08:20 01/08/2021

Có ít nhất 2 biểu hiện triệu chứng mới được coi là ca nghi ngờ mắc COVID-19

Tại Quyết định mới ban hành về hướng dẫn tạm thời giám sát và phòng, chống COVID-19; ca nghi ngờ phải có 2 trong số các triệu chứng: Sốt, ho, đau họng, khó thở, đau người, mệt mỏi, ớn lạnh, mất vị giác, khứu giác...

Chú thích ảnh
Hà Nội lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc ca nhiễm SARS-CoV-2. Ảnh: TTXVN.

Bộ Y tế vừa ban hành Quyết định 3638/QĐ-BYT về hướng dẫn tạm thời giám sát và phòng chống COVID-19, thay thế cho Quyết định số 3468/QĐ-BYT ngày 7/8/2020 của Bộ Y tế về hướng dẫn tạm thời giám sát và phòng chống COVID-19.

Theo Quyết định mới, có nhiều điểm được cập nhật mới phù hợp với tình hình dịch bệnh hiện tại. Trong đó, có một số định nghĩa liên quan đến COVID-19 đã được Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung so với quy định tại Quyết định cũ.

Cụ thể, về tiêu chuẩn xác định ca bệnh nghi ngờ trong Quyết định mới được hiểu là người có ít nhất 2 trong số các biểu hiện như: Sốt, ho, đau họng, khó thở, đau người, mệt mỏi, ớn lạnh, giảm, mất vị giác hoặc khứu giác hoặc có kết quả xét nghiệm dương tính SARS-CoV-2.  (Theo quyết định cũ số 3468, ca bệnh nghi ngờ chỉ phải có ít nhất 1 trong các triệu chứng: Sốt, ho, đau họng, khó thở, mệt mỏi, đau người, ớn lạnh; giảm hoặc mất vị giác, khứu giác; hoặc viêm phổi; đồng thời và phải có tiền sử đến, qua, ở, về từ quốc gia, ổ dịch đang hoạt động ở Việt Nam hoặc tiếp xúc với ca bệnh xác định hoặc bệnh nghi ngờ trong vòng 14 ngày).

Về cách xác định ca F0: Là trường hợp có kết quả xét nghiệm PCR dương tính tại các cơ sở xét nghiệm khẳng định đã được Bộ Y tế cấp phép. Trước đó, Bộ Y tế từng quy định F0 bao gồm cả trường hợp nghi ngờ và trường hợp có xét nghiệm PCR dương tính.

Về cách xác định các đối tượng tiếp xúc gần, theo Quyết định mới 3638, trường hợp tiếp xúc gần (F1) được phân loại cụ thể đối với F0 có triệu chứng và F0 không có triệu chứng (khác với Quyết định cũ 3468).

Cụ thể, F1 là người có tiếp xúc gần trong vòng 2 mét hoặc trong cùng không gian kín tại nơi lưu trú, làm việc, cùng phân xưởng, học tập, sinh hoạt, vui chơi giải trí... hoặc trong cùng khoang trên phương tiện vận chuyển với F0 trong thời kỳ lây truyền của F0. Việc xác định F1 đối với F0 có triệu chứng là trong khoảng thời gian từ 3 ngày trước khi khởi phát của F0 cho đến khi F0 được cách ly y tế. Thời điểm khởi phát của ca bệnh được tính là ngày có triệu chứng bất thường về sức khỏe đầu tiên mà bệnh nhân cảm nhận được, có thể là một trong các triệu chứng như: Mệt mỏi; chán ăn; đau người; gai người ớn lạnh; giảm hoặc mất vị giác, khứu giác; sốt; ho; đau họng...

Việc xác định F1 đối với F0 không có triệu chứng chia thành 2 trường hợp là:

Nếu F0 đã xác định được nguồn lây: F1 được xác định khi tiếp xúc với F0 trong khoảng thời gian từ khi F0 tiếp xúc lần đầu với nguồn lây đến khi được cách ly y tế.

Nếu F0 chưa xác định được nguồn lây: F1 được xác định là người tiếp xúc với F0 trong khoảng thời gian 14 ngày trước khi F0 được lấy mẫu xét nghiệm khẳng định dương tính cho đến khi F0 được cách ly y tế.

Bên cạnh đó, Quyết định 3638 cũng quy định, một số trường hợp được coi là tiếp xúc gần thường gặp gồm: Người sống trong cùng hộ gia đình, cùng nhà, cùng phòng; người trực tiếp chăm sóc, đến thăm hoặc người điều trị cùng phòng với ca bệnh; người cùng nhóm làm việc hoặc cùng phòng làm việc; người cùng nhóm có tiếp xúc với ca bệnh như: Nhóm du lịch, công tác, vui chơi, buổi liên hoan, cuộc họp, lớp học, cùng nhóm sinh hoạt tôn giáo, cùng nhóm sinh hoạt các câu lạc bộ, trên cùng một phương tiện giao thông...

Bên cạnh đó, người tiếp xúc với người tiếp xúc gần (F2) được quy định là người tiếp xúc gần trong vòng 2 mét với F1 trong khoảng thời gian từ khi F1 có khả năng lây nhiễm từ ca bệnh (F0) cho đến khi F1 được cách ly y tế.

Tạ Nguyên/Báo Tin tức