04:22 20/04/2021

Cơ quan Dược phẩm châu Âu: Vaccine J&J có thể liên quan đến sự cố máu đông cục

Cơ quan Dược phẩm Châu Âu ngày 20/4 cho biết họ đã tìm thấy “mối liên hệ có thể có” giữa vaccine phòng COVID-19 của hãng Johnson & Johnson với những ca bị cục máu đông hiếm gặp.

Chú thích ảnh
Vaccine phòng COVID-19 của Johnson&Johnson bị nghi ngờ có liên quan đến các sự cố huyết khối ở não sau tiêm. Ảnh: Getty Images

Cơ quan quản lý Dược phẩm của Liên minh Châu Âu ngày 20/4 cho biết họ đã tìm thấy “mối liên hệ có thể có” giữa vaccin phòng COVID-19 của hãng Johnson & Johnson (J&J) với những ca bị cục máu đông hiếm gặp và yêu cầu công ty có thêm cảnh báo vào nhãn. Tuy vậy, các chuyên gia tại cơ quan này nhắc lại rằng lợi ích của vaccine vẫn lớn hơn nguy cơ rủi ro.

Theo hãng tin AP, Cơ quan Dược phẩm Châu Âu (EMA) đã đưa ra quyết định nói trên sau khi một số lượng rất nhỏ các trường hợp bị chứng huyết khối (máu đông cục) ở những người đã tiêm vaccine được báo cáo ở Mỹ. EMA cho biết cảnh báo về các cục máu đông nên được thêm vào nhãn của vaccine Johnson & Johnson và những rối loạn máu hiếm gặp này nên được coi là “tác dụng phụ rất hiếm của vaccine”.

EMA cũng khuyến nghị thay đổi nhãn đối với vaccine AstraZeneca COVID-19 sau khi tìm thấy mối liên hệ với chứng huyết khối hiếm gặp. 

Trong cả hai trường hợp, EMA cho biết lợi ích của việc được chủng ngừa COVID-19 vẫn vượt trội so với nguy cơ rất nhỏ của số lượng hiếm gặp những người xuất hiện chứng cục máu đông bất thường.

Tuần trước, Johnson & Johnson đã tạm dừng triển khai vaccine ở châu Âu sau khi các quan chức Mỹ khuyến nghị tạm dừng tiêm vaccine do hãng này sản xuất, khi họ phát hiện 6 trường hợp đông máu trong số gần 7 triệu người đã được tiêm chủng.

Chú thích ảnh
Vaccine phòng COVID-19 do công ty dược Janssen, thuộc sở hữu của Johnson&Johnson sản xuất. Ảnh: AP

Dừng tiêm vaccine J&J ở nhiều quốc gia

Các quan chức châu Âu cho biết họ đã xem xét tất cả các bằng chứng hiện có từ Mỹ, bao gồm 8 báo cáo về các trường hợp đông máu hiếm gặp nghiêm trọng liên quan đến lượng tiểu cầu trong máu thấp, trong đó có một trường hợp tử vong. Tất cả các trường hợp đều xảy ra ở những người dưới 60 tuổi, nhưng EMA cho biết họ không thể xác định bất kỳ yếu tố rủi ro cụ thể nào.

Tuần trước, J&J đã tạm dừng triển khai loại vaccine COVID tiêm một liều của hãng ở châu Âu sau khi Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ khuyến nghị chính quyền tạm dừng sử dụng loại vaccine này trong khi kiểm tra những trường hợp bị chứng huyết khối. Giới chức Mỹ đã xác định được 6 trường hợp đông máu bất thường trong số gần 7 triệu người đã được chủng ngừa bằng vaccine Johnson&Johnson ở Mỹ.

Johnson & Johnson cũng đã khuyến cáo các chính phủ châu Âu nên lưu trữ vaccine của hãng cho đến khi Cơ quan quản lý dược phẩm của EU ban hành hướng dẫn về việc sử dụng chúng. Hiện nay, việc sử dụng rộng rãi loại vaccine này ở châu Âu vẫn chưa bắt đầu.

Việc chậm trễ sử dụng vaccine J&J là một đòn giáng mạnh hơn vào các nỗ lực tiêm chủng ở Liên minh châu Âu, vốn đang bị cản trở bởi tình trạng thiếu nguồn cung, các vấn đề hậu cần và lo ngại về các sự cố cục máu đông bất thường ở một số ít người được tiêm vaccine AstraZeneca.

Các chuyên gia lo ngại việc tạm dừng tiêm vaccine J&J có thể làm lung lay thêm niềm tin của dân chúng về vaccine và làm phức tạp thêm các nỗ lực tiêm chủng COVID-19 trên toàn thế giới.

Tuần trước, Nam Phi đã đình chỉ việc sử dụng vaccine J&J, nối tiếp quyết định tương tự tại Mỹ và các quốc gia như Italy, Romania, Hà Lan, Đan Mạch và Croatia.

Nghi ngờ nhằm vào thành phần adenovirus của vaccine

Hiện tượng cục máu đông liên quan đến vaccine J&J đang xảy ra ở các bộ phận bất thường của cơ thể, chẳng hạn như các tĩnh mạch dẫn máu từ não. Những bệnh nhân bị sự cố này cũng có lượng tiểu cầu trong máu thấp bất thường, một tình trạng thường liên quan đến chảy máu, không đông máu.

Trong tuyên bố ngày 20/4, EMA cho biết các trường hợp bị cục máu đông bất thường ở những người được tiêm J&J mà họ xem xét “rất giống với các trường hợp xảy ra với vaccine COVID-19 do AstraZeneca phát triển”.

Với vaccine AstraZeneca, các nhà khoa học ở Na Uy và Đức đã gợi ý rằng một số người đang gặp phản ứng bất thường của hệ thống miễn dịch, hình thành các kháng thể tấn công tiểu cầu của chính họ.

Chú thích ảnh
Tiêm vaccine Johnson & Johnson tại một địa điểm ở Chicago, Mỹ. Ảnh: AFP/Getty Images)

Vẫn chưa rõ liệu cơ chế tương tự có xảy ra với vaccine Johnson & Johnson hay không. Nhưng cả vaccine J&J và AstraZeneca, cũng như vaccine COVID-19 của Nga và một loại từ Trung Quốc, đều được sản xuất với cùng một công nghệ. Vaccine công nghệ truyền thống này hoạt động dựa trên việc huấn luyện hệ thống miễn dịch để nhận ra loại protein tăng đột biến bao bọc lấy virus. Để làm được điều đó, họ sử dụng một loại virus cảm lạnh, được gọi là adenovirus, để mang gien đột biến vào cơ thể.

Eleanor Riley, Giáo sư về miễn dịch học và các bệnh truyền nhiễm tại Đại học Edinburgh (Anh) cho biết: “Đang gia tăng nghi ngờ rằng những trường hợp hiếm gặp bị cục máu đông này có thể được kích hoạt bởi thành phần adenovirus của vaccine AstraZeneca và J&J”. Bà Eleanor nói rằng mặc dù cần thêm dữ liệu, “với đại đa số người lớn ở Châu Âu và Mỹ, những rủi ro liên quan đến mắc COVID-19 vượt xa mọi rủi ro khi được tiêm chủng."

Cơ quan Dược phẩm Châu Âu tháng trước cũng cho biết “có thể có mối liên hệ” giữa vaccine AstraZeneca và các sự cố cục máu đông hiếm gặp nhưng cho biết lợi ích của việc tiêm phòng vượt xa rủi ro. EMA ghi nhận nguy cơ bị cục máu đông còn thấp hơn nguy cơ đông máu mà phụ nữ khoẻ mạnh đối mặt từ uống thuốc tránh thai.

Liên minh châu Âu đã đặt hàng 200 triệu liều Johnson & Johnson cho năm 2021 và các quan chức EU đã hy vọng loại vaccine tiêm một mũi này có thể giúp tăng tỷ lệ tiêm chủng đang chậm của châu lục và bảo vệ những nhóm dân cư khó tiếp cận, như công nhân nhập cư và người vô gia cư.

Tháng trước, Liên minh châu Phi cũng thông báo họ đã ký một thỏa thuận mua tới 400 triệu liều vaccine J&J. Hãng này cũng có thỏa thuận cung cấp tới 500 triệu liều cho sáng kiến ​​COVAX do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn nhằm giúp đưa vaccine đến với người nghèo trên thế giới.

Thu Hằng/Báo Tin tức