảnh hưởng toàn cầu qua Rossotrudnichestvo (trong ảnh: Một góc thủ đô Moskva, Nga). Nguồn: TASS
Trong bối cảnh Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) giải thể, một khoảng trống lớn trong lĩnh vực viện trợ phát triển toàn cầu đã xuất hiện. Tận dụng cơ hội này, Nga đang ấp ủ một kế hoạch đầy tham vọng nhằm mở rộng hoạt động của cơ quan hỗ trợ quốc tế của mình là Rossotrudnichestvo, trang mạng Eurasianet ngày 12/7 đưa tin.
Tại một cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn RBC, ông Yevgeny Primakov, người đứng đầu Rossotrudnichestvo, đã công khai tiết lộ kế hoạch cải tổ và mở rộng hoạt động của cơ quan này. Ông Primakov tin rằng dù đang chìm trong một cuộc chiến tốn kém với Ukraine, Nga vẫn cần chi tiêu cho các sáng kiến “quyền lực mềm” để xây dựng ảnh hưởng toàn cầu. Theo ông Primakov, việc duy trì vị thế văn hóa và kinh tế ở các nước láng giềng, đặc biệt là các quốc gia thuộc Liên Xô cũ, là một ưu tiên hàng đầu, thậm chí là vấn đề an ninh quốc gia.
"Đây không phải là từ thiện – đây là lợi ích cho đất nước. Nga là một cường quốc có lợi ích quốc gia riêng ở nước ngoài và cạnh tranh với các quốc gia khác, chúng ta phải bảo vệ ranh giới lợi ích quốc gia của mình", ông Primakov nhấn mạnh.
Khát vọng ngân sách và rào cản
Để hiện thực hóa tham vọng trên, ông Primakov đang tìm kiếm một khoản tăng ngân sách khổng lồ cho Rossotrudnichestvo. Từ mức phân bổ hằng năm hiện tại chỉ là 77 triệu USD, ông mong muốn con số này sẽ vượt mốc 1,5 tỷ USD. Nếu được chính phủ Nga phê duyệt, đây sẽ là một sự gia tăng chưa từng có, phản ánh quyết tâm của Điện Kremlin trong việc sử dụng viện trợ như một công cụ chính sách đối ngoại.
Tuy nhiên, tham vọng này vấp phải một rào cản lớn về hiệu quả hoạt động. Theo chính lời ông Primakov thừa nhận, chỉ 25% ngân sách hiện tại của cơ quan được chi cho các dự án thực tế; 75% còn lại dành cho chi phí hành chính. Tỷ lệ này hoàn toàn ngược lại với các tổ chức phi lợi nhuận hiệu quả của Mỹ, vốn thường có chi phí hành chính dưới 25% tổng chi phí. Điều này đặt ra câu hỏi lớn: ngay cả khi được cấp khoản ngân sách khổng lồ, liệu Rossotrudnichestvo có đủ năng lực để chi tiêu số tiền đó một cách hiệu quả hay không?
Ông Primakov cũng thẳng thắn thừa nhận rằng ngay cả khi được tái cấu trúc tốt nhất, Rossotrudnichestvo cũng chỉ có thể đạt được một phần nhỏ ngân sách và phạm vi hoạt động toàn cầu của USAID. Ông chỉ khiêm tốn đặt mục tiêu "sánh ngang với các quốc gia như Phần Lan".
Bất kể những khó khăn, ông Primakov đã làm rõ rằng việc duy trì ảnh hưởng tại Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS) sẽ là ưu tiên tuyệt đối của Rossotrudnichestvo. Ông thẳng thắn tuyên bố: "CIS đã, đang và sẽ là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi. Tôi luôn nói rằng nếu chúng tôi đột nhiên mất ảnh hưởng... ở Luxembourg, chúng tôi sẽ xoay xở bằng cách nào đó. Còn nếu chúng tôi mất ảnh hưởng ở các nước láng giềng, điều đáng tiếc đang xảy ra hiện nay, thì đó sẽ là một thảm họa".
Tựu trung, dù đặt mục tiêu lấp đầy khoảng trống của USAID, thì Rossotrudnichestvo vẫn sẽ phải vượt qua những rào cản về hiệu quả nội bộ. Liệu Rossotrudnichestvo có thể thay đổi và biến quyền lực mềm thành một công cụ hiệu quả hay không vẫn còn là một câu hỏi mở.