10:08 09/10/2018

Cơ hội lớn để doanh nghiệp Việt mở rộng thị trường xuất khẩu sang Kuwait

Kuwait là quốc gia giàu có tại khu vực Trung Đông nhưng đa số phải nhập khẩu các loại hàng hóa từ nước ngoài. Đây là cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam nếu muốn đưa hàng của mình sang Kuwait.

Tiềm năng xuất khẩu lớn

Ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP Hồ Chí Minh cho biết, tổng kim ngạch nhập khẩu hàng năm của Kuwait khoảng 30 tỷ USD, gồm các mặt hàng chính như điện tử, nông sản, thực phẩm, vật liệu xây dựng, máy móc, ô tô, hàng may mặc… Trong khi đó, Việt Nam xuất khẩu sang Kuwait mới chỉ đạt khoảng 70 - 75 triệu USD/năm (khoảng 0,25% thị phần). Tiềm năng mở rộng và đẩy mạnh xuất khẩu hàng Việt Nam sang Kuwait còn rất lớn, tập trung vào một số mặt hàng như nông lâm thuỷ sản (chè, cà phê, hoa quả sấy khô, đóng hộp, nước uống lon, nước ép hoa quả, điều, tiêu), gia vị, quần áo, đồ gỗ, trầm hương, hương liệu, lụa cao cấp, ngọc trai cao cấp, than củi, vật liệu xây dựng (đá marble, granite trắng)…

Chú thích ảnh
Các mặt hàng may mặc, quần áo của doanh nghiệp Việt Nam có nhiều cơ hội xuất khẩu sang Kuwait.

Trong khi đó, ông Jasem Abomarzouq, Phó Tổng lãnh sự Nhà nước Kuwait tại TP Hồ Chí Minh, cho biết kim ngạch thương mại song phương giữa Kuwait và Việt Nam cả năm 2017 chỉ đạt 350 triệu USD, nhưng trong 8 tháng đầu năm 2018, kim ngạch song phương đã tăng gấp 4 lần so với cả năm 2017, đạt khoảng 1,43 tỉ USD. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam vào Kuwait khoảng 54 triệu USD, nhập khẩu của Việt Nam từ Kuwait đạt 1,37 tỉ USD.

Theo ông Jasem Abomarzouq, nhiều hàng hóa của Việt Nam đã có mặt tại thị trường Kuwait từ nhiều năm nay như trái cây, hải sản đông lạnh, gạo, giày dép, vật liệu xây dựng, than củi, mỹ phẩm, nước uống giải khát, kẹo bánh… Trong tương lai, Kuwait mong muốn hàng hóa của Việt Nam có mặt ngày càng nhiều hơn nữa tại thị trường Kuwait nói riêng và thị trường Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) nói chung. Ngoài ra, do điều kiện không thuận lợi về đất đai và nguồn lao động, nên Kuwait và các nước GCC có nhu cầu rất lớn về nhập khẩu lương thực, thực phẩm, thủy sản, vật liệu xây dựng, máy móc, ô tô, đồ may mặc... "Đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, hải sản”, ông Jasem Abomarzouq cho biết.

Ngoài ra, với chính sách kinh tế mở với tất cả các nền kinh tế trên thế giới, hàng hóa nhập khẩu vào Kuwait từ các nước trên thế giới ngoài GCC (trừ xuất xứ hàng hóa nhập khẩu từ Israel) thường chịu mức thuế nhập khẩu từ 0 - 5% CIF. Các mặt hàng nhập khẩu vào Kuwait được hưởng mức thuế suất ưu đãi 0% gồm: lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, động thực vật tươi sống, vàng khối, hàng tiêu dùng thiết yếu, vật liệu in ấn, các sản phẩm công nông nghiệp có hàm lượng 40% giá trị sản xuất trong khối GCC, nguyên liệu thô hay bán thành phẩm và thiết bị phụ tùng phục vụ các ngành sản xuất mới. Kuwait không áp dụng các loại thuế đánh vào doanh thu cá nhân, doanh nghiệp khi tiến hành các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư, không đánh thuế VAT.

Theo ông Jasem Abomarzouq, những sản phẩm, hàng hóa là thế mạnh của Việt Nam đối với thị trường Kuwait hiện nay là: dệt may, giày dép, hải sản, gỗ và sản phẩm gỗ, cao su, cà phê, linh kiện điện tử, điện thoại di động, rau củ, hạt tiêu, gốm sứ… Doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có khả năng đáp ứng cho các nhu cầu sản phẩm phong phú và đa dạng từ nền tảng Việt Nam là một quốc gia nông nghiệp, khí hậu ưu đãi, có trình độ chuyên môn, nguồn nhân lực dồi dào, chi phí cạnh tranh.

Cần có chứng nhận tiêu chuẩn Halal

Tuy nhiên, theo ông Jasem Abomarzouq, doanh nghiệp Việt Nam muốn xuất khẩu hàng hóa sang Kuwait cần đặc biệt lưu ý đến nét đặc trưng của Kuwait và các nước GCC là văn hóa Arab, ngôn ngữ Arab và đạo Hồi chính thống. Từ đó các doanh nghiệp cần có các sản phẩm xuất khẩu phù hợp theo tiêu chuẩn chất lượng của đạo Hồi, chẳng hạn như lưu ý các loại sản phẩm cấm kỵ như: các loại đồ uống có cồn, sản phẩm có nguồn gốc từ thịt heo, họa tiết in ấn trên bao bì...

 

Chú thích ảnh
Sản phẩm ngọc trai của doanh nghiệp Việt Nam đang ngày có chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài nước. 

Ngoài ra, theo bà Nguyễn Thị Ngọc Hằng, đại diện Văn phòng chứng nhận Halal, xuất khẩu vào thị trường UAE, Kuwait hay thị trường Trung Đông nói chung, doanh nghiệp đều cần phải chú ý yêu cầu về chứng nhận tiêu chuẩn Halal. Thị trường Hồi giáo có sức mua lớn và nhu cầu cao đối với các sản phẩm Việt Nam, không có nhiều các rào cản kỹ thuật và thuế quan, nhưng thường yêu cầu sản phẩm phải có chứng nhận Halal. Nền công nghiệp Halal cung cấp các sản phẩm và dịch vụ hợp chuẩn cho người Hồi giáo, dự báo sẽ có doanh thu khoảng 3.600 tỷ USD vào năm 2021 (2.000 tỷ USD chi tiêu cho ăn uống).

Theo đó, chứng nhận Halal là chương trình đánh giá để xác nhận rằng những sản phẩm, dịch vụ cụ thể không sử dụng các thành phần Haram và điều kiện sản xuất đáp ứng yêu cầu của luật Shari’ah và tiêu chuẩn Halal. Tùy theo thị trường xuất khẩu mà doanh nghiệp tìm hiểu quy định về chứng nhận Halal, như: quy định Malaysia; quy định của các nước vùng Vịnh (2017); quy định Indonesia; quy định UAE (GAC+ESMA)

Từ năm 2017, tất cả sản phẩm Halal xuất khẩu sang các nước thuộc GCC (UAE, Kuwait, Oman, Qatar, Saudi Arabia, Bahrain) phải được chứng nhận từ các tổ chức được công nhận bởi GAC/ESMA (Cơ quan Tiêu chuẩn đo lường và đo lường của UAE). Chứng nhận Halal GCC có thời hạn 3 năm, áp dụng cho thực phẩm và hóa chất, chỉ có hiệu lực tại 7 nước GCC.

“Chứng nhận Halal của nguyên liệu là phương pháp chứng minh đơn giản và tin cậy nhất cho việc chứng minh nguồn nguyên liệu sử dụng là Halal, đặc biệt là nguyên liệu động vật. Sản phẩm được chứng nhận Halal đáp ứng được yêu cầu của chuỗi cung ứng Halal toàn cầu, được người Hồi giáo tin tưởng mua, sử dụng mà không phải do dự, được người tiêu dùng khắp nơi trên thế giới lựa chọn vì đáp ứng cả các yêu cầu về kiểm soát chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Sau khi có chứng nhận Halal, sản phẩm Việt Nam sẽ tăng cơ hội cạnh tranh với sản phẩm khác, tăng đối tượng sử dụng, tham gia vào chuỗi cung ứng nguyên liệu và sản phẩm Halal trên thế giới, tiết kiệm thời gian cho việc xem nhãn nguyên liệu, thuận lợi trong việc marketing, chào hàng và tiếp cận thị trường Hồi giáo”, bà  Hằng cho biết thêm.

Theo văn phòng chứng nhận Halal, điều kiện cơ bản để doanh nghiệp Việt Nam có được chứng nhận Halal là các sản phẩm không phải Haram (bị cấm, người Hồi giáo không sử dụng) hoặc sử dụng những thành phần không phải Haram; có sự tách biệt và quản lý chặt chẽ giữa sản phẩm Halal và không Halal; có hệ thống quản lý chất lượng và có đội ngũ nhân sự quản lý hệ thống Halal; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn sức khỏe người tiêu dùng và sản xuất; toàn bộ nhân viên được đào tạo về Halal.

 

Hoàng Tuyết/Báo Tin tức