09:07 28/09/2019

Có một Hà Nội hào hoa trên những nốt nhạc của Lê Mây

Một buổi chiều cuối tuần, hơi thở mùa Thu đọng trên từng tán lá, khóm hoa, mặt ao trong khuôn viên ngôi nhà rợp bóng cây của nhạc sĩ Lê Mây. Một không gian bình yên nằm lặng giữa xóm nhỏ, mặc cho tốc độ đô thị hóa đang tiến gần tới đầu làng. Từ lâu, ông đã rời xa chốn đô thị ồn ào và bụi bặm để về ngoại thành Hà Nội, vui thú điền viên, tìm sự thanh thản trong tâm hồn và thỏa sức sáng tác.

Chú thích ảnh
Nhạc sĩ Lê Mây say sưa với ca khúc do ông sáng tác. 

Nhấn tay trên những phím đàn, tiếng dương cầm du dương cất lên, ông say với các ca khúc về Hà Nội. Mùa Thu cũng đang chạm tới tháng 10, tháng của những khúc khải hoàn, của niềm vui và hy vọng từ hơn nửa thế kỷ trước vọng về, khi mà Hà Nội vỡ òa trong ngày giải phóng.

“Ngàn năm về đây, về đây hội tụ/Khí phách cha ông hồn thiêng sông núi/Khát vọng bao đời gửi gắm đó Thăng Long”, lời ca khúc “Hà Nội linh thiêng - hào hoa” da diết, thăm thẳm nhưng cũng không kém phần trang trọng, hào hùng. Ở đó, người ta cảm nhận được một tâm thế, dáng vóc của thành phố có chiều sâu lịch sử, đầy uy nghiêm, một khí phách oai hùng mang đậm chất Hà Nội, vẫn được ghi danh, lưu truyền và tỏa sáng qua hàng nghìn năm.

Theo dòng thời gian, người Hà Nội vẫn giữ được khí phách đó để làm nên một Hà Nội anh hùng qua những lần mưa bom lửa đạn, vừa dũng khí nhưng cũng rất hào hoa, một thành phố hiện đại của ngày hôm nay. Nhạc sĩ Lê Mây kể rằng, ấp ủ viết về “Hà Nội linh thiêng - hào hoa” từ rất lâu nhưng 4 năm trước đó ông chỉ viết được 4 câu đầu.

Sau chuyến đi trại sáng tác để tham dự đợt viết về 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, cho đến những ngày cuối của đợt đi, ông nằm mơ thấy một kinh thành xưa khói sương bay lên và ông bật dậy viết tiếp một mạch, như có ai sắp đặt sẵn trong đầu và hoàn thành ca khúc trong nửa giờ. “Hà Nội linh thiêng - hào hoa” được đánh giá hay nhất đợt sáng tác về Hà Nội dịp đó, sau này trở thành ca khúc được yêu thích khi hát về Hà Nội.

Dù không sinh ra ở Hà Nội nhưng với nhạc sĩ Lê Mây, Hà Nội là nơi ông mang nặng nghĩa tình, nơi nuôi dưỡng tâm hồn nghệ sĩ cho ông. Khóe mắt hơi chớm nhòe lệ, ông xúc động khi nhắc đến tình yêu Hà Nội, không gian căn phòng dường như cũng lắng lại. Giọng trầm ngâm, ông chia sẻ rằng, nếu không có Hà Nội có lẽ cuộc đời ông chỉ gắn với ruộng đồng.

Trường Âm nhạc Việt Nam được ông ví như “một cỗ máy ủi san phẳng kiến thức cho ông và ở mặt bằng được san lấp đó ông đã gieo trồng để cho ra đời những tác phẩm âm nhạc”. Dường như cũng có sự trùng hợp nào đó, 7 năm công tác ở Đoàn Văn công Nghĩa Lộ, nay là Yên Bái (từ năm 1964 đến năm 1971), nhạc sĩ Lê Mây sáng tác không nhiều, chỉ khoảng 10 bài hát viết cho Đoàn, song khi về Hà Nội, công tác tại Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam ông có nhiều cơ hội để thể hiện khả năng sáng tạo của mình. Không chỉ có môi trường tốt mà có lẽ Hà Nội đã bồi đắp nhiều nguồn cảm xúc cho ông, khơi dậy trong ông tình yêu cuộc sống, đất nước, con người.

Chú thích ảnh
Nhạc sĩ Lê Mây vẫn thường xuyên sáng tác. 

Cùng với tác phẩm nổi tiếng “Hà Nội linh thiêng - hào hoa”, nhạc sĩ Lê Mây còn được biết tới với nhiều ca khúc hay như: “Đêm thu Hà Nội", ca khúc đầu tiên ghi dấu tình yêu Hà Nội, “Quê hương ơi, Hà Nội ơi”, “Cà phê chiều Yên Phụ”, “Trăng về phố”, “Phía Tây thành phố”…

Trong đó, “Quê hương ơi, Hà Nội ơi” chính là lời cảm ơn quê hương Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên, nơi đã sinh ra ông và cám ơn Hà Nội, nơi đã cho ông trí tuệ và sự thăng hoa âm nhạc. “Cà phê chiều Yên Phụ” là cảm xúc về vẻ đẹp của thiên nhiên Hà Nội, từ mặt hồ Tây mênh mang sóng nước buổi chiều tà, những đàn chim bay về, hàng hoa sữa thơm lừng hay các dãy phố nhỏ hiền hòa…

Ca khúc nào cũng đong đầy tình cảm với Hà Nội, rất sâu lắng. Không thể kể hết niềm vui của nhạc sĩ khi nhiều ca khúc về Hà Nội do ông sáng tác đoạt giải cao trong các cuộc thi. Đặc biệt nhiều ca sĩ đoạt huy chương khi thể hiện các ca khúc này.

60 năm gắn bó với sự nghiệp âm nhạc, tài sản vô giá nhạc sĩ Lê Mây để lại là khoảng 300 ca khúc với sự phong phú trong các đề tài thể hiện, từ đề tài thiếu nhi, quê hương, đất nước, đến tình yêu, tuổi trẻ… Nhiều thế hệ người Việt Nam rất quen thuộc với ca khúc “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai” (thơ Phùng Ngọc Hùng) và tên bài hát này trở thành khẩu hiệu trong cuộc vận động chăm sóc, bảo vệ trẻ em hiện nay.

Ông cũng kể rằng, bài hát “Bác thành chuyện kể, Bác thành lời ca” được Câu lạc bộ Thiếu nhi quận Ba Đình thể hiện suốt từ năm 1975 đến nay và trở thành bài hát truyền thống của câu lạc bộ.

Tên tuổi của ông cũng gắn liền với các ca khúc khác như: “Đường lên biên giới”, “Ngàn lần tôi hát Việt Nam ơi”, “Lời ru của mẹ”, “Người là Hồ Chí Minh”, “Câu lý và người thương”, “Hóa vàng”, “Võng đay trưa hè”… Năm 2010, khi đi thăm đảo Trường Sa, ông là nhạc sĩ giữ kỷ lục về sáng tác, trong 8 ngày ông sáng tác được 7 ca khúc.

Để định hình được phong cách trong sáng tác âm nhạc, nhạc sĩ Lê Mây luôn kế thừa hơi thở dòng nhạc dân gian, có tiếp cận với tiết tấu của dòng nhạc nhẹ và kết hợp sự vạm vỡ của nhạc thính phòng.

Ba yếu tố đó đều ngự trong hầu hết các tác phẩm của ông, bởi vậy các ca khúc của nhạc sĩ Lê Mây đều mang đặc trưng riêng, tạo ấn tượng với công chúng. Điều đó có thể thấy rõ ở ca khúc “Hà Nội linh thiêng - hào hoa”, “Hóa vàng”… Với bài hát của thiếu nhi, ông không dùng mỹ từ, lời ca không véo von mà ca từ rành mạch, dung dị và hồn nhiên.

Nhạc sĩ Lê Mây còn được biết đến là người sáng chế ra đàn T’rưng mini, một loại nhạc cụ dân tộc đặc sắc làm quà lưu niệm cho khách du lịch, nhất là khách nước ngoài. Tính đến nay, ông đã sản xuất ra hàng trăm nghìn cây đàn, mục đích nhằm giới thiệu văn hóa Việt Nam ra nước ngoài.

Với những đóng góp của ông cho nền âm nhạc nước nhà và Hà Nội, nhạc sĩ Lê Mây vinh dự được thành phố Hà Nội vinh danh là công dân Thủ đô ưu tú năm 2019. Lễ vinh danh sẽ được tổ chức vào lễ kỷ niệm 65 năm Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10 tới đây.

Bài, ảnh: Đinh Thuận (TTXVN)