06:18 09/06/2017

Có nên cấp hạng sao khách sạn?

Ngày 9/6, Hiệp hội Du lịch Việt Nam phối hợp với Báo Nhân dân tổ chức tọa đàm “Luật Du lịch, động lực thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”.

Quang cảnh tọa đàm.

Một trong những nội dung trong dự thảo Luật Du lịch sửa đổi vẫn được nhiều đại diện các hiệp hội địa phương, doanh nghiệp du lịch đưa ra những ý kiến trái chiều về việc xếp hạng cơ sở lưu trú. Bản dự thảo của Luật Du lịch trình Quốc hội bỏ phiếu trong những ngày tới vẫn đề xuất 2 phương án: để doanh nghiệp tình nguyện đăng ký xếp hạng hay bắt buộc phải đăng ký xếp hạng sau 6 tháng bắt đầu hoạt động?


Về vấn đề này, ông Nguyễn Hồng Đài, Tổng Giám đốc Công ty APT Travel cho rằng: "Các cơ sở lưu trú du lịch được tự nguyện đăng ký xếp hạng nhưng cần ghi rõ trong luật khi không đăng ký xếp hạng thì không được tự ý phong sao để tránh việc cơ sở lưu trú có thể lợi dụng để quảng cáo sai sự thật hoặc lừa khách hàng vì du khách có thể chưa biết về khách sạn này".


Còn ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó giám đốc Transviet Travel cho rằng: Xu hướng trên thế giới không xếp hạng sao khách sạn nhưng nếu không xếp hạng sẽ rất khó cho doanh nghiệp lữ hành thông báo với du khách về tiêu chuẩn dịch vụ ăn ở. Một số khách sạn không xếp sao thường ghi chữ “tương đương” và sẽ gây khó cho doanh nghiệp lữ hành khi có sự cố xảy ra.


Trong khi đó, ông Hoàng Văn Tuyên, Hiệp hội Du lịch Lào Cai cho rằng:Đăng ký xếp hạng sao là để bảo vệ quyền lợi của du khách, người tiêu dung. Việc không quy định hạng sao hiện nay chỉ phổ biến ở các nước phát triển, có hệ thống tiêu chuẩn dịch vụ rõ rang. Còn ở Việt Nam, kinh doanh khách sạn nhiều nơi theo thời vụ, bát nháo nên trong giai đoạn này vẫn dự thảo Luật Du lịch sửa đổi vẫn xếp hạng sao.


Đại diện khách sạn Sheraton Hà Nội cho rằng: Với những khách sạn có thương hiệu thì bên cạnh việc tự kiểm tra trong hệ thống, khách sạn cũng phải đảm bảo chất lượng dịch vụ theo yêu cầu của du khách. Tuy nhiên, với tình trạng như Việt Nam hiện nay vẫn cần có sự giám sát của cơ quan quản lý. Việc xếp hạng nên tiến hành phân khúc 4-5 sao; còn lại từ 1-3 sao thì để chủ cơ sở tự đăng ký.


Cùng với việc xếp hạng sao khách sạn, việc xúc tiến quảng bá được các doanh nghiệp du lịch đặc biệt quan tâm. Trong khi nguồn ngân sách còn hạn hẹp, việc huy động nguồn quỹ xã hội hóa là cần thiết. "Vấn đề là quản lý ra sao và vận hành như thế nào cho hiệu quả", đại diện Hiệp hội du lịch Ninh Bình cho biết. 


Hiện dự thảo Luật Du lịch lần này đã bỏ quy định về lập Văn phòng Xúc tiến du lịch ở nước ngoài; Tăng vai trò của tổ chức xã hội nghề nghiệp và doanh nghiệp (kể cả thành lập văn phòng xúc tiến ở nước ngoài). Nội dung Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch đã làm rõ hơn mục đích thành lập Quỹ, xác định xúc tiến là nhiệm vụ chính của Quỹ; Quy định nguồn hình thành Quỹ là từ 3 nguồn (Nhà nước cấp, đóng góp tự nguyện, các nguồn hợp pháp khác).


Theo ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, dự thảo Luật Du lịch sửa đổi (Dự thảo Luật) đã được Ban Soạn thảo xây dựng, được ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội thẩm định, hoàn thiện. Dự thảo trình Quốc hội lần này nội dung ngắn gọn, rõ ràng lộ trình với 9 Chương, 82 Điều.


Dự thảo Luật đã nêu rõ các lĩnh vực Nhà nước ưu tiên bố trí kinh phí (cấp ngân sách) và Nhà nước khuyến khích hỗ trợ (Điều 5). Vai trò của Hiệp hội được nâng cao với các trách nhiệm cụ thể (Điều 7). Việc bảo vệ quyền lợi của khách được làm rõ hơn (Điều 10- 14). Đặc biệt, Dự thảo Luật đã làm rõ vai trò của doanh nghiệp trong việc sáng tạo, phát triển sản phẩm, chú ý đến các sản phẩm du lịch có ảnh hưởng đến tính mạng của khách du lịch (du lịch mạo hiểm), ưu tiên phát triển du lịch cộng đồng (Điều 18-19). Quy hoạch về du lịch cũng đã được cô đọng lại, phù hợp với dự thảo Luật Quy hoạch (Điều 20-21)…


Về cơ bản, dự thảo vẫn giữ được các nội dung cơ bản của Luật Du lịch 2005, đồng thời cập nhật, bổ sung một số nội dung mới, phù hợp với điều kiện đất nước hiện nay. Nội dung Luật đã bao quát toàn bộ các hoạt động của ngành, tiếp thu được tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị trong Nghị quyết 08. “Với tình hình hội nhập như hiện nay, dự thảo Luật Du luật sẽ điều chỉnh những mối quan hệ phát sinh trong giai đoạn vừa qua, đồng thời sẽ góp phần thúc đẩy du lịch phát triển nhanh, thực sự trở trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước”, ông Vũ Thế Bình cho biết.


Xuân Cường/Báo Tin Tức