06:06 30/06/2019

Cơ hội và tận dụng

Một cơ hội mới lại mở rộng cửa chào đón Việt Nam chinh phục thị trường 28 nước thành viên của Liên minh châu Âu khi Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) được EU và Việt Nam ký kết tại Hà Nội, ngày 30/6.

Vậy là sau gần 9 năm kể từ thời điểm hai bên đồng ý khởi động đàm phán, sau một quá trình dài nỗ lực, bền bỉ và thiện chí từ cả hai phía, đã đến thời điểm “đơm hoa kết trái” được mong đợi bấy lâu!

Phải khẳng định rằng, đây tiếp tục là một thành công lớn của chúng ta trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, nâng tầm vị thế quốc gia và tạo ra những cơ hội, vận mệnh mới cho đất nước. Không thể không tự hào khi một đất nước bé nhỏ và còn nhiều khó khăn sau chiến tranh như Việt Nam chúng ta nhưng kể từ thời mở cửa đã không ngừng ngẩng cao đầu “sánh vai với các cường quốc năm châu trên thế giới”. Với sự “hiện diện” ở những tổ chức quan trọng nhất như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Diễn đàn hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)…; trong những vai trò quan trọng như Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Hội đồng nhân quyền LHQ…; ký kết nhiều Hiệp định quan trọng như Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình dương CPTTP hay Hiệp định EVFTA, EVIPA lần này.

Thực tế đã chứng minh, các cam kết quốc tế trong các Hiệp định đã giúp chúng ta không chỉ tiếp cận với các cơ hội phát triển kinh tế mà còn có điều kiện chủ động tiến hành đổi mới thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện đáng kể nền kinh tế. Việt Nam cũng đã khẳng định uy tín quốc tế khi thực hiện nghiêm túc các cam kết và không ngừng nỗ lực đổi mới để có thể thực hiện tốt nhất các cam kết đó.

Với EVFTA lần này, những cam kết mạnh mẽ trong việc EU loại bỏ và giảm dần các dòng thuế đang hứa hẹn tương lai rực rỡ cho nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này nếu biết tận dụng cơ hội. “Không những thế, lợi ích lớn là cơ cấu mặt hàng xuất khẩu và cơ cấu kinh tế với EU có tính bổ trợ chứ không cạnh tranh trực tiếp nên thuận lợi là rất lớn từ Hiệp định này, nếu biết cách khai thác, tổ chức sản xuất đảm bảo lợi ích hợp tác’, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Còn với EVIPA, EU là một đối tác với hàng loạt lĩnh vực có thế mạnh như dịch vụ, tài chính, ô tô, chế biến chế tạo, công nghệ thông tin, công nghệ cao, nông sản thực phẩm chế biến… Đây chính là những lĩnh vực Việt Nam đang rất cần đầu tư và phát triển toàn diện mà nếu biết tận dụng, cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, chúng ta sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư chiến lược của EU.

Cơ hội rõ ràng đã rộng mở với những thuận lợi có thể nói là chưa từng có. Tuy nhiên, lại vẫn là “tuy nhiên”, việc tận dụng cơ hội đó như thế nào, đến đâu, có tận dụng được hay không, tận dụng được ở mức độ nào… cũng đang là những câu hỏi lớn chờ lời giải đáp và kết quả trong quá trình thực thi sắp tới.

EU hay Mỹ hay bất kỳ thị trường nhập khẩu hàng hóa nào cũng đều có những tiêu chuẩn khắt khe, những yêu cầu nghiêm khắc về xuất xứ hàng hóa mà các bài học nhãn tiền đã cho thấy chỉ một sơ sẩy nhỏ là chúng ta đã có thể “trượt chân”, không chỉ mất cơ hội mà còn mất đi uy tín. Trong khi đó, chúng ta chưa thực sự có nhiều doanh nghiệp có thể đảm bảo được các yêu cầu tiêu chuẩn để có thể “tấn công” mạnh ra thị trường nước ngoài; đại đa số các DN vẫn chỉ ở quy mô nhỏ và vừa!

Đó là chưa kể mỗi Hiệp định đều có tính hai chiều, với EVFTA cũng không nằm ngoài thông lệ đó. Việt Nam phải cam kết mở cửa thị trường với dịch vụ hàng hóa cho EU. Hàng hóa của các nước EU cũng được chúng ta cam kết các ưu đãi khi nhập khẩu vào Việt Nam. Điều này buộc các doanh nghiệp trong nước không còn lựa chọn nào khác là phải chủ động cạnh tranh khốc liệt nhưng lại phải hết sức lành mạnh, tuân thủ chặt chẽ các quy định để giữ và mở rộng được chính thị phần của mình ở ngay thị trường trong nước!

Và cũng lại một lần nữa, để tận dụng được cơ hội đón nhận dòng đầu tư từ nước ngoài cũng như giúp các doanh nghiệp trong nước tự tin, vững vàng “gặt hái” từ các FTA, lại phải nhấn mạnh vai trò của Chính phủ trong công cuộc cải cách, từ cải cách thể chế, cơ chế, thủ tục… nhằm tạo môi trường thực sự thông thoáng, minh bạch đến việc cải cách cơ cấu, lề lối làm việc của các bộ ngành, địa phương. Từ việc cải cách quản trị kinh doanh trong các doanh nghiệp, mua sắm Chính phủ đến việc cải cách trong ngay tư duy của không ít DN về việc “hưởng lợi” thụ động, hời hợt bằng quan điểm cạnh tranh sòng phẳng và văn minh, chủ động và bền vững…

Hiệp định EVFTA và EVIPA chính thức được ký kết và dự định sẽ sớm được phê chuẩn để đưa vào thực thi. Chắc chắn, đây trước hết là một tin vui đối với cả hai bên! Chắc chắn, mỗi hiệp định đều mở ra những cơ hội lớn. Nhưng cũng chắc chắn rằng để tận dụng được các cơ hội đó không phải là điều dễ dàng. Nếu mỗi DN không chủ động sẵn sàng cải thiện để nắm bắt cơ hội của chính mình; nếu thể chế không được tiếp tục cải cách mạnh mẽ, kịp thời cho phù hợp thì cũng rất có thể cơ hội sẽ vuột khỏi tầm tay.

Bởi vậy, ngay từ lúc này, tất cả đều phải “xắn tay” ngay vào việc chuẩn bị triển khai thật tốt các cơ hội từ các FTA mang lại cũng như chuẩn bị sẵn sàng các phương án cạnh tranh tốt nhất khi nhiều mặt hàng của EU cũng được ưu đãi. Việc thực hiện các hiệp định mới này không chỉ phải được “nằm lòng” ngay trong đầu mọi thành phần DN Việt, mà còn phải được đặt ngay trong nghị trình, lịch trình làm việc của mọi cấp quản lý, từ Chính phủ tới các bộ ngành, địa phương, hiệp hội liên quan…

Bài học kinh nghiệm được rút ra từ quá trình thực hiện các FTA và các tổ chức thương mại, kinh tế trong suốt thời kỳ mở cửa sẽ quý báu hơn bao giờ hết khi chúng ta áp dụng trong quá trình thực hiện EVFTA và EVIPA, trong ngay từ những bước khởi đầu…

Ninh Hồng Nga (Báo Tin tức)