11:09 20/11/2022

Cô giáo tâm huyết dạy nghề cho học sinh miền núi

Cô Đinh Thị Duyên là giáo viên người dân tộc Tày (Trường Trung cấp nghề Cao Bằng) có hơn 17 năm gắn bó với việc dạy nghề bằng những thiết bị tự làm gần gũi với các em học sinh miền núi.

Mô hình dạy từ nhu cầu thực tế

Tại Hội thi thiết bị đào tạo tự làm lần thứ 7 do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tổ chức mới đây, cô Đinh Thị Duyên, giáo viên Khoa Điện - Điện tử - Tin học, Trường Trung cấp nghề tỉnh Cao Bằng mang đến mô hình thiết bị Mạch điện chiếu sáng căn hộ. “Đây là lần đầu tiên trường có mô hình tham gia hội thi thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc nên tôi muốn giao lưu học hỏi để hoàn thiện hơn các mô hình đào tạo tự làm và cập nhật xu hướng đào tạo, thiết bị mới”, cô Đinh Thị Duyên chia sẻ.

Chú thích ảnh
Cô Đinh Thị Duyên giới thiệu về mô hình thiết bị đào tạo tự làm.

Do lần đầu tiên tham gia nên thiết bị của cô Duyên nhỏ gọn, dàn trải trên một mặt phẳng, kết hợp hệ thống điện điều khiển bằng tay với điều khiển thông minh.

“Bên trái là thiết bị điều khiển bằng tay, bên phải là thiết bị điện thông minh để học sinh có sự phân biệt sơ đồ điều khiển, nguyên tắc hoạt động của 2 thiết bị khác nhau như thế nào, thiết bị nào phổ thông, thiết bị nào tối ưu” cô Đinh Thị Duyên giới thiệu.

Sở dĩ cô Duyên không mang đến cuộc thi một thiết bị hoành tráng, hiện đại vì nhiều vùng ở địa phương còn nghèo, các thiết bị vẫn chủ yếu điều khiển bằng tay, thiết bị điều khiển thông minh là kiến thức xa vời, thậm chí nhiều học sinh chưa từng nhìn thấy.

“Điều kiện học sinh còn khó khăn, có gia đình chỉ có một bóng điện. Học sinh của địa phương miền núi còn thiệt thòi quá, nếu chỉ nói đến thiết bị thông minh, các em chưa tiếp cận lần nào thì rất khó thu nhận kiến thức”, cô Duyên chia sẻ.

Trong tài liệu hướng dẫn kèm bộ thiết bị chiếu sáng của nhóm tác giả có sự phân biệt giữa 2 phần mạch, điều khiển bằng tay và điều khiển thiết bị điện thông minh giúp học sinh hình dung ra bài học cơ bản, từ đó nâng cao lên. “Nếu giảng dạy không băng lý thuyết, học sinh sẽ khó tiếp nhận nên việc lập ra mô hình so sánh trên một mặt phẳng sẽ giúp học sinh dễ nhận biết, tiếp thu. Đồng thời có sự so sánh, tạo hứng thú, tò mò cho các em học tập. Nhiều thiết bị dạy học vẫn phải theo kiểu “cầm tay chỉ việc” mới giúp học sinh dễ hiểu bài”, cô Đinh Thị Duyên chia sẻ.

Thậm chí, kể về quá trình tạo ra thiết bị dạy học, cô Duyên cho biết, với kinh phí đầu tư cho thiết bị dạy học còn hạn chế, giờ thực hành của học sinh còn nhiều khó khăn. Thậm chí đầu cốt (thiết bị truyền tải điện năng, có chức năng tăng khả năng dẫn điện giữa cáp điện và cáp điện, cáp điện và thiết bị) còn không có. Do vậy, giáo viên còn phải hướng dẫn học sinh cách thức bấm đầu cốt thế nào, lắp đặt ra làm sao, kiến thức cơ bản của từng modun.

Thiết bị đào tạo tự làm này chỉ có giá 3 triệu đồng, tiết kiệm kinh phí khi mua sắm thiết bị dạy học từ bên ngoài.

Mong muốn học sinh vùng cao có nghề

Sinh ra trong một gia đình người dân tộc Tày ở Trùng Khánh, Cao Bằng nên cô Duyên hiểu rõ những khó khăn trong việc tiếp cận giáo dục của đồng bào dân tộc thiểu số.

Nhớ về năm tháng trung học, cô Duyên cho biết cô là một trong số ít học sinh học sinh ở địa phương học lên cấp 3 mà còn đỗ hẳn vào lớp chuyên Văn của Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Cao Bằng.

Học giỏi Văn nhưng cô Duyên lại yêu thích các môn kỹ thuật. Hơn nữa, thời điểm đó, tỉnh cần nhiều cán bộ về kỹ thuật. Vậy nên, năm 2000 cô đã đăng ký thi khối A và trúng tuyển vào Trường Cao đẳng Công nghiệp Hà Nội (nay là Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội).

Về trường từ những năm trường còn khó khăn nhất, cô Duyên kể thời điểm những năm 2004 khi vừa trở thành giáo viên, nhà trường còn thuê cơ sở vật chất làm văn phòng. Chưa đủ lớp học, Trường Trung cấp nghề Cao Bằng còn gửi học sinh xuống các đơn vị liên kết ở Ninh Bình, Thái Nguyên. Lúc đó, giáo viên đi theo kèm cặp, chăm chút coi như con em của mình.

Có thời gian, cô Duyên xung phong đi theo học sinh suốt 5 tháng học nghề. Xa nhà khiến cô buồn nhưng cũng có nhiều niềm vui khi cùng ăn, cùng học với học sinh.

“Học sinh chủ yếu gia đình khó khăn, các em ốm đau không gọi cho gia đình mà gọi cho giáo viên đầu tiên. Đó là điều mình cảm thấy gắn bó, coi các em như con em trong nhà”, cô Duyên cho biết.

Gắn bó với trường nghề hơn 17 năm, chứng kiến bao thế hệ học trò trưởng thành, có công ăn việc làm ổn định từ chính nghề được đào tạo là niềm vui lớn nhất của tôi”, cô Duyên chia sẻ.

Những năm gần đây, trường Trung cấp nghề Cao Bằng bổ sung thêm nhiều bài học mới để phù hợp với thực tiễn, giúp các em có điều kiện tiếp cận kiến thức công nghệ kỹ thuật mới phù hợp với công nghệ hiện đại 4.0.

Học sinh của trường chủ yếu là học sinh dân tộc thiểu số, đầu vào của học sinh chủ yếu THCS. Buổi sáng, các em học ở Trung tâm giáo dục thường xuyên, chiều quay trở lại trường nghề, việc học môn cơ sở nghề còn hạn chế. Vì vậy những giáo viên trường Trung cấp nghề Cao Bằng như cô Duyên phải tìm cách khắc phục. Ngoài giờ thực hành, giáo viên còn bổ túc thêm kiến thức văn hóa với các môn liên quan tới nghề như Toán - Lý trong các giờ tự học hay ở ký túc xá.

Những thiết bị tự làm của cô Duyên và các đồng nghiệp mày mò nghiên cứu, chế tạo là hình ảnh trực quan nhất, giúp học trò tiếp cận nhanh với thực tế cuộc sống.

Bài, ảnh: XL/Báo Tin tức