11:10 12/11/2018

Có đúng luật khi xử lý người đăng clip CSGT 'té ngã' khi làm việc với dân lên mạng?

Đề cập việc Công an thành phố Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) đã tìm được người đầu tiên đưa clip thiếu úy cảnh sát giao thông (CSGT) bị té ngã khi đang xử lý vụ việc lên Facebook khiến dư luận lầm tưởng là “diễn” nhằm kiếm cớ xử lý người dân, Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Văn phòng luật sư Nguyễn Anh) cho rằng: Hiện không có quy định của pháp luật cấm người dân chụp ảnh, ghi hình CSGT đang thực thi nhiệm vụ. 

Chú thích ảnh
Thiếu úy Linh khẳng định do trời mưa đường trơn trượt cộng với lực đẩy của cùi chỏ anh Qua nên té ra sau chứ không phải giả vờ. Nguồn Dân trí.

Ngày 11/11, Trung tá Nguyễn Công Thảnh, Trưởng công an phường Ngô Mây (thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) cho biết: Đã xác định người quay clip và đăng tải lên mạng xã hội Facebook sự việc thiếu úy Định Công Hoàng Linh, chiến sĩ đội CSGT thành phố Quy Nhơn, té ngã khi làm việc với dân.

Theo Trung tá Thảnh, người phát tán clip được xác định là Huỳnh Nhật Hào (trú thành phố Quy Nhơn). Hào đăng tải clip nhưng có "bình luận không đúng bản chất sự việc" khiến dư luận hiểu sai vấn đề. Công an phường Ngô Mây đang làm rõ để xử lý việc làm của Hào.

Liên quan tới sự việc này, Luật sư Anh Thơm cho rằng: Qua thông tin báo chí, đoạn video dài 4 phút 32 giây ghi lại cảnh va chạm giữa CSGT Công an TP Quy Nhơn với một nam thanh niên được một tài khoản Facebook Huỳnh Nhật Hào đăng tải.

Theo tài khoản Facebook này, lực lượng CSGT khi đến tiếp quản hiện trường đã có cách làm việc không đúng. Công an giao thông làm việc "không chào, không nói lý lẽ, không đeo biển tên, bóp cổ đánh dân", tài khoản này viết.

Sau khi được đăng tải, đoạn video đã nhận được 10.000 lượt chia sẻ cùng hàng nghìn bình luận. Đa số cho rằng thái độ làm việc của lực lượng CSGT như trên là không đúng, trái với đạo đức. Đặc biệt, cộng đồng mạng chú ý đến chi tiết một cán bộ tự ngã khi không có sự tác động của nam thanh niên. Sau đó một cán bộ khác xông vào khống chế nam thanh niên này.

“Việc đưa clip đó lên mạng trong trường hợp này đươc coi là nguồn tin tố giác hành vi vi phạm của công dân, lực lượng thực thi pháp luật đến các cơ quan chức năng qua mạng xã hội. Khả năng trường hợp này, người đưa clip đó không có động cơ mục đích bôi nhọ, xúc phạm uy tín của tổ công tác. Theo quan điểm của tôi, không có căn cứ xử phạt người đưa clip đó lên mạng xã hội”, Luật sư Nguyễn Anh Thơm nói.

Theo luật sư, nếu bình luận nhằm mục đích xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín cơ quan Nhà nước thì tùy theo tính chất có thể bị xử phạt hành chính theo Nghị định số 174. Về trách nhiệm hành chính, theo khoản 3 Điều 64 Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện, các hành vi sau đây bị phạt từ 20 triệu đến 30 triệu đồng nếu cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân; cung cấp nội dung thông tin không phù hợp với lợi ích đất nước.

Nếu xác định được người thực hiện hành vi tung tin sai lệch, thất thiệt lên Facebook và thông tin thất thiệt có tính chất vu khống, xúc phạm uy tín Cơ quan nhà nước thì tùy theo tính chất mức độ còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet theo quy định tại Điều 288 Bộ luật hình sự 2015.

Chú thích ảnh
Hình ảnh liên quan đến vụ CSGT TP Quy Nhơn bất ngờ té ngửa khi đang nói chuyện với dân (ảnh Facebook).

Người nào thực hiện hành vi “Đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet những thông tin trái với quy định của pháp luật, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 117, 155, 156 và 326 của Bộ luật này” và hành vi này gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân, thì bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Theo luật sư Nguyễn Anh Thơm, về nguyên tắc, người dân được quyền làm những gì pháp luật không cấm. Như vậy, công dân hoàn toàn có quyền được giám sát hoạt động của các cán bộ Nhà nước, trong đó có hoạt động công khai xử lý vi phạm của CSGT. Do đó, người dân có quyền theo dõi và giám sát hoạt động của CSGT, kể cả được phép quay phim, ghi hình hoạt động của các tổ công tác. Tuy nhiên, việc việc quay phim, ghi hình phải đảm bảo không cản trở hoạt động của lực lượng thực thi nhiệm vụ.

Ngày 7/11, xảy ra vụ va chạm giữa xe máy mang BKS 77L1-303.79 do anh Huỳnh Hiệp Xuyên (sinh năm 1983, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) điều khiển với xe máy mang BKS 77L1-938.49 do Phạm Thanh Tuấn (sinh năm 1996) điều khiển, chở theo Phạm Thanh Qua (SN 1997) và Phạm Ngọc Tuyển (sinh năm 1996, huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định). Thiếu úy Đinh Công Hoàng Linh cùng Đại úy Nguyễn Lê Nhung thuộc đội CSGT Công an thành phố Quy Nhơn, đến hiện trường giải quyết vụ việc.

Tại hiện trường, Qua và Tuyển được cho là liên tục chửi bởi, xúc phạm, cản trở hai chiến sĩ CSGT làm nhiệm vụ. Khi tổ CSGT tiến hành đưa 2 phương tiện về trụ sở thì Qua và Tuyển giật lại, không đồng ý. Lúc này, Xuyến lợi dụng các chiến sĩ CSGT bị giữ chân nên đã lấy xe bỏ chạy. Qua và Tuyển lập tức hô hoán đòi đưa cả 2 xe về trụ sở chứ không đưa về một xe. Trong lúc giằng co, Thiếu úy Đinh Công Hoàng Linh (thuộc CSGT Công an thành phố Quy Nhơn) được cho là bị húc cùi chỏ ngã xuống đất. 

 

Minh Phương-Hồng Phong