03:10 20/03/2021

Có nên ‘mở cửa’ cho du lịch

Khi mà dịch COVID-19 đang có dấu hiệu giảm và việc tiêm ngừa vaccine đang triển khai ở nhiều quốc gia thì việc mở cửa để đón khách du lịch đang được nhiều nước cân nhắc thông qua “hộ chiếu vaccine”.

Tại Việt Nam, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, chúng ta cũng không nên ngoại lệ. Bởi, ngành du lịch nói chung và du khách quốc tế có đóng góp rất lớn cho nền kinh tế của đất nước và đây được xem là ngành công nghiệp trong tương lai của những quốc gia có tiềm năng về du lịch.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trước khi dịch COVID-19 ập đến, năm 2019, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 18 triệu lượt người, tăng 16,2% so với năm 2018. Đặc biệt, tổng thu từ khách du lịch trong năm 2019 đạt 726.000 tỷ đồng, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm 2018. Tuy nhiên, đến năm 2020, khi dịch COVID-19 diễn ra, lượng khách quốc tế đến nước ta chỉ đạt 3,8 triệu lượt người, giảm 78,7% so với năm 2019 và doanh thu từ ngành cũng sụt giảm tương tự.

Để vực dậy “ngành công nghiệp không khói” đang điêu đứng sau đại dịch COVID-19, nhiều quốc gia đã và đang triển khai "hộ chiếu vaccine" - một dạng thẻ chứng nhận tiêm chủng hoặc chứng nhận đã miễn dịch với COVID-19, qua đó cho phép những người đã tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 được tự do đi lại để kích cầu ngành du lịch sau đại dịch.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đánh giá và đề xuất biện pháp xử lý phù hợp về vấn đề mở cửa đón du khách quốc tế.

Theo đánh giá của Hiệp hội Du lịch Việt Nam, để có những giải pháp giúp doanh nghiệp du lịch vượt qua khủng hoảng do COVID-19, cần đưa ra các tiêu chí an toàn đón khách phù hợp với thông lệ quốc tế cũng như quy định của Việt Nam.

“Thế giới đã có vaccine và Mỹ dự kiến tháng 6/2021 có thể sẽ chấm dứt COVID-19 bằng cách chích ngừa vaccine cho người dân, châu Âu cũng đang áp dụng tương tự. Thái Lan đã quyết định từ ngày 1/7 mở hẳn thị trường cho khách quốc tế. Với Singapore, những du khách nào có chứng nhận đã tiêm vaccine, có kết quả âm tính là cho phép nhập cảnh mà không cách ly. Do vậy, đây là thời điểm giúp du lịch Việt Nam không lỡ mất cơ hội và có thể cạnh tranh với các quốc gia trong đón khách quốc tế trở lại”.

Tuy nhiên, nhiều người vẫn băn khoăn rằng, liệu chúng ta có nên sớm “mở cửa” đón du khách quốc tế khi nguy cơ dịch COVID-19 vẫn hiện hữu và nguy cơ này có thể xâm nhập vào Việt Nam bất cứ lúc nào qua việc mở cửa này?

Để giải quyết được những băn khoăn này, cần phải đánh giá “cái được” và “cái mất” cụ thể trước khi có quyết định mở cửa hay không. Bởi nếu mở cửa, chúng ta có thể phục hồi dần ngành du lịch, “cứu” được doanh nghiệp trong ngành đang “thoi thóp” và có thể có được khoản thu từ lĩnh vực này khi thời gian qua, uy tín và vị thế của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, nhất là trong việc chống dịch COVID-19, đảm bảo an toàn cho người dân trong nước.

Tuy nhiên, trong lúc nhiều nước trên thế giới vẫn đang là “ổ dịch” và khả năng virus SARS-CoV-2 chuyển biến với nhiều biến thể khác nhau, cũng như tỷ lệ miễn dịch từ vaccine COVID-19 vẫn chưa đạt 100% thì việc tiếp nhận du khách vào nội địa sẽ kéo theo nhiều nguy cơ không kém.

Như vậy, để tìm được giải pháp hiệu quả nhất, Việt Nam phải thành lập một nhóm hoặc tổ chức gồm nhiều chuyên gia bao gồm đủ các ngành từ y tế, ngoại giao đến công an, quốc phòng, Văn hoá Thể thao và Du lịch… để bàn thảo và đưa ra tiêu chí, cũng như lộ trình mở cửa đón khách du lịch quốc tế như thế nào để vừa có tính hiệu quả vừa đảm bảo an toàn cho người dân trong nước.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, nếu quy trình nhập cảnh không chặt chẽ, chỉ cần sơ suất nhỏ, một trường hợp mang mầm bệnh vào trong nước, lây ra cộng đồng thì không chỉ ảnh hưởng đến ngành du lịch mà nhiều ngành khác, gây thiệt hại kinh tế rất lớn. Điều đặc biệt lưu ý, Việt Nam chỉ nên công nhận "hộ chiếu vaccine" của các quốc gia, vùng lãnh thổ đã có quy trình kiểm định, cấp hộ chiếu hoặc chứng chỉ tiêm vaccine COVID-19 một cách chặt chẽ; cần có những quy định gắt gao như chỉ tiếp nhận du khách có "hộ chiếu vaccine" với thời gian đủ lâu, đồng thời trong vòng 3 ngày trước khi du khách rời nước họ phải có xét nghiệm nhanh PCR cho kết quả âm tính.

Thậm chí, ngoài những yêu cầu khắt khe đó, khi du khách đến Việt Nam, việc theo dõi, kiểm soát sức khoẻ du khách cần phải được thực hiện chặt chẽ và nghiêm túc hoặc có thể tiếp tục làm test nhanh virus SARS-CoV-2, nếu kết quả âm tính mới được chấp nhận.

Ngoài ra, trong thời gian đầu, Việt Nam nên mở cửa đón khách quốc tế đến các địa điểm du lịch cụ thể; hạn chế việc di chuyển qua nhiều địa phương của du khách... Mặc khác, người dân ở những nơi mở cửa đón khách du lịch quốc tế cần được tiêm vaccine để tạo miễn dịch cộng đồng. Nếu chưa có điều kiện tiêm cho tất cả thì ưu tiên những người phục vụ trong ngành du lịch.

Tại cuộc họp mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã nhấn mạnh, nếu chúng ta lơ là, chủ quan, dịch bệnh có thể bùng phát bất cứ lúc nào; đồng thời chúng ta quyết tâm tiếp tục thực hiện thành công mục tiêu kép: Vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa bảo vệ sức khỏe của người dân, đưa cuộc sống trở lại bình thường để phát triển kinh tế trong điều kiện bình thường mới. “Đây là một yêu cầu rất khó điều hành, xử lý. Chúng ta phải khéo léo, kịp thời”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành liên quan xem xét, nghiên cứu từng bước mở lại các đường bay quốc tế, chuẩn bị tốt các phương án triển khai áp dụng “hộ chiếu vaccine” và giao thương có sự kiểm soát.

Minh Thuyết