07:17 18/07/2019

Cơ hội cho thầy trò HLV Park Hang-seo tại vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á

Bảng G được xem là bảng đấu thú vị nhất tại vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á khi có đến 4 đại diện của Đông Nam Á góp mặt cùng với đội tuyển UAE. Giới chuyên môn đánh giá đây là một bảng đấu đầy duyên nợ, khi đa số các đối thủ đã hiểu nhau quá rõ và kết quả sẽ khá bất ngờ.

Đây là một bảng đấu không có đội nào được xem là lót đường khi trình độ các đội không thật sự chênh lệch. Theo Bảng xếp hạng của FIFA trong tháng 6, đội tuyển UAE đứng thứ 67 thế giới và thứ 6 châu Á, họ là đội bóng nằm ở nhóm hạt giống số 1 và “đương nhiên” được đánh giá là đội bóng mạnh nhất, là ứng viên cho vị trí đầu bảng.  

Chú thích ảnh
Kết quả bốc thăm chia bảng Vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á. Ảnh: FIFA

Chưa chạm trán trực tiếp với UAE ở cấp độ ĐTQG nhưng dưới thời HLV người Hàn Quốc, đội Olympic Việt Nam đã có dịp cọ sát với Olympic UAE ở ASIAD 2018 và thua ở trận tranh hạng 3. Trong khi đó, với 3 đại diện từ Đông Nam Á, dù là ĐKVĐ AFF Cup, thế nhưng chưa bao giờ đoàn quân áo đỏ được đánh giá vượt trội hoàn toàn. Đặc biệt là Thái Lan, mọi thứ luôn khó khăn dù thầy trò HLV Park Hang-seo đã vượt qua đối thủ này ở King's Cup 2019. Còn với Indonesia, mọi thứ luôn khó lường với tuyển Việt Nam mỗi khi đối đầu. Mới đây, đội U23 Xứ vạn đảo đã khiến Quang Hải và các đồng đội “hết hồn” tại vòng loại U23 châu Á (phút cuối mới có bàn thắng của Triệu Việt Hưng).

Lịch sử đối đầu của đội tuyển Việt Nam dưới tay nhà cầm quân người Hàn Quốc là chưa thua bất cứ đội bóng nào ở khu vực ASEAN.

Trong lịch sử, đội tuyển Việt Nam chưa lần nào lọt vào vòng loại cuối cùng của một kỳ World Cup. Tại vòng loại World Cup 2018, đội tuyển Việt Nam dừng chân ở vòng loại thứ 2, trong bảng đấu kình địch Thái Lan và Iraq đi tiếp. Trước đó tại World Cup 2014, Việt Nam cũng chỉ đi tới vòng loại thứ 2 trước khi thua Qatar với tổng tỷ số 2-4.

Thi đấu vòng loại World Cup là nhiệm vụ rất khó khăn chứ không dễ dàng với đội tuyển Việt Nam. Nhưng nếu giành quyền lọt vào vòng loại thứ 3 World Cup 2022 - đồng nghĩa giành suất chính thức dự VCK Asian Cup 2023 - thầy trò HLV Park Hang-seo sẽ viết lại lịch sử cho bóng đá Việt Nam. Khó khăn là vậy, nhưng nếu chơi với đúng phong độ đã từng thể hiện trong thời gian qua thì tuyển Việt Nam hoàn toàn có thể vượt qua các đối thủ Đông Nam Á để giành 1 trong 2 vị trí dẫn đầu ở bảng G (cùng với UAE). Chiến lược gia người Hàn Quốc được chờ đợi sẽ tạo ra sự khác biệt tiếp theo cho bóng đá Việt Nam ở sân chơi tầm cỡ nhất từ trước đến nay là vòng loại World Cup 2022.

Chú thích ảnh
HLV Park Hang-seo được chờ đợi sẽ tạo ra sự khác biệt tiếp theo cho bóng đá Việt Nam ở sân chơi tầm cỡ nhất từ trước đến nay là vòng loại World Cup 2022. Ảnh: TTXVN

Theo quy định của FIFA, châu Á chỉ có 4 - 5 suất tham dự vòng chung kết giải đấu ở Qatar sắp tới. Ở vòng loại thứ hai, 40 đội tuyển chia thành 8 bảng đấu sẽ thi đấu vòng tròn theo thể thức sân nhà - sân khách để tính điểm.

Kết thúc vòng loại này, 8 đội đầu bảng và 4 đội xếp thứ nhì có thành tích tốt nhất tại 8 bảng (tổng cộng 12 đội) sẽ giành quyền tham dự vòng loại cuối cùng của World Cup 2022, đồng thời cũng có vé dự VCK Asian Cup 2023.

12 đội tuyển lọt vào vòng loại cuối cùng của World Cup 2002 khu vực châu Á sẽ được chia thành 2 bảng (6 đội/bảng, thi đấu vòng tròn 2 lượt đi và về). Hai đội đứng đầu mỗi bảng sẽ giành vé dự VCK World Cup 2022. Hai đội đứng thứ 3 sẽ thi đấu play-off (lượt đi - lượt về trên sân nhà - sân khách). Đội thắng sẽ giành vé chơi trận play-off với đại diện của châu lục khác để đoạt tấm vé còn lại tới Qatar dự VCK World Cup 2022.

Theo lịch, vào ngày 5/9/2019, đội tuyển Việt Nanm sẽ ra quân tại vòng loại thứ 2 World Cup 2022 gặp tuyển Thái Lan trên sân vận động Rajamangala. Trận đấu này sẽ là cơ hội để thầy trò HLV Park Hang-seo khẳng định vị thế số 1 Đông Nam Á. Trận đấu cuối cùng của đội tuyển Việt Nam là cuộc đụng độ hạt giống số 1 là UAE vào ngày 9/6/2020. Lịch sử đối đầu đang nghiêng về đại diện Tây Á khi trong 5 lần đối đầu với đội tuyển Việt Nam thì họ chỉ thua 1 và thắng đến 4 trận.

Lịch thi đấu cụ thể của đội tuyển Việt Nam:
Ngày 5/9 Thái Lan- Việt Nam, Indonesia- Malaysia. Ngày 10/9: Malaysia- UAE, Indonesia- Thái Lan. Ngày 10/10: Việt Nam- Malaysia, UAE- Indonesia. Ngày 15/10: Thái Lan- UAE, Indonesia- Việt Nam. Ngày 14/11: Việt Nam- UAE, Malaysia- Thái Lan. Ngày 19/11: Việt Nam- Thái Lan, Malaysia- Indonesia. Ngày 26/3/2020: UAE- Malaysia, Thái Lan- Indonesia. Ngày 31/3/2020: Malaysia- Việt Nam, Indonesia- UAE. Ngày 4/6/2020: UAE- Thái Lan, Việt Nam- Indonesia. Ngày 9/6/2020: UAE- Việt Nam, Thái Lan- Malaysia

-Trong lần đầu tiên tham dự vòng loại World Cup khu vực châu Á năm 1994, đội tuyển Việt Nam đã nằm cùng bảng C với tuyển Indonesia. Ở lượt đi diễn ra tại Doha (Qatar), đoàn quân áo đỏ đã đánh bại đội bóng xứ vạn đảo với tỷ số 1-0. Tuy nhiên, trận lượt về tuyển Indonesia đã giành chiến thắng với tỷ số 2-1.

-Tại vòng loại thứ nhất World Cup 2010, đội tuyển Việt Nam thua đội tuyển UAE 0-1 trên sân Mỹ Đình. Trận lượt về, đoàn quân áo đỏ đã để thua đậm với tỷ số 0-5.

-Tại vòng loại thứ 2 World Cup 2018, đội tuyển Việt Nam nằm cùng bảng F với 2 đội bóng cùng khu vực Đông Nam Á là Thái Lan và Indonesia. Tuy nhiên sau đó, đội bóng xứ vạn đảo bị FIFA cấm thi đấu nên không tham dự. Trong 2 lần chạm trán với đội bóng xứ sở chùa Vàng khi đó, đội tuyển Việt Nam đều phải đón nhận những thất bại. Ở loạt trận mở màn, chúng ta để thua sát nút 0-1 trên SVĐ Rajamangala. Trận lượt về trên sân Mỹ Đình, đoàn quân áo đỏ còn để thua đậm hơn với tỷ số 0-3.
L.Sơn/Báo Tin tức