04:17 08/04/2019

Cổ đông tập đoàn Nissan loại ông C.Ghosn khỏi ban quản trị

Trong cuộc họp bất thường ngày 8/4, các cổ đông của hãng chế tạo ôtô Nissan đã nhất trí loại ông Carlos Ghosn, cựu chủ tịch liên minh gồm Nissan và các đối tác Renault và Mitsubishi, khỏi ban quản trị.

Chú thích ảnh
Ông Carlos Ghosn, khi còn giữ chức Chủ tịch và Giám đốc điều hành Nissan, trong cuộc họp báo tại Yokohama, Nhật Bản, ngày 13/5/2015. Ảnh tư liệu: AFP/ TTXVN

Cũng tại cuộc họp kéo dài khoảng 3 giờ tại một khách sạn ở thủ đô Tokyo (Nhật Bản), hơn 4.200 cổ đông cũng đã nhất trí loại ông Greg Kelly, từng là "cánh tay phải" đắc lực của ông Ghosn, khỏi ban quản trị, đồng thời nhất trí bổ nhiệm Chủ tịch Renault Jean-Dominique Senard  thay thế vị trí của ông Ghosn trong hội đồng quản trị của Nissan. Hiện Renault đang kiểm soát 43% cổ phần tại Nissan.

Trước đó, Giám đốc điều hành Hiroto Saikawa và các lãnh đạo của tập đoàn Nissan đã xin lỗi hàng nghìn cổ đông vì vụ bê bối xảy ra tại Nissan. Ông Saikawa cũng đã có bài phát biểu nêu rõ những cáo buộc mà ông Ghosn đang phải đối mặt, trong đó có việc lạm dụng các quỹ của tập đoàn cũng như tìm cách che giấu các khoản bồi thường. Giám đốc điều hành Nissan thừa nhận "có vấn đề nghiêm trọng" trong công tác quản trị của công ty. 

Phát biểu tại cuộc họp, ông Senard đã cảm ơn sự tin tưởng của các cổ đông dành cho mình và cam kết sẽ nỗ lực hết sức để đưa liên minh này đi đúng hướng. 

Ông Ghosn là người đứng đầu liên minh sản xuất ôtô gồm hãng Renault của Pháp và hai hãng Nissan, Mitsubishi của Nhật Bản. Ông được xem là nhân vật quyền lực nhất nhì ngành xe hơi Nhật Bản khi từng giữ vai trò quan trọng giúp Nissan vượt qua giai đoạn khủng hoảng kinh tế trong thập niên 90 của thế kỷ trước, cũng như hỗ trợ hãng chế tạo ôtô Mitsubishi chống chọi với thời kỳ kinh doanh giảm sút sau khi hãng này bị cáo buộc làm giả số liệu về chỉ số tiêu thụ nhiên liệu.

Ông Ghosn bị bắt giữ ngày 19/11/2018, với 3 cáo buộc khác nhau. Hai cáo buộc liên quan đến việc hoãn kê khai khoản thu nhập khoảng 80 triệu USD và che giấu khoản tiền này trong các văn bản chính thức gửi cổ đông. Cáo buộc thứ 3, phức tạp hơn, cho rằng ông cố ý chuyển các khoản thua lỗ cá nhân để Nissan gánh chịu cũng như sử dụng các quỹ của công ty để chi trả cho doanh nhân Khaled al-Juffali, người Saudi Arabia. 

Sau khi được tại ngoại do nộp tiền bảo lãnh, các công tố viên đã lại bắt giữ ông Ghosn vào tuần trước, với cáo buộc bổ sung ông đã chuyển tiền của Nissan cho một đại lý phân phối ở Oman, song đã rút hàng triệu USD để chi tiêu cá nhân, trong đó có việc mua một du thuyền sang trọng. Các công tố viên cho rằng từ cuối năm 2015 đến giữa năm 2018, ông Ghosn đã rút tổng cộng 15 triệu USD từ các quỹ của Nissan và đã sử dụng 5 triệu USD từ khoản tiền này để chi tiêu cá nhân. 

Ngày 5/4 vừa qua, Tòa án Quận Tokyo ra phán quyết các công tố viên có thể thẩm vấn ông Ghosn cho đến ít nhất ngày 14/4. Quá trình này có thể được kéo dài thêm 10 ngày nếu tòa án cho phép. Điều này có nghĩa ông Ghosn có thể sẽ không được trả tự do sớm. Do bị bắt giữ, nên ông Ghosn không thể tiến hành họp báo vào ngày 11/4 như kế hoạch, thay vào đó, các luật sư của ông dự định sẽ họp báo trong ngày 9/4, chiếu đoạn video ông Ghosn đã ghi hình trước khi bị bắt giữ hồi tuần trước.

Ngọc Hà (TTXVN)