09:06 24/09/2016

Cô gái bị tạt axit tỏa sáng trên sàn catwalk

Reshma Qureshi - một cô gái Ấn Độ có gương mặt biến dạng do bị tạt axit - vẫn tự tin sải bước trên sàn diễn thời trang tại Tuần lễ thời trang New York hôm 8/9 vừa qua.

Công ty thời trang FTL Moda mới đây đã có một màn trình diễn mở đầu ấn tượng bằng hình ảnh Reshma Qureshi - một cô gái có gương mặt chằng chịt những vết sẹo cùng một bên mắt bị phá hủy hoàn toàn. Tuy nhiên, không hề có cảm giác mặc cảm, Reshma Qureshi tự tin biểu diễn như một người mẫu chuyên nghiệp trong sự kiện.

Hai năm trước, khi Reshma Qureshi đang đi cùng chị gái thì bất ngờ bị anh rể và 2 nam thanh niên khác tạt axit. Sự việc kinh hoàng đã hủy hoại gương mặt và cướp đi một bên mắt của cô gái đang ở tuổi 17 “bẻ gãy sừng trâu”. Tuy đau khổ và không ít lần có ý định tìm đến cái chết song cô gái mạnh mẽ này đã tìm cách vượt lên số phận. Sau nhiều lần trải qua các cuộc phẫu thuật ghép da, may mắn đến với Qureshi khi cô gặp được người sáng lập nhóm Make Love Not Scars (Tạm dịch: Tạo yêu thương, đừng gây vết sẹo) - một tổ chức chuyên hỗ trợ những nạn nhân của các vụ tấn công axit.

Reshma Qureshi hi vọng sẽ truyền được động lực sống và tinh thần lạc quan cho các nạn nhân bị tạt axit.

Qureshi đã trở thành gương mặt đại diện cho chiến dịch video tuyên truyền của tổ chức này nhằm lan tỏa tinh thần lạc quan vươn lên cuộc sống tới những nạn nhân cùng cảnh ngộ và chấm dứt việc buôn bán tự do các loại axit gây nguy hiểm tại Ấn Độ. Video đã thu hút hơn 1,3 triệu lượt xem và đem đến cho cô cơ hội biểu diễn tại New York.

Mơ ước hiện tại của Qureshi là hoàn thành chương trình trung học phổ thông và học đại học. Thông qua buổi biểu diễn tại tuần lễ thời trang New York, Qureshi muốn truyền động lực sống cho các nạn nhân xấu số như mình, cũng như thúc đẩy lệnh cấm bán loại hóa chất có thể gây thương tật cho hàng ngàn phụ nữ và trẻ em mỗi năm.

Qureshi chỉ là một trong số hàng nghìn nạn nhân bị tạt axit tại Ấn Độ. Theo thống kê của tổ chức từ thiện chuyên bảo vệ các nạn nhân bị tạt axit (ASFI), chỉ tính riêng trong năm 2015 quốc gia 1,2 tỷ dân này ghi nhận đến 500 vụ tấn công bằng axit và con số này gấp gần 5 lần so với 122 vụ trong năm 2013.

Tuy nhiên, theo tổ chức từ thiện “Acid Survivors Trust International” của Anh, số vụ thực tế có thể lên tới 1.000 vụ mỗi năm. Các chuyên gia cho rằng đây chỉ là phần nổi của một tảng băng chìm. Vào tháng 7/2013, tòa án tối cao Ấn Độ đã ban hành một quy định nhằm siết chặt việc buôn bán axit trên thị trường. Theo đó, các chủ cửa hàng phải có giấy phép bán axit và họ cần phải lấy thẻ căn cước của các khách hàng khi mua loại axit này. Tuy vậy, trên thực tế, nhiều cuộc điều tra chỉ ra rằng axit vẫn có thể dễ dàng mua tại các cửa hàng, chỉ với 20 rupee (tương đương 8.000 đồng)/chai. Mặc dù tấn công axit là một vấn nạn đã tồn tại từ lâu và bị lên án mạnh mẽ tại Ấn Độ, do mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng lên thể chất, tâm lý và xã hội cho các nạn nhân song những kẻ tấn công lại thường ít phải trả giá thích đáng cho tội ác của mình. Bản án tối đa dành cho họ chỉ là 10 năm tù giam, và phần lớn đều thoát lưới pháp luật.

Khó có thể trông đợi vào cơ quan chức trách, chính những người trong cuộc đã tự mình đứng lên giành công lý cho bản thân. Họ quyết định trở thành những gương mặt đại diện, nhà vận động mạnh mẽ nhất cho chính sách cấm bán axit tràn lan trên thị trường, siết chặt luật để trừng phạt nghiêm khắc thủ phạm, cũng như khích lệ tinh thần làm lại cuộc đời của các nạn nhân.


Huyền Lê (theo D.M)