04:23 28/04/2014

Có một “phiên tòa” hậu Điện Biên Phủ ở Pháp (Tiếp theo và hết)

Ủy ban điều tra quân sự về chiến dịch Điện Biên Phủ chính thức ra mắt ngày 31/3/1955, do đại tướng Georges Catroux đứng đầu, với bốn ủy viên là đại tướng không quân Martial Valin, đại tướng Joseph Magnan, đô đốc André Lemonnier, thống đốc Angiêri Georges Le Beau.

Kết luận nửa vời?


Ủy ban điều tra quân sự về chiến dịch Điện Biên Phủ chính thức ra mắt ngày 31/3/1955, do đại tướng Georges Catroux đứng đầu, với bốn ủy viên là đại tướng không quân Martial Valin, đại tướng Joseph Magnan, đô đốc André Lemonnier, thống đốc Angiêri Georges Le Beau. Suốt trong thời gian từ 21/4 đến 1/12/1955, Ủy ban đã họp tổng cộng 23 phiên, xem xét hàng loạt tài liệu, biên bản của Ủy ban quốc phòng Pháp, chất vấn hầu hết các sỹ quan và quan chức cao cấp liên quan, từ các tướng lĩnh như Navarre, Cogny, De Castrie cho đến hàng loạt sỹ quan cấp đại tá và chỉ huy cấp đại đội.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp quan sát trận địa Điện Biên Phủ lần cuối trước khi nổ súng. Ảnh: Tư liệu - TTXVN

Tuy nhiên, trách nhiệm của ủy ban này không thực sự đáp ứng đầy đủ các yêu cầu và trông đợi của tướng Navarre. Thay vì xem xét trách nhiệm của toàn bộ hàng ngũ lãnh đạo chiến tranh của Pháp kể từ khi ông ta bắt đầu tiếp quản vị trí Tổng chỉ huy quân đội Pháp tại Đông Dương, trách nhiệm của ủy ban này chỉ giới hạn trong đội ngũ chỉ huy quân sự. Cách thức mà cơ quan này được thành lập đã cho thấy giới chính trị Pháp muốn “chôn vùi hoàn toàn cuộc chiến tranh Đông Dương”.


Cũng cần phải nhắc lại rằng sau thất bại tại Đông Dương, nước Pháp tiếp tục phải tham chiến tại hàng loạt thuộc địa cũ ở Bắc Phi, đặc biệt, từ tháng 11/1954, Pháp bắt đầu cuộc chiến tranh Angiêri, kéo dài tới tận năm 1962. Những biến động về chính trị cũng khiến cho Bộ Quốc phòng Pháp thay đổi liên tục bộ trưởng. Vì lý do đó, giới chính trị và quân sự Pháp thực tình không thực sự muốn tìm khoét sâu vào nỗi đau của giới quân sự.


Cho tới nay có rất ít tài liệu liên quan đến các kết luận của Ủy ban được công bố. Theo Patrick Jeudy, đạo diễn bộ phim tài liệu “Điện Biên Phủ, bản báo cáo bí mật” ra mắt vào năm 2011, báo cáo của Ủy ban không tìm thấy điều gì quan trọng để chỉ trích quyết định tập trung lực lượng tại Điện Biên Phủ của tướng Navarre. Ông Jeudy cho rằng, Ủy ban đã chỉ trích tướng Cogny, người chịu trách nhiệm chỉ huy trực tiếp quân Pháp tại Điện Biên Phủ đã không chấp hành đầy đủ mệnh lệnh của cấp trên, tức tướng Navarre. Ông Jeudi cho rằng, Cogny đã không thông tin đầy đủ về tình hình cho Navarre.

 

Ngày 7/5/1954, lá cờ Quyết chiến Quyết thắng của Quân đội Nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng Đờ Cát - Chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, kết thúc vẻ vang 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp. Ảnh: Triệu Đại - TTXVN 

Trong khi đó, tướng Navarre bị cho rằng đã đánh giá quá lạc quan về tình hình chiến sự và có cách tiếp cận không phù hợp với chủ trương tìm cách rút khỏi cuộc chiến tranh Đông Dương trong danh dự của chính phủ Pháp. Những báo cáo của đại sứ Pháp Jean Chauvel, nhà đàm phán của Pháp tại hội nghị Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh Đông Dương, gửi về Paris trong tháng 7/1954 đã cho thấy điều này. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là phỏng đoán dựa trên đánh giá của giới nghiên cứu và một số nhân chứng lịch sử còn lại. Trong khi đó, có không ít sỹ quan cao cấp Pháp khuyên nên “bỏ qua” Điện Biên Phủ.


Theo một báo cáo của bộ chỉ huy quân khu 7 của Pháp đề ngày 1/6/1955: “Các sỹ quan cho rằng không nên buộc bộ chỉ huy quân sự phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về những sự kiện có nguyên nhân sâu xa từ các mệnh lệnh của chính phủ”. Một bức thư gửi cho Bộ trưởng Quốc phòng ngày 3/12/1955, người đứng đầu Ủy ban điều tra, tướng Catroux, đề nghị “Bộ chỉ huy quân sự (của Pháp tại Đông Dương) không nên bị coi là vật tế thần, vì nếu làm như vậy các sỹ quan sẽ rất tức giận do bị đối xử không công bằng, từ đó có thể bị mất tinh thần, đồng thời, tinh thần kỷ luật trong quân đội cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng”. Ngay cả Bộ trưởng Quốc phòng Pháp đương nhiệm, chính trị gia trẻ tuổi Maurice Bourges Maunoury (lên thay Emmanuel Temple), ngày 23/2/1956 đã đích thân viết thư đề nghị Thủ tướng Guy Mollet “thật không phải lúc quay trở lại quá khứ đau thương của nhiều sỹ quan của chúng ta, khi họ đang phải chiến đấu ở chiến trường Bắc Phi với nhiệm vụ vô cùng khó khăn, phải hoàn thành công việc mà họ đặt trọn trái tim”.


Quá trình thành lập cũng như hoạt động của Ủy ban điều tra về Điện Biên Phủ, những kết quả gây thất vọng đối với nhiều người của nó, cho thấy các chính phủ dưới thời Cộng hòa thứ tư của Pháp đã không thể đánh giá lịch sử một cách công bằng và thẳng thắn. Theo nhà sử học Ivan Cadeau, dường như giới lãnh đạo Pháp nói chung lo ngại rằng “nếu mở rộng thẩm quyền (điều tra), Ủy ban sẽ bị biến thành một tòa án xét xử cả chế độ nói chung và quá trình lãnh đạo - hoặc không lãnh đạo gì, theo đánh giá của một số người - cuộc chiến tranh Đông Dương nói riêng”. Cuối cùng, Ủy ban đã giải tán ngày 20/2/1956, chính thức khép lại thất bại của thực dân Pháp tại Điện Biên Phủ.


Dĩ nhiên tướng Navarre không thể hài lòng với các quyết định của giới lãnh đạo chính trị và quân sự cấp cao, nhất là ông nhanh chóng bị gạt sang bên lề trong khi nước Pháp đang mải mê với nhiều chiến dịch quân sự lớn, nhất là ở Bắc Phi. Năm 1956, Navarre đã lặng lẽ về hưu và cùng năm đó cho xuất bản cuốn sách “Đông Dương hấp hối”, biện minh cho những quyết định của mình.


Nước Pháp không thích những kẻ bại trận. Tướng Navarre chìm vào quên lãng, cho dù giới lãnh đạo Pháp không bao giờ có một bản án chính thức với ông ta.


Tiến Nhất (P/v TTXVN tại Pháp)