12:08 12/12/2013

Cô gái đằng sau The Beatles

Khi 17 tuổi, cô được báo chí Anh miêu tả là “cô gái đáng thèm muốn nhất thế giới”. Câu nói này cũng không có gì quá đáng vì nếu ở vào vị trí của cô, người ta có thể tiếp cận gần gũi bốn anh chàng dễ thương trong ban nhạc lừng danh nhất thế kỷ 20: The Beatles.

Khi 17 tuổi, cô được báo chí Anh miêu tả là “cô gái đáng thèm muốn nhất thế giới”. Câu nói này cũng không có gì quá đáng vì nếu ở vào vị trí của cô, người ta có thể tiếp cận gần gũi bốn anh chàng dễ thương trong ban nhạc lừng danh nhất thế kỷ 20: The Beatles. Đó chính là Freda Kelly, thư ký kiêm người quản lý câu lạc bộ người hâm mộ của nhóm “Bộ Tứ” này.


Kỳ 1: 11 năm đầy ắp kỷ niệm

 

Trong suốt 11 năm từ năm 1962, Freda đóng vai trò là thư ký của The Beatles, trở thành một người “vòng trong” và là nhân chứng trực tiếp chứng kiến danh tiếng của nhóm nhạc tăng lên một cách đáng kinh ngạc. Nhiệm vụ của cô là làm việc cho người quản lý của Beatles, Brian Epstein, và điều hành câu lạc bộ người hâm mộ.


Freda Kelly.


Freda là một trong số ít người gắn bó với The Beatles trong toàn bộ giai đoạn ban nhạc chưa tan rã. Cô chính là “chuyên gia tư vấn ẩn mặt” của The Beatles và chưa bao giờ được ghi nhận cho những gì cô đã cống hiến trong suốt quá trình làm việc vì The Beatles.


Cũng sống ở thành phố Liverpool của nước Anh, Freda quen thuộc hoàn cảnh xuất thân của ban nhạc bởi gia đình họ sống gần nhà cô. Thành viên George Harrison vẫn thường lái xe chở cô về nhà. Cả nhóm coi Freda như em gái và gia đình của ban nhạc xem cô như con gái của họ vậy.


Trước khi biết đến The Beatles, Freda thôi học năm 16 tuổi và học nghề đánh máy. Cô có một công việc thư ký ổn định trong một công ty ở Liverpool. Lúc đó, một đồng nghiệp khuyên cô thử một lần đến câu lạc bộ Cavern - nơi The Beatles hay biểu diễn. Ngay sau khi nghe họ hát, Freda đã bị tác động sâu sắc. Không chỉ riêng thể loại nhạc mà họ đang chơi, mà là tất cả những gì về The Beatles đều khiến Freda say mê. Từ cách họ đứng trên sân khấu, cách họ đùa nghịch với nhau cho đến những mẫu quần áo bằng da mà họ mặc...


Từ trái sang: Lennon, Freda và Harrison.


Từ lần đầu đó, cô bắt đầu tới Cavern nhiều hơn và cô dần trở nên thân thiết với các thành viên ban nhạc. Thi thoảng, một người trong số họ lại đưa cô về nhà. Thông thường họ sẽ ngồi bên ngoài nói chuyện to giữa đêm khuya cho đến khi khuôn mặt giận dữ của bố Freda xuất hiện và ông “tống khứ” chàng trai trẻ đi.


The Beatles chơi nhạc tại Cavern 294 lần. Freda ước tính cô đã tới đây xem họ biểu diễn 190 lần. Ai cũng “nhẵn mặt” cô gái trẻ. Khi Brian Epstein trở thành người quản lý của The Beatles, ông đã tìm gặp Freda và mời cô làm thư ký.


Thoạt đầu, bố của Freda không muốn cô làm thư ký cho The Beatles vì công việc không ổn định. Sự ngăn cản có tính chất bảo vệ con gái của ông cũng là điều dễ hiểu, vì trong suốt thời gian qua, ông kiêm luôn cả vai trò người mẹ sau khi vợ mất vì bệnh ung thư khi Freda mới 18 tháng tuổi.


Ông tuyên bố Freda sẽ không được làm việc ở đó quá một năm. Cô con gái bướng bỉnh đáp: “Bố hãy cho con một năm đó và khi con 18 tuổi, con sẽ nghe lời bố”. Và một năm đó biến thành 10 năm. Hồi đó, Freda đã cảm nhận rằng The Beatles sẽ làm nên một điều gì đó, rằng họ sẽ nổi tiếng một ngày nào đó.


Một trong những trách nhiệm chính của Freda là quản lý câu lạc bộ người hâm mộ của ban nhạc - nguồn thông tin chính về “Bộ Tứ”. Lúc đầu, cô đưa địa chỉ nhà riêng và đích thân trả lời thư người hâm mộ. Sau khi ban nhạc trình làng bài Love Me Do giành vị trí 17 năm 1962 và Please Please Me giành vị trí quán quân năm sau đó, người đưa thư đã quá quen địa chỉ nhà cô khi xuất hiện ở bậc cửa với 800 thư mỗi ngày. Tất nhiên, bố cô gái không phải là người hài lòng nhất. Về sau, Freda đã phải đổi địa chỉ nhận thư người hâm mộ sang địa chỉ văn phòng làm việc của mình.


Bản thân cũng là một người hâm mộ The Beatles, Freda cố gắng hết sức có thể để đáp ứng yêu cầu của những cô gái như mình. Khi hội chứng “fan cuồng” The Beatles (beatlemania) lan khắp nước Anh, Freda ngập đầu trong những yêu cầu ngày càng “quái dị” từ người hâm mộ. Một cô gái gửi một vỏ gối và muốn Ringo Starr gối đầu lên nó dù chỉ một đêm. Freda đã đưa chiếc vỏ gối cho mẹ của Starr, bà Elsie, và khiến bà phải hứa rằng sẽ làm thế nào đó để Starr dùng chiếc vỏ gối này ít nhất một lần.


Freda thậm chí còn sưu tập tóc của bốn anh chàng The Beatles từ cửa hiệu cắt tóc và tích chúng trong túi ở văn phòng, để mỗi lần có ai viết thư hỏi xin một lọn tóc, cô có thể đáp ứng ngay yêu cầu của họ.


Freda cũng hay lui tới nhà của bốn anh chàng để gom... áo rách của họ. Tất cả vì mục tiêu “phụng sự” người hâm mộ. Cô hay xin mẹ của George Harrison áo cũ của anh rồi về nhà cắt nhỏ ra và gửi cho người hâm mộ.


Các thành viên ban nhạc luôn thoắt ẩn thoắt hiện ở văn phòng và Freda luôn phải rình lúc nào họ có mặt để xin chữ ký. Trong tủ chén dưới bàn làm việc, cô lúc nào cũng giữ một tập ảnh mà người hâm mộ gửi đến nhờ xin chữ ký.


Nhận xét về tính cách của các thành viên “Bộ Tứ”, Freda nhớ lại: Paul McCartney là một người tốt mà lúc nào bạn cũng có thể tin cậy, George Harrison rất chín chắn và lúc nào cũng hỏi tôi ‘Em có gì trong tủ chén để anh ký không?’, Ringo Starr thì lúc nào cũng cười và được mệnh danh là anh chàng vui vẻ. Còn John Lennon lại là người có nhiều tâm trạng. Mọi người nghĩ anh cứng nhắc nhưng một mặt anh cũng là người rất chu đáo.



Thùy Dương


Đón đọc kỳ tới: Nhân chứng của những thăng trầm