12:09 04/12/2020

Cơ hội giao lưu, học hỏi của các đại biểu đại diện 54 dân tộc anh em

Trước thềm Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số lần thứ II năm 2020, nhiều đại biểu đã chia sẻ tâm tư, nguyện vọng, những công việc, thành tích mà mình đã cống hiến trong nhiều năm qua cho quê hương, dân tộc mình.

Ngày 4/12, Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số lần thứ II năm 2020 chính thức khai mạc tại Hà Nội. Đại hội là diễn đàn giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm giữa các dân tộc, đồng thời là đợt sinh hoạt chính trị, xã hội sâu rộng nhằm nâng cao nhận thức, củng cố niềm tin, sự đồng thuận của đồng bào các dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trước thềm Đại hội, nhiều đại biểu đã chia sẻ tâm tư, nguyện vọng, những công việc, thành tích mà mình đã cống hiến trong nhiều năm qua cho quê hương, dân tộc mình.

Chú thích ảnh
Đại biểu dự khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Cũng như nhiều đại biểu khác về dự Đại hội, đây là lần đầu tiên Trung úy Hoàng Thị Thoa (dân tộc Tày, công tác tại Phòng An ninh xã hội, Công an tỉnh Đồng Nai) được ra thăm Hà Nội. Bày tỏ niềm vui trước ngày hội đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam, chị Hoàng Thị Thoa cho biết: "Bản thân tôi cũng như tất cả các đại biểu ai cũng náo nức chờ mong ngày để về dự Đại hội. Lần đầu tiên trong đời tôi được thăm Lăng Bác, trong lòng trào dâng cảm xúc lâng lâng. Không biết nói gì hơn, tôi mong Đại hội sẽ thành công tốt đẹp và các đại biểu sẽ tham gia đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết để đồng bào các dân tộc cùng chung tay cống hiến sức mình cho công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước".

Với tư cách một người chiến sĩ Công an, Trung úy Hoàng Thị Thoa khẳng định sẽ tiếp tục cố gắng để góp phần nhỏ bé của mình vào công cuộc gìn giữ an ninh trật tự, bảo vệ an toàn xã hội, không ngừng phát huy tinh thần của lực lượng vũ trang nói riêng và đồng bào các dân tộc thiểu số nói chung.

Bày tỏ niềm vinh dự khi được là một trong những đại diện của tỉnh Bắc Giang tham dự Đại hội, ông Thăng Văn Báo (dân tộc Sán Dìu, đại biểu người có uy tín, hộ sản xuất giỏi thôn Muối, xã Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) khẳng định: "Được tổ chức 10 năm một lần, Đại hội lần này là ngày hội lớn của đồng bào các dân tộc Việt Nam, là dịp để chúng ta nhìn lại quá trình phát triển, những thành tựu nổi bật của công tác dân tộc, chính sách dân tộc, những nỗ lực vươn lên trên các mặt của đời sống kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đặc biệt là giai đoạn 2010 - 2020".

Theo ông Báo, thôn Muối nơi ông sinh sống chủ yếu tập trung người Sán Dìu với 98% dân số trong thôn. Những năm gần đây, nhờ có sự hỗ trợ từ Đảng, Nhà nước và các chương trình, chính sách hỗ trợ vùng dân tộc thiểu số, vùng miền núi nên thôn Muối đã phát triển hiệu quả phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi. Ngoài ra, trên địa bàn xã Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn cũng có nhiều thôn phát triển, tác động tích cực đến đời sống người dân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, thay đổi diện mạo của thôn. Tham dự Đại hội các dân tộc thiểu số toàn quốc lần thứ II, ông Thăng Văn Báo mong muốn được học hỏi, giao lưu nhiều hơn với đại biểu của 54 dân tộc anh em, nhất là về kinh nghiệm phát triển các mô hình kinh tế.

Chú thích ảnh
Các đại biểu thực hiện nghi thức chào cờ. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Bà Phạm Thị Lâm (Trưởng bản Cáo, xã Lâm Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình) là đại diện duy nhất của dân tộc Chứt dự Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số lần thứ II. Chia sẻ cảm nghĩ của mình, bà Lâm cho biết: "Tôi rất vinh dự được bầu từ xã lên đến huyện, tỉnh và đi dự ở cấp Trung ương. Dự Đại hội, được gặp gỡ các dân tộc, lắng nghe chia sẻ của các dân tộc ở các vùng khác là cơ hội để tôi học hỏi được nhiều kinh nghiệm về làm việc tốt hơn ở địa phương mình".

Trước đây, đồng bào dân tộc Chứt sống du canh du cư, nay đây mai đó, nhưng khi được Đảng, Nhà nước quan tâm, bà con đã thành lập bản làng và ổn định cuộc sống. Hiện tại, đồng bào đang được hưởng chế độ định canh định cư. "Ở bản Cáo, xã Lâm Hóa, điện - đường - trường - trạm đều có, có cả nhà sinh hoạt cộng đồng. Bây giờ, nhận thức của đồng bào đã khá hơn trước, thay đổi nhiều. Trước đây, con em toàn bộ đều mù chữ, cần làm việc gì là đưa hộp dấu để điểm chỉ. Bây giờ, người dân đã không còn như thế nữa. Tôi cũng đã đi học xóa mù chữ và động viên bà con đi học", bà Lâm chia sẻ.

Phượng Mao được mệnh danh là "xứ Mường" của huyện Thanh Thủy, Phú Thọ, nơi có gần 85% dân số là đồng bào dân tộc Mường. Năm 2015, Phượng Mao đã ra khỏi danh sách xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và mới đây đã trở thành một trong những xã miền núi của tỉnh Phú Thọ đạt chuẩn nông thôn mới. Người có đóng góp không nhỏ vào những thành tích đó của địa phương là ông Bùi Văn Đông, dân tộc Mường. Ông Đông từng là Chủ tịch UBND xã Phượng Mao, huyện Thanh Thủy, hiện là Chủ tịch UBND xã Tu Vũ, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ.

Ông Đông khẳng định, những kết quả đạt được của xã Phượng Mao là nhờ có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, nhất là sự vào cuộc của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc Mường. Bước vào xây dựng nông thôn mới, Phượng Mao thực hiện theo bộ tiêu chí của tỉnh Phú Thọ, cụ thể hóa từ bộ tiêu chí của Trung ương. Theo đó, xã Phượng Mao đã triển khai thực hiện nhiều mô hình dựa trên tiềm năng, thế mạnh của một xã thuần nông.

Chú thích ảnh
Đại biểu tham quan trưng bày ảnh chào mừng Đại hội. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

"Chúng tôi đã thành lập các hợp tác xã, các nhóm liên kết, ví dụ như hợp tác xã rau an toàn, hợp tác xã bưởi, hợp tác xã chăn nuôi… và một số hợp tác xã liên doanh, sản xuất liên kết với các doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm, bán các sản phẩm nông nghiệp của mình cho các doanh nghiệp liên doanh liên kết. Từ đó, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu, có nguồn gốc xuất xứ, các sản phẩm chăn nuôi dễ dàng tiêu thụ hơn, tăng được thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích sản xuất nông nghiệp. Đời sống người dân được nâng cao, đồng thời phát triển kinh tế - xã hội địa phương", ông Đông nói. 

Bên cạnh nỗ lực cải thiện sản xuất nông nghiệp, xã Phượng Mao chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đặc biệt là đào tạo nâng cao tay nghề để đồng bào dân tộc thiểu số có thể tiếp cận với lĩnh vực công nghiệp và vào làm việc tại các cụm, khu công nghiệp lân cận, từ đó có thu nhập ổn định.

Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số lần thứ II là sự kiện ghi nhận công lao đóng góp của đồng bào các dân tộc thiểu số trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Ông Bùi Văn Đông cảm ơn sự ghi nhận đó của Đảng, Nhà nước, đồng thời mong muốn sẽ có nhiều chính sách hỗ trợ hơn cho các vùng dân tộc thiểu số và miền núi, để những vùng này có điều kiện phát triển cơ sở hạ tầng, thực hiện chính sách dân tộc.

Hiền Hạnh (TTXVN)