06:08 09/06/2012

Cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng ở Việt Nam: Quan điểm, giải pháp và một số kinh nghiệm

Ngày 7/6 tại thành phố Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), tiếp tục diễn ra Hội thảo lý luận lần thứ 8 giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc với chủ đề: “Đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam và chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế ở Trung Quốc”.

Ngày 7/6 tại thành phố Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), tiếp tục diễn ra Hội thảo lý luận lần thứ 8 giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc với chủ đề: “Đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam và chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế ở Trung Quốc”. Đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Trưởng đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam, đã trình bày báo cáo đề dẫn, với nhan đề “Cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng ở Việt Nam: Quan điểm, giải pháp và một số kinh nghiệm”.


Về thực trạng chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở Việt Nam, đồng chí Đinh Thế Huynh nêu rõ: Những thành công của Việt Nam về chuyển dịch cơ cấu kinh tế là rất căn bản, đã trở thành nền tảng quan trọng, tạo thế và lực mới cho đất nước để thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng trong giai đoạn tới.


Về một số kinh nghiệm bước đầu trong quá trình cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam, đồng chí Đinh Thế Huynh nhấn mạnh: Cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng thực sự là quá trình đổi mới, sáng tạo, nên để lãnh đạo thực hiện thắng lợi quá trình này đòi hỏi Đảng phải không ngừng đổi mới, sáng tạo. Cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng đòi hỏi phải huy động những nguồn lực không nhỏ. Trên cơ sở đó xác định lộ trình, thứ tự các nhiệm vụ ưu tiên, tránh thực hiện ồ ạt, dàn trải. Mặt khác, quá trình này không tránh khỏi gây ra những tác động xã hội, có thể ảnh hưởng đến đời sống của một bộ phận người dân. Vì vậy, phải gắn cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng với việc sắp xếp, đào tạo lại việc làm cho các lao động trong diện chuyển đổi, cải thiện căn bản hệ thống an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, thực hiện công bằng xã hội trong từng bước đi, từng chính sách phát triển. Đây là bài học kinh nghiệm song đồng thời cũng là vấn đề có tính nguyên tắc, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ XHCN.


Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu sắc, Đồng chí Đinh Thế Huynh nêu rõ: Cơ cấu kinh tế và mô hình tăng trưởng của đất nước không thể thoát ly khỏi xu hướng chung của thế giới, mà trái lại, phải hướng tới vị thế ngày càng cao trong phân công lao động khu vực và toàn cầu. Kinh nghiệm gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) của Việt Nam cho thấy, hội nhập quốc tế cho phép tạo ra những xung lực to lớn, cũng như thu hút các nguồn lực bên ngoài cho quá trình đổi mới trong nước, đặc biệt là đổi mới về thể chế, công nghệ và cơ cấu kinh tế. Chủ động, tích cực thực hiện nghiêm chỉnh lộ trình xây dựng Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA), Khu vực mậu dịch tự do Trung Quốc - ASEAN (CAFTA) và các hiệp định thương mại tự do khác chính là điều kiện tốt để cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng ở Việt Nam.


Về quan điểm cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng ở Việt Nam, đồng chí Đinh Thế Huynh nhấn mạnh:


Đối với một nền kinh tế đang hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng như nền kinh tế Việt Nam, “chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chủ yếu phát triển theo chiều rộng sang phát triển hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu, vừa mở rộng quy mô vừa chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính bền vững. Thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, trọng tâm là cơ cấu lại các ngành sản xuất, dịch vụ phù hợp với các vùng; thúc đẩy cơ cấu lại doanh nghiệp và điều chỉnh chiến lược thị trường; tăng nhanh giá trị nội địa, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp và của cả nền kinh tế; phát triển kinh tế tri thức. Gắn phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế xanh” thực sự vừa là yêu cầu cấp bách, vừa là đòi hỏi xuyên suốt giai đoạn phát triển 10 năm tới. Đây cũng chính là một chủ trương lớn được Đại hội lần thứ XI của Đảng Cộng sản Việt Nam thông qua.


Về những giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng ở Việt Nam, đồng chí Đinh Thế Huynh cho rằng:


Vấn đề mấu chốt trước tiên trong cơ cấu lại đầu tư là cải thiện một bước căn bản chất lượng công tác quy hoạnh, tăng cường kỷ cương, hiệu lực quản lý nhà nước trong quy hoạch phát triển. Tất cả các ngành, các địa phương phải rà soát lại quy hoạch phát triển tổng thể, xác định lại cơ cấu của ngành mình, cơ cấu kinh tế - xã hội của địa phương mình theo hướng phù hợp với quy hoạch chung của cả nước, tăng cường tính phối hợp giữa các ngành và các địa phương, đảm bảo phát triển bền vững. Từng bước mở cửa các lĩnh vực kinh doanh do các tập đoàn và tổng công ty nhà nước hiện nắm quyền chi phối cho các doanh nghiệp ngoài nhà nước, hạn chế và kiểm soát hiệu quả các doanh nghiệp độc quyền.


Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước mà trọng tâm là các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước thực hiện theo hướng chỉ tập trung phát triển doanh nghiệp nhà nước trong những ngành, lĩnh vực trọng yếu, then chốt của nền kinh tế quốc dân, chủ yếu là các ngành liên quan đến kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, dịch vụ công thiết yếu. Trước năm 2015, kiên quyết chấm dứt tình trạng các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đầu tư dàn trải ra ngoài ngành, ngoài lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chính. Hoàn tất quá trình sắp xếp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Tạo dựng môi trường kinh doanh bình đẳng, tuân thủ pháp luật, tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong doanh nghiệp nhà nước…