07:22 26/07/2015

Cơ hội hay thách thức với dầu mỏ Nga?

Đóng vai trò quan trọng trong các cuộc thương lượng về thỏa thuận hạt nhân Iran, được ký kết ngày 14/7, Nga hy vọng củng cố quan hệ thương mại với Tehran. Nhưng theo giới phân tích, việc Iran hội nhập trở lại thị trường dầu mỏ thế giới có thể gây thêm khó khăn cho nền kinh tế Nga.

Đóng vai trò quan trọng trong các cuộc thương lượng về thỏa thuận hạt nhân Iran, được ký kết ngày 14/7, Nga hy vọng củng cố quan hệ thương mại với Tehran. Nhưng theo giới phân tích, việc Iran hội nhập trở lại thị trường dầu mỏ thế giới có thể gây thêm khó khăn cho nền kinh tế Nga.

Thỏa thuận mà Iran ký với nhóm P5+1 (gồm năm thành viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc là Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) đưa ra các bảo đảm về mục đích dân sự của chương trình hạt nhân của Tehran, đổi lại quốc tế sẽ dỡ bỏ các biện pháp cấm vận đang bóp nghẹt nền kinh tế quốc gia Trung Đông này.

Việc Iran hội nhập trở lại thị trường dầu mỏ thế giới có thể gây thêm khó khăn cho nền kinh tế Nga.



Đối với Moskva, thỏa thuận cũng giúp "đánh bóng" hình ảnh của Nga trên trường quốc tế. Chính Tổng thống Mỹ Barack Obama đã nhấn mạnh đến vai trò trụ cột của Nga, sự hỗ trợ của Tổng thống Vladimir Putin trong việc thúc đẩy đàm phán và ký kết được thỏa thuận. Ông Sergei Sereguichiev, chuyên gia về Trung Đông tại Đại học Khoa học Nhân văn Moskva, nhận định phần thưởng lớn nhất cho Nga trong thỏa thuận này là uy tín, bởi Nga đã ký thỏa thuận này với Mỹ, không có nước Nga, sẽ không bao giờ có được thỏa thuận.

Tehran và Moskva từ lâu đã có quan hệ tốt trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực kinh tế. Chính vì thế, giờ đây Moskva hy vọng sẽ đi đầu trong nhóm các nhà đầu tư để giành được các hợp đồng béo bở tại Iran, nhất là trong lĩnh vực năng lượng và vận tải. Các tập đoàn của hai nước, nhất là trong lĩnh vực dầu mỏ và khí đốt, có thể tìm kiếm được cơ hội đầu tư để tăng cường sức mạnh kinh tế của mỗi nước.

Theo giải thích của ông Andrei Baklitski, thuộc trung tâm nghiên cứu tư vấn độc lập PIR có trụ sở tại Moskva, Iran sẽ phát triển các lĩnh vực vốn bị thiệt hại nhiều do trừng phạt, do vậy sẽ cần đến các công ty nước ngoài sẵn sàng đầu tư. Các doanh nghiệp Nga, như Công ty đường sắt Nga hoặc Tập đoàn dầu mỏ Lukoil, sẵn sàng tham gia vào cuộc cạnh tranh này.

Chuyên gia Sergei Sereguichev dự báo sẽ có một cuộc chạy đua quyết liệt để tiếp cận với lĩnh vực năng lượng của Iran và sau đó là tiếp cận được tổ hợp công nghiệp quân sự nước này. Theo ông, nước Nga sẽ đi trước trong lĩnh vực năng lượng do có kinh nghiệm trong vấn đề này.

Ông Andrei Baklitsky, Giám đốc của chương trình không phổ biến vũ khí hạt nhân tại Trung tâm nghiên cứu chính sách Nga, cho biết Iran sẽ chứng kiến một sự phát triển như vũ bão trong các lĩnh vực đã phải hứng chịu các lệnh trừng phạt, trong đó có dầu khí. Đây là thời cơ có một không hai cho các công ty và tập đoàn nước ngoài đang mong muốn tham gia đầu tư và kinh doanh trong lĩnh vực này tại Iran.

Trong lĩnh vực hạt nhân, trước đây, Nga đã giành được hợp đồng xây dựng hai lò phản ứng mới cho nhà máy điện hạt nhân Bushehr, nằm bên bờ Vịnh Iran.

Ngoài dầu khí, lĩnh vực vận tải cũng đang nhận được sự quan tâm của Nga. Ngày 15/7, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nga Maxim Sokolov thông báo rằng Moskva đang đàm phán với Tehran về dự án cung cấp các máy bay chở khách Sukhoi Superjet nhằm hiện đại hóa đội bay của Iran. Sukhoi Superjet là loại máy bay chở khách mới đầu tiên do Nga phát triển kể từ sau khi Liên Xô tan rã vào đầu những năm 1990.

Nhưng đối với Nga, việc Iran quay trở lại thị trường quốc tế tức là có thêm một đối thủ cạnh tranh trên thị trường dầu mỏ. Nhiều chuyên gia cho rằng sau khi Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, Quốc hội Mỹ, Nga chấp thuận thỏa thuận hạt nhân Iran, thì giá dầu mỏ sẽ còn hạ trong năm 2016.

Theo ông Semion Bagdassarov, chuyên gia về Trung Đông, thuộc Trung tâm nghiên cứu phân tích, trụ sở ở Moskva, Iran đang nóng lòng tái xuất khẩu dầu mỏ sang châu Âu. Khi một đối tác quan trọng tái gia nhập thị trường, sự cạnh tranh sẽ gia tăng. Đây là một tin không vui đối với Nga. Giá dầu sụt giảm là một trong những nguyên nhân chính làm cho kinh tế Nga rơi vào suy thoái, kể từ đầu năm đến nay.

Tuy vậy, một số nhà phân tích khác cho rằng giá dầu sẽ không sụt giảm mạnh vì để bảo vệ lợi ích của mình, Iran, với tư cách thành viên Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) sẽ không bán ồ ạt, mà tìm cách đạt được một thỏa hiệp về giá cả, để tránh làm giảm giá dầu trên thị trường quốc tế.


KTTK