10:07 08/10/2014

Cơ hội đến từ bản thân doanh nghiệp

Để DN hiểu hơn về thời cơ khi hội nhập và những bước chuẩn bị cần thiết, PV báo Tin Tức đã có trao đổi với Tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương.

Để doanh nghiệp hiểu hơn về thời cơ khi hội nhập và những bước chuẩn bị cần thiết, PV báo Tin Tức đã có trao đổi với Tiến sĩ Võ Trí Thành (ảnh), Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương.

* Thưa ông, DN Việt Nam sẽ có những lợi ích gì sau khi các hiệp định được ký kết trong thời gian tới?

Trong các hiệp định sắp ký kết thì Hiệp định TPP có ý nghĩa rất quan trọng vì có sự tham gia của 12 quốc gia với thị trường rộng lớn, chiếm khoảng 40% GDP toàn cầu và 30% thương mại thế giới.

Có thể nói, hiệp định này có sự tác động hết sức tích cực với Việt Nam. Cơ hội mở rộng thị trường và tiếp cận thị trường là rất lớn vì ngay lập tức 90 dòng thuế được ký kết sẽ giảm xuống còn 0% cho tất cả các thành viên TPP, trong đó có nhiều nước là những thị trường xuất khẩu lớn nhất của VN, tạo cơ hội để nhiều ngành sản xuất của Việt Nam có thể phát triển mạnh mẽ và cạnh tranh tốt. Ví dụ, những ngành có hàm lượng lao động cao như dệt may, da giày, đồ gỗ hay những ngành về nông nghiệp, thủy sản… Tác động tích cực thứ 2 cùng với tiến trình cải cách và hội nhập, Việt Nam sẽ củng cố được vị trí trong thương mại đầu tư toàn cầu cũng như tham gia hiệu quả hơn vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu. Và như vậy, kỳ vọng rất lớn là dòng đầu tư nước ngoài sẽ vào Việt Nam tăng, kể cả những dòng đầu tư có chất lượng về kỹ năng, về công nghệ.

* Với hiệp định TPP, Việt Nam phải cải cách rất mạnh như cải cách về thể chế và với cải cách đó thì môi trường cạnh tranh, môi kinh doanh sẽ được cải thiện rất nhiều, điều này có phải là tác động tích cực nhất về dài hạn của hiệp định TPP không, thưa ông?

Nói như vậy không có nghĩa là mọi tác động tích cực tự nó đến mà đó chỉ là cơ hội thôi. Những cải cách trong nước sẽ đóng vai trò quan trọng. Cụ thể là phụ thuộc vào DN Việt Nam, Chính phủ Việt Nam có biết nắm bắt thời cơ, thông tin hay có biết cải cách, cải tổ hay không. Bên cạnh đó, chi phí điều chỉnh của các ngành có thể là cao, bởi trong môi trường cạnh tranh mới có những ngành khó có cơ hội cạnh tranh. Cho nên, DN cũng cần có sự chuyển dịch.

Nghĩa là làm sao cho quá trình thích ứng với hội nhập sẽ tốn ít chi phí và thời gian. Chính phủ có cách hỗ trợ tốt hơn để cho những ngành dễ bị tổn thương được tốt hơn.

* Đặt mình trong vị trí của một DN, ông có đề nghị gì với Chính phủ?

Sẽ có 4 - 5 đề nghị đối với Chính phủ. Thí dụ, vấn đề cải cách thể chế có 3 vấn đề liên quan đến kinh doanh là giảm chi phí giao dịch cho DN, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng và minh bạch, làm cho luật của Việt Nam tương thích với quốc tế… Cần quan tâm hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng bảo đảm minh bạch và thuận lợi hóa môi trường kinh doanh.


* Xin cảm ơn ông!



Hải Yên