03:13 08/03/2017

'Cô giáo làng' không đầu hàng số phận

Gần 40 năm nay, người dân thôn Xuân Tự 2, xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, đã quen với hình ảnh một "cô giáo làng" với đôi chân không lành lặn, hàng ngày dạy học miễn phí cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Cô giáo sửa bài cùng các em học sinh trong giờ giải lao của lớp học. Ảnh: Phan Sáu/TTXVN

"Cô giáo" chưa qua trường lớp này là Trương Thị Phúc, 63 tuổi, đã bền bỉ vượt lên những khắc nghiệt của số phận, chèo lái con thuyền tri thức để đưa bao thế hệ học trò cập bến tương lai.

Khi chúng tôi tìm đường đến nhà cô Phúc, vừa hỏi đến tên, người dân nơi đây liền vui vẻ, nhiệt tình chỉ dẫn đến tận nơi. Trong căn nhà nhỏ đơn sơ, cô Phúc dành phần lớn diện tích để làm phòng dạy học cho hơn 10 học sinh trong làng, từ mẫu giáo đến lớp 5.

Cô chia sẻ: Khi chào đời, cô cũng bình thường như bao trẻ nhỏ trong làng. Đến năm 2 tuổi, cô bị sốt kéo dài dẫn đến bại liệt chân phải, dù được cha mẹ đưa đi chữa bệnh khắp nơi nhưng bệnh tình không đỡ. Hoàn cảnh gia đình gặp nhiều khó khăn, nhất là sau khi bố mẹ cô qua đời, chỉ được học hết bậc phổ thông chứ không có điều kiện học đại học, nhưng cô luôn chịu khó cập nhật kiến thức, tự học thêm qua sách báo, mạng internet...

Hàng ngày, cô làm nghề vá lưới để kiếm sống, buổi tối cô đến từng nhà để dạy học cho các cháu. Ở lớp học, cô luôn tận tình hướng dẫn cách viết từng con chữ cho các em. “Nhiều học sinh của tôi tiến bộ hơn hẳn, biết đọc, biết viết thành thạo, cộng, trừ, nhân, chia thuộc lòng đến dãy số hàng chục, hàng trăm. Đó là niềm hạnh phúc vô bờ bến của tôi", cô Phúc nói.

Em Nguyễn Vân Phong, học sinh lớp 5/1, trường tiểu học Vạn Hưng 1 cho biết: "Em được cô Phúc dạy học từ mẫu giáo. Suốt mấy năm qua em đều là học sinh giỏi của trường, cô rất thương yêu trẻ nhỏ, tận tình chỉ dạy giúp chúng em tiếp thu và hiểu được nhiều kiến thức bổ ích".

Không dừng lại với kiến thức hiện có, mỗi tuần cô Phúc đều dành khoảng 2 giờ đồng hồ để lên mạng internet, học hỏi qua sách báo, cập nhật kiến thức cũng như chương trình dạy học mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Thời gian rảnh cô còn làm thơ, vẽ tranh và học ngoại ngữ. Hiện cô đã có chứng chỉ ngoại ngữ tiếng Anh trình độ B và đang tiếp tục ôn thi để lấy bằng C. Cô Phúc chia sẻ: Hầu hết, học sinh làng biển còn rất yếu tiếng Anh, nên cô quyết tâm học để dạy cho các em.

Ông Võ Cao, trưởng thôn Xuân Tự 2, xã Vạn Hưng, cho biết nhiều năm qua: Cô Phúc dạy học cho trẻ bằng cái tâm trong sáng, trẻ nào khó khăn còn được cô tặng sách vở. Mới đây, cô đoạt giải vẽ tranh về môi trường thủy sản. Cô Phúc là niềm tự hào của dân làng biển.

Còn ông Nguyễn Văn Lộc, Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Hưng cho biết, cô Phúc là tấm gương về người khuyết tật giàu nghị lực sống, vươn lên trong cuộc sống. Năm 2016, cô là một trong những tấm gương người khuyết tật tiêu biểu, được Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Khánh Hòa biểu dương.

Phan Sáu (TTXVN)