12:01 04/12/2014

Cơ hội mới cho huyện đảo Lý Sơn

Là huyện đảo duy nhất của Quảng Ngãi, nằm về phía Đông Bắc, cách đất liền 15 hải lý (khoảng 24 km), huyện đảo Lý Sơn giữ vị trí chiến lược trên vùng Biển Đông của Việt Nam...

Là huyện đảo duy nhất của Quảng Ngãi, nằm về phía Đông Bắc, cách đất liền 15 hải lý (khoảng 24 km), huyện đảo Lý Sơn giữ vị trí chiến lược trên vùng Biển Đông của Việt Nam, là cửa ngõ tiến ra Biển Đông của khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung. Không chỉ có vị trí chiến lược về quốc phòng mà Lý Sơn còn hội tụ nhiều tiềm năng du lịch, kinh tế biển để phát triển, trở thành địa bàn trung tâm, trọng điểm trong chiến lược phát triển biển đảo của cả nước.

Tăng trưởng kinh tế

Lý Sơn trước đây được gọi là cù lao Ré mà theo cách lý giải của dân gian là “cù lao có nhiều cây Ré”. Trong những năm qua, bằng nguồn vốn của địa phương cùng với sự đầu tư của nhà nước, hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế và đời sống dân sinh đã được xây dựng. Đó là một số công trình trọng điểm như: Cảng Lý Sơn, Nhà máy phát điện, mạng lưới đường giao thông, hệ thống chợ huyện, xã, trụ sở làm việc, trường học, bệnh viện, tàu cao tốc Lý Sơn, Vũng neo đậu tàu thuyền trú bão giai đoạn 1, nhà trưng bày Đội Hoàng Sa bắc hải, đường cơ động phía Đông Nam đảo …


Lý Sơn đang là địa điểm du lịch thu hút hàng vạn lượt khách du lịch trong và ngoài nước.Ảnh: TL


Nhờ đó, kinh tế của huyện tăng trưởng liên tục với tốc độ khá cao, bình quân 15-17%/năm. Tổng giá trị sản xuất các ngành kinh tế của huyện năm 2013 đạt gần 652 tỷ đồng, tăng gấp 7 lần so với năm 1993. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng nhanh tỷ trọng ngư nghiệp - nông nghiệp - thương mại dịch vụ, du lịch, đặc biệt là lĩnh vực khai thác hải sản. Trong sản xuất nông nghiệp, do diện tích sản xuất không thể mở mang, nông dân huyện Lý Sơn đã xen canh hai loại cây trồng chủ lực là cây tỏi và hành với bắp, dưa hấu, đậu xanh, mè… thực hiện gối vụ, nâng hệ số quay vòng của đất từ 3 - 4 lần. Cùng với ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên giá trị sản xuất ngành trồng trọt bình quân 1 ha đất canh tác đạt đến 328 triệu đồng/năm.

Hệ thống thương mại, dịch vụ, du lịch ngày càng được mở rộng và phát triển, lưu thông hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Nhiều loại hình dịch vụ như nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ, phương tiện phục vụ đưa đón khách tham quan du lị̣ch từng bước được đầu tư, để hằng năm thu hút gần 30 nghìn lượt khách, nhất là dịp lễ, Tết. Cùng với phát triển kinh tế, Lý Sơn quan tâm phát triển các vấn đề an sinh xã hội. Cơ sở vật chất, trang thiết bị ngành y tế cũng như đội ngũ y bác sĩ được củng cố và tăng cường. Từ 1,7 bác sĩ/vạn dân năm 1993 lên đến 6 bác sĩ/vạn dân vào năm 2012; từ 19,7 giường bệnh/vạn dân năm 1993 lên đến 25 giường bệnh/vạn dân.

Cơ hội phát triển

Từ khi thành lập đến nay, Lý Sơn đã được triển khai nghiên cứu, ứng dụng nhiều phương án cấp điện cho đảo như: Điện sử dụng năng lượng gió, năng lượng mặt trời và gần đây nhất là dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện chạy than. Ðầu năm 2012, Công ty Ðiện lực Quảng Ngãi lắp đặt bổ sung các máy phát điện, cải tạo nâng cấp đường dây trung áp, đường dây hạ áp, lắp đặt thêm trạm biến áp phụ tải với tổng dung lượng 3.520kVA cùng 8 tổ máy phát điện, công suất 2.200 kW để cấp điện, do vậy đảo Lý Sơn được cấp điện 6 giờ/ngày.

Tuy nhiên, vì chạy bằng dầu diesel nên giá thành sản xuất điện rất cao (8.481 đồng/kWh), trong khi giá bán điện được khống chế 746 đồng/kWh, dẫn đến hằng năm ngân sách và ngành điện phải bù lỗ hàng chục tỷ đồng. Mặc dù vậy, điện chỉ đủ thắp đèn dùng cho sinh hoạt, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển, sản xuất, du lịch, an ninh quốc phòng trên đảo. Từ yêu cầu bức bách phải sớm có đủ điện cho Lý Sơn, thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 14/10/ 2013, Bộ Công Thương đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình "Cấp điện từ hệ thống điện quốc gia cho huyện đảo Lý Sơn bằng cáp ngầm".

Dự án cấp điện cho huyện đảo Lý Sơn bằng cáp ngầm có tổng vốn đầu tư hơn 652,5 tỷ đồng, gồm 2 hợp phần là đường dây trung áp trên không dài hơn 8 km; đường cáp ngầm trung áp 22 kV dưới biển từ đất liền ra đảo dài hơn 26 km. Việc đưa điện lưới quốc gia ra Lý Sơn là một quyết sách đúng đắn, đã thổi luồng sinh khí mới đến với đảo tiền tiêu, giúp người dân nơi đây nâng cao trình độ dân trí, cải thiện đời sống dân sinh; tạo điều kiện thuận lợi để huyện đảo phát triển mạnh về kinh tế - xã hội, vững về quốc phòng, an ninh. Trong đó, ngư dân là một trong những đối tượng được hưởng lợi khi có điện lưới quốc gia. Nhờ có điện lưới quốc gia, dịch vụ hậu cần nghề cá đảm bảo hơn, chi phí đầu tư cho chuyến đi biển giảm đáng kể.

 B.T.L