02:08 19/02/2019

Cơ chế xin – cho của thần linh

Đầu năm, hàng trăm lễ hội đang được tổ chức trên cả nước thể hiện những nét văn hóa truyền thống độc đáo của dân tộc và cũng mang theo những ước vọng ấm no, hạnh phúc của người dân. Thế nhưng, dù các cơ quan quản lý nhà nước đã có nhiều văn bản chỉ đạo trong nhiều năm nay, các hiện tượng tiêu cực “biến tướng” từ lễ hội cũng như các hoạt động tín ngưỡng lệch lạc vẫn chưa hoàn toàn bị xóa bỏ.

Ghi nhận của phóng viên Tin tức cho thấy, từ đầu mùa lễ hội xuân Kỷ Hợi 2019 đến nay đã có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác tổ chức ở nhiều lễ hội đã được phối hợp thực hiện tốt hơn, đáp ứng hàng vạn lượt người tham gia mà không có những sự cố nào đáng kể.

Chú thích ảnh
Ban tổ chức phát lương cho người dân và du khách tại Lễ hội phát lương Đức Thánh Trần đền Trần Thương 2019. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Ở lễ hội Gióng ở đền Sóc (Hà Nội), năm thứ hai thực hiện nghi thức phát lộc đã diễn ra suôn sẻ, không còn cảnh “cướp lộc” như xưa. Việc phát ấn Đền Trần ở nhiều nơi đã đi vào quy củ. Nghi thức chém lợn ở làng Ném Thượng (TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) được thực hiện kín đáo chứ không còn ra giữa sân đình tạo nên hình ảnh phản cảm…

Nhưng bên cạnh những vấn đề “dễ thông cảm” của lễ hội đông người như môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, thì những hành vi như rải tiền lẻ lên các ban thờ, đốt vàng mã tràn lan, tranh cướp lộc lấy may… vẫn gây nhức nhối. Ngay sau hôm đầu tiên tổ chức lễ hội phết Hiền Quan ở huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ ngày 16/2/2019, UBND huyện Tam Nông đã phải ra văn bản chính thức yêu cầu dừng hoạt động đánh phết vào ngày tiếp theo 17/2.

Lý do là khi những quả phết được đưa vào sân đánh chưa được bao lâu thì hàng trăm trai làng ùa nhau, xé rào lao vào tranh cướp phết, gây ra cảnh tượng hỗn loạn. Mặc dù Ban tổ chức đã xây dựng đề án, kịch bản chi tiết, bố trí nhiều lớp an ninh vòng trong, vòng ngoài nhưng khi đến phần cướp phết vẫn “vỡ trận”.

Trách nhiệm của Ban tổ chức có lẽ chỉ một phần, phần còn lại là ý thức của những người tham gia lễ hội. Nhiều ý kiến từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã cho rằng: Cần tuyên truyền, hướng dẫn cho người đi lễ hội hiểu về lịch sử, nhân vật được tôn vinh trong lễ hội, thường xuyên hướng dẫn để nhân dân dự hội ăn mặc phù hợp, hành xử đúng mực, thắp hương, đặt đồ lễ, tiền công đức, giọt dầu… đúng nơi quy định, đặc biệt là hạn chế đốt vàng mã, đồ mã nơi lễ hội.

Du xuân trảy hội đầu năm vừa là một nhu cầu thưởng thức văn hóa, vừa là đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tâm linh, tùy mỗi người mà tham dự phần lễ, phần hội hay cả hai. Tất cả đều có chung một mục đích là muốn có một tinh thần phấn khởi bước vào năm mới, đón nhận những lời cầu chúc bình an, may mắn, thuận lợi cho cuộc sống, công việc. 

Nhưng sự thái quá trong ước vọng của con người chính là nguyên nhân của phần lớn các hiện tượng tiêu cực tại lễ hội vừa qua, như nhiều nhà nghiên cứu văn hóa gọi đó là hối lộ thần linh, thậm chí là sợ xin không đến lượt mình mà người ta sẵn sàng tranh cướp. Rải tiền lẻ khắp các ban thờ, thả cả tiền lẻ xuống giếng nước, di chỉ khảo cổ, đốt vàng mã thật nhiều sẽ được thần, Phật phù hộ; tranh cướp vật thiêng để mong có nhiều tài lộc, mong thăng quan tiến chức, mong sinh được con trai… đều là những hành vi đi ngược lại ý nghĩa tốt đẹp của lễ hội.

Đất nước đang trên đà phát triển với những thành tựu to lớn đạt được trên mọi lĩnh vực. Các cơ chế chính sách, luật pháp đang ngày càng hoàn thiện để đảm bảo mọi thành phần kinh tế đều bình đẳng, mọi cá nhân có cơ hội để phát huy năng lực. Công cuộc chống tham nhũng tiêu cực cũng trở thành một xu thế “không có ngoại lệ, không có vùng cấm”, góp phần tạo nên một môi trường phát triển minh bạch, công bằng. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới thì sức sáng tạo mới là yếu tố quyết định đến sự phát triển của mỗi cá nhân, doanh nghiệp, quốc gia.

Người xưa đã đúc kết ở những câu “ở hiền gặp lành”, “nhân nào quả ấy”… Bởi vậy, du xuân trảy hội hãy giữ cho lòng mình được thanh thản, tâm thế an nhiên để nuôi dưỡng sức sáng tạo thì sẽ có được thành công, chứ đừng mong chờ vào cơ chế xin – cho của thần linh.

Trần Ngọc Tú