08:16 21/08/2020

Cơ hội song hành thách thức trong chặng đua tới Nhà Trắng

Sáng 21/8, cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chính thức trở thành ứng cử viên của đảng Dân chủ tham gia cuộc đua vào Nhà Trắng với đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump, sau khi ông có bài phát biểu tiếp nhận đề cử tại Đại hội toàn quốc của đảng.

Chú thích ảnh
Ứng viên tranh cử Tổng thống của đảng Dân chủ Joe Biden (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AFP/TTXVN

“Build back better" (tạm dịch: Xây dựng lại tốt hơn) - đó là những gì ứng cử viên Joe Biden cam kết thực hiện nếu ông trở thành tổng thống thứ 46 của nước Mỹ, trong bối cảnh chính trị gia từng 2 lần tranh cử tổng thống trong quá khứ này cho rằng cường quốc và cũng là nền kinh tế hàng đầu thế giới "đang tổn thương và lạc lối".

Nhìn lại con đường trở thành đại diện của đảng Dân chủ tham gia cuộc đua vào Nhà Trắng, có thể thấy ông Biden gần như không gặp nhiều trở ngại để vượt qua các ứng cử viên tiềm năng khác của đảng này, khi giành chiến thắng liên tiếp tại một loạt bang quan trọng và có tính quyết định trong cuộc bầu cử sơ bộ.

Nhờ bước tạo đà lớn khi nhận được sự ủng hộ từ những ứng cử viên đã rời bỏ cuộc đua trước đó cùng với chiến lược vận động thu hút nhiều bộ phận cử tri, ông Biden đã sớm đạt được đủ 1.991 phiếu đại biểu cần thiết theo quy định bầu cử để bước vào cuộc cạnh tranh với Tổng thống Trump. Với việc chính thức trở thành ứng cử viên của đảng Dân chủ, có thể nói ông Biden đã xuất sắc vượt quá vòng bảng để bước vào "trận chung kết" được đánh giá sẽ còn nhiều cam go.

Trong bối cảnh nước Mỹ cùng lúc đương đầu với 3 cuộc khủng hoảng về sức khỏe, kinh tế cũng như biểu tình phản đối tình trạng phân biệt chủng tộc, những khó khăn và thách thức mà chính quyền Tổng thống Trump đang phải đối mặt lại ít nhiều mang lại cơ hội cho ông Biden. Càng gần tới ngày bầu cử, cựu Phó Tổng thống Biden cũng như đảng Dân chủ càng trở nên tự tin hơn trong cuộc đua vào Nhà Trắng.

Theo kết quả hầu hết các cuộc thăm dò dư luận, ông Biden luôn dẫn trước Tổng thống Trump về khả năng điều hành đất nước, xử lý đại dịch COVID-19, tội phạm, an ninh và tình trạng phân biệt chủng tộc, thậm chí ở một số bang chiến địa mà ông Trump từng giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2016 như North Carolina, Arizona, Florida, Pennsylvania, Wisconsin và Michigan. 

Thống kê của trang phân tích bầu cử RealClearPolitics cũng cho thấy, ông Biden đang tạo ra khoảng cách từ 6 - 7 điểm phần trăm so với Tổng thống Mỹ Donald Trump về tỷ lệ ủng hộ trung bình của các cuộc thăm dò. Sự ủng hộ đối với ông Biden phần lớn là từ nhóm cử tri da màu. Và điều này có thể lý giải một phần là do ông đã lựa chọn nữ Thượng nghị sĩ da màu tiểu bang California Kamala Harris làm liên danh tranh cử. 

Quyết định này được đánh giá là khôn ngoan với sự tính toán kỹ lưỡng nhằm đem lại lợi thế cho ông Biden. Việc lựa chọn một nhân vật là phụ nữ da màu có nguồn gốc nhập cư và rất triển vọng về sự nghiệp chính trị có thể giúp ông Biden củng cố, thu hút thêm sự ủng hộ cùng một lúc của nhiều nhóm cử tri khác nhau, như cử tri da màu, cử tri nữ giới (nhất là sống tại các khu vực ngoại ô) và cử tri có nguồn gốc nhập cư vốn đang gia tăng về số lượng tại Mỹ trong những thập niên gần đây.

Với kinh nghiệm hoạt động chính trị cùng những phẩm chất thể hiện trong quá trình tranh cử sơ bộ của đảng Dân chủ vừa qua cũng như trong bài phát biểu tiếp nhận đề cử của đảng trở thành ứng cử viên Phó Tổng thống lần này, bà Harris đã chứng tỏ là người có thể đáp ứng được đầy đủ mọi tiêu chí mà đảng Dân chủ muốn hướng tới, kêu gọi sự đoàn kết từ tất cả các từng lớp cử tri, từ da màu, da trắng, người Mỹ gốc Latinh, người thiểu số... để xây dựng nước Mỹ. Sự xuất hiện của bà Harris giúp cho chiến dịch tranh cử của ông Biden duy trì được sự ổn định và được đánh giá là yếu tố hỗ trợ đắc lực cho ông trong chặng đường đua khốc liệt sắp tới. 

Tuy nhiên, dù có những thuận lợi, ứng cử viên Biden và ban vận động tranh cử của ông cũng sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn. Đại dịch COVID-19 không chỉ ảnh hưởng tới mọi mặt xã hội mà còn khiến cuộc đua vào Nhà Trắng cũng phải thay đổi. Cựu Phó Tổng thống Biden và ban vận động tranh cử của ông cũng buộc phải cân nhắc lại kế hoạch tranh cử, từ việc xuất hiện tại các sự kiện, gặp gỡ tiếp xúc cử tri vào thời điểm những cuộc tụ tập đông người đều không được phép tổ chức. Đảng Dân chủ lo ngại rằng cuộc khủng hoảng COVID-19 với các quy định hạn chế sẽ khiến việc bỏ phiếu trở nên khó khăn hơn, có thể gây bất lợi cho ông Biden.

Bên cạnh đó, tính tới thời điểm này, có một thực tế không thể phủ nhận rằng ông Biden vẫn chưa thu hút được sự ủng hộ mạnh mẽ từ những người gốc Mỹ Latinh - khối cử tri đang phát triển nhanh chóng, trong khi các cử tri da màu trẻ tuổi vẫn nhìn nhận về ông với thái độ hoài nghi. Hơn nữa, ông Biden cũng chưa tạo được cơ sở cử tri nòng cốt ủng hộ vững chắc như Tổng thống Trump.

Nhiều nhà phân tích cho rằng dù ông Biden tiếp tục dẫn đầu trong các cuộc thăm dò trên toàn quốc, song có thể thấy chủ yếu là do Tổng thống Trump bị mất đi lợi thế kinh tế, yếu tố thu hút lá phiếu cử tri, cũng như cách ông chủ Nhà Trắng xử lý đại dịch, chứ không phải là do chính sức hút và khả năng của ông Biden.

Chính vì vậy, khi nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi với những số liệu kinh tế tích cực hơn cùng với tỷ lệ thất nghiệp giảm trong tháng 7, khoảng cách dẫn trước của ông Biden so với Tổng thống Trump liên tục giảm dần. Hơn thế nữa, ông Trump vẫn dẫn trước ông Biden về tỷ lệ ủng hộ của cử tri đối với lĩnh vực điều hành kinh tế. 

Trong nỗ lực giành được thêm lợi thế trong cuộc bầu cử, ban vận động tranh cử của ông Biden đã đưa ra kế hoạch “Build back better", tập trung vào phục hồi ngay lập tức nền kinh tế đất nước và giải quyết tình trạng bất bình đẳng vốn ăn sâu bám rễ trong lòng nước Mỹ với một loạt đề xuất mới. Kế hoạch trên cho thấy sự chuyển hướng trong chiến lược tranh cử của ông, từ công kích đối thủ sang thúc đẩy nền kinh tế, bởi kinh tế chính là "con át chủ bài” đã mang lại lợi thế rõ ràng cho Tổng thống Trump trước khi dịch bệnh COVID-19 xuất hiện, đẩy tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ lên mức cao gần bằng thời kỳ “Đại suy thoái”.

Tuy nhiên, đây lại được coi là một điểm yếu của ông Biden bởi nó không tạo sự khác biệt cạnh tranh với kế hoạch của Tổng thống Trump, thậm chí khó có thể đảm bảo được lợi ích trước tiên của người dân Mỹ khi có mâu thuẫn giữa chủ trương của ông trong lĩnh vực thương mại với các quy định của hệ thống các thể chế đa phương như Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). 

Ngoài ra, cũng giống như cuộc bầu cử năm 2016, kết quả thăm dò dư luận chưa chắc đã phản ánh đúng kết quả cuối cùng của những lá phiếu trong ngày bầu cử, nhất là khi Tổng thống Trump được đánh giá có thể còn những "quân bài chủ chốt" để thuyết phục cử tri. Điều này đã được chứng minh qua cuộc bầu cử năm 2016, khi ông Trump, thời điểm đó được coi là một tỷ phú chưa có nhiều kinh nghiệm chính trị, giành chiến thắng khá bất ngờ trước ứng cử viên lão luyện của đảng Dân chủ Hillary Clinton. 

Trong môi trường đầy biến động và khó đoán định như hiện nay, dù tỏ ra có lợi thế hơn Tổng thống Trump của đảng Cộng hòa, ông Biden và đảng Dân chủ vẫn cần đưa ra chiến lược tranh cử hiệu quả cũng như mục tiêu cụ thể trong việc thu hút sự ủng hộ của cử tri. Hiện ông Biden đang nhận sự ủng hộ rộng rãi của cử tri da màu, song thành công trong lần thứ ba tham gia cuộc đua vào Nhà Trắng sẽ một phần phụ thuộc vào việc ông  có thể giành thêm bao nhiêu phiếu của cử tri da trắng.

Cuộc đua vào Nhà Trắng chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa sẽ tới đích, song có thể nói cơ hội và thách thức đối với các ứng cử viên là như nhau, và điều đó khiến chặng đua phía trước càng trở nên khốc liệt.

Đặng Huyền (Phóng viên TTXVN tại Mỹ)