07:20 07/07/2015

“Cơ hội để tái cơ cấu ngành du lịch”

Việc lượng khách suy giảm trong thời gian qua, bên cạnh yếu tố khách quan, còn có những yếu tố chủ quan liên quan đến chất lượng sản phẩm.

Tại hội thảo “Phát triển du lịch Việt Nam trong thời kì mới” do Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 7/7 tại Hà Nội, ông Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Kinh tế Trung Ương cho rằng: “Lượng khách suy giảm trong thời gian qua, bên cạnh yếu tố khách quan, còn có những yếu tố chủ quan liên quan đến chất lượng sản phẩm. Do đó, đây là cơ hội để tái cơ cấu ngành du lịch để tạo động lực cho du lịch bứt phá trong thời gian tới”.


Các chuyên gia, nhà quản lý trao đổi thảo luận chuyên đề về hướng phát triển du lịch Việt Nam thời gian tới


Theo ông Vương Đình Huệ, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật liên quan, trong đó có nghiên cứu, đề xuất, sửa đổi Luật Du lịch 2005; nghiên cứu, rà soát và loại bỏ các quy định lỗi thời đang là rào cản của phát triển du lịch...


Theo ông Hoàng Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ VHTTDL, số lượng khách quốc tế giảm thời gian qua chịu tác động khách quan như tình hình Ucraina; dịch bệnh MERS- CoV, khó khăn kinh tế của Hy Lạp.... Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 92/NQ cuối năm 2014 về một số giải pháp thúc đẩy du lịch Việt Nam trong thời kì mới. Liên tiếp trong các phiên họp thường kì tháng 3, 5 và 6/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 25/NQ-CP; số 39/NQ-CP và số 46/NQ-CP, trong đó nhấn mạnh đến các nội dung, biện pháp nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch đã đề ra trong Nghị quyết 92. Ngày 2/7 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chính thức ký ban hành Chỉ thị số 14/CT-TTg, tạo thêm công cụ cho ngành du lịch Việt Nam cải thiện môi trường kinh doanh du lịch của Việt Nam; trong đó quy định rõ vai trò của UBND các cấp trong việc chấn chỉnh tình hình “chặt chém”, đảm bảo vệ sinh môi trường.


Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà quản lý đã đưa ra quan điểm để phát triển trong tình hình mới, trong đó có việc cải tiến thủ tục hành chính trong việc cấp visa, xây dựng thương hiệu du lịch, sự liên kết giữa các ngành, địa phương để nâng cao hiệu quả của hoạt động kinh doanh du lịch. “Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, một mình ngành du lịch không thể giải quyết được vấn đề phát sinh. Với các nghị quyết của Chính phủ và chỉ thị của Thủ tướng liên quan đến phát triển du lịch, vấn đề hiện nay là triển khai các hoạt động cụ thể của các bộ ngành và các địa phương”, ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết.


Xuân Minh