06:21 11/06/2015

Cơ bản nhất trí với phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Công Thương

Các đại biểu và cử tri đã có những đánh giá nhận xét về phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng chiều 11/6.

Chiều 11/6, bên lề Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, các đại biểu Đỗ Thị Hoàng (đoàn Quảng Ninh), Nguyễn Sỹ Cương (đoàn Ninh Thuận), Trương Minh Hoàng (đoàn Cà Mau) đã có những đánh giá, nhận xét về phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng. 


Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh Đỗ Thị Hoàng phát biểu ý kiến. Ảnh: An Đăng - TTXVN


Đại biểu Đỗ Thị Hoàng cho biết, phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã nhận rõ trách nhiệm của mình trong công tác quản lý và điều hành. Bộ trưởng đã nêu rõ những mặt hạn chế và chỉ ra được các giải pháp tích cực trong thời gian tới, kể cả việc khắc phục khó khăn hiện nay cũng như đường đi cho “ngày mai” của các sản phẩm nông sản, hay giá thị trường đối với vấn đề điện, xăng dầu.

Cũng theo đại biểu Đỗ Thị Hoàng, các giải pháp Bộ trưởng Bộ Công Thương đưa ra rất khả thi; trong đó có cả những giải pháp liên quan đến việc đàm phán hiệp định thương mại tự do và việc tổ chức cơ cấu lại hệ thống phân phối hiện nay. Những giải pháp đó cũng đã nêu rõ vai trò của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong quá trình làm việc và kết nối với đối tác để giới thiệu các lợi thế nông sản nước ta. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng muốn thực hiện được những giải pháp đó, Bộ Công Thương và các địa phương phải chung tay quy hoạch tốt những vùng sản xuất, đồng thời kết nối với doanh nghiệp trong quá trình tiêu thụ sản phẩm cũng như xây dựng hệ thống phân phối tốt thì mới có “đường đi” bền vững cho hàng hóa nông sản Việt Nam.

Đánh giá về phần trả lời của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đối với việc quản lý giá điện và mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương khá hài lòng và cho rằng rất rõ ràng. Theo đại biểu, thực chất việc quản lý giá điện không phải là vấn đề mới, mà chỉ đặt ra bao giờ xóa bỏ việc độc quyền giá điện trong kinh doanh và lộ trình trong thời gian sắp tới. Vấn đề này, Bộ trưởng đã nêu rõ đến năm 2016 và đặc biệt đến năm 2021, sẽ xóa bỏ hoàn toàn việc độc quyền trong kinh doanh giá điện. Đại biểu cũng hy vọng, lộ trình đó sớm được thực hiện để đem lại lợi ích cho người dân.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng Trần Khắc Tâm đặt câu hỏi chất vấn. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN


Nhận xét phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Công Thương đối với vấn đề giải quyết đầu ra cho nông sản, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương cho rằng: Phần trả lời của Bộ trưởng khá đầy đủ, tuy nhiên đấy chỉ là những giải pháp hết sức ngắn hạn, còn về lâu dài thì chưa thuyết phục.

Cho rằng phần trả lời của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng còn rườm rà, lập luận nhiều ý, đại biểu Trương Minh Hoàng đề nghị cần tập trung đi thẳng vào vấn đề để nghe được nhiều ý kiến chất vấn. Đại biểu cũng cho rằng, các câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội rất đúng trọng tâm, sát vấn đề mà cử tri đang quan tâm.

Phóng viên TTXVN tại Thành phố Hồ Chí Minh, Lạng Sơn, Đà Nẵng cũng đã ghi nhận ý kiến của một số cử tri về các nội dung trả lời của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng.

Làm rõ nhiều vấn đề về điện

Đối với các câu trả lời của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng về các vấn đề bất cập tại các khu vực làm thủy điện, cử tri Nguyễn Văn Thọ (quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên cán bộ Ban quản lý dự án Cụm Khí – Điện – Đạm Cà Mau) cho rằng, Bộ trưởng đã trả lời khá đầy đủ về thực trạng, tuy nhiên giải pháp thì chưa thật rõ ràng. Để giải quyết những vấn đề bất cập đi liền với xây dựng thủy điện, cần sự vào cuộc quyết liệt hơn của nhiều bộ như Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn... và chính quyền địa phương.

Tán thành với ý kiến về mạng lưới điện nông thôn của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, cử tri Nguyễn Văn Thọ cho biết: Về tổng thể, sản lượng điện sản xuất đã đáp ứng được sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đối với vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, vùng miền núi hải đảo, điện khí hóa nông thôn là một trong những động lực quan trọng góp phần chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, tạo việc làm cho lao động nông thôn, phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, đối với các điểm vùng sâu, vùng xa, việc kéo điện về theo cách thông thường rất tốn kém; thủy điện còn nhiều bất cập. Theo cử tri Nguyễn Văn Thọ, Chính phủ cần chỉ đạo các đơn vị liên quan mà chủ lực là Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu một số giải pháp, công nghệ tiên tiến đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng như điện gió, điện mặt trời… Nếu thực hiện được, bài toán điện khí hóa nông thôn sẽ được giải một cách hiệu quả nhất.

Ông Nguyễn Văn Thọ nhận định: Đem điện đến những vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhất là về vấn đề vốn. Do vậy, Chính phủ cần ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách, vốn ODA, nguồn vốn vay ưu đãi trong nước giao cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện nâng cấp cải tạo lưới điện, nhằm bảo đảm phục vụ tốt yêu cầu cấp điện cho sinh hoạt và sản xuất của các xã xây dựng nông thôn mới.

Quan tâm về vấn đề giá điện hiện nay, cử tri Đặng Đức Dũng (quận Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh, chủ doanh nghiệp sản xuất nhựa Thái Bình) cho biết: Đối với doanh nghiệp sản xuất vừa và nhỏ, giá điện có ảnh hưởng rất lớn đến chi phí đầu vào. Do thị trường ngày càng cạnh tranh, giá bán sản phẩm khó tăng thì việc tăng chi phí đầu vào ảnh hưởng rất nhiều đến các doanh nghiệp sản xuất. Ngoài ra, mức giá phải trả cho chi phí tiêu hao điện trong sản xuất, đặc biệt trong bối cảnh ngành nhựa nói riêng đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay thì doanh nghiệp cũng thêm “gánh nặng”.

Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN


Về phần trả lời của Bộ trưởng trước Quốc hội rằng, việc giá điện tăng 7,5% là đúng lộ trình đưa giá điện về giá thị trường, theo ông Dũng, đây là chủ trương đúng đắn của Chính phủ tuy nhiên việc này chưa hợp lý vào thời điểm hiện tại. Khi khả năng sản xuất của doanh nghiệp vừa và nhỏ còn chưa mạnh, giá điện tăng khiến doanh nghiệp gặp khó. Điện là lĩnh vực độc quyền tự nhiên, vì vậy để xác lập giá trong lĩnh vực độc quyền điện tự nhiên thì Chính phủ phải kiểm soát tốt các chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất và truyền tải điện, làm sao để giá độc quyền nhưng vẫn đảm bảo hợp lý, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.

Chia sẻ về thực trạng và giải pháp phát triển mạng lưới điện cho khu vực nông thôn nhân dịp Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trả lời chất vấn, ông Nguyễn Sỹ Ban, cử tri tại Lạng Sơn cho biết: Hiện nay, hệ thống mạng lưới điện nông thôn tuy đã được đầu tư, cải tạo, nhưng vẫn gặp rất nhiều khó khăn, nhiều thôn, xã, nhất là các xã vùng sâu, vùng cao, xã giáp biên chưa có điện hoặc lưới điện xuống cấp. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của bà con nhân dân cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung. Để tiếp tục phát triển mạng lưới điện cho khu vực nông thôn cần sự quan tâm hơn nữa của Chính phủ, các cấp, các ngành có liên quan về cơ chế, chính sách, quy hoạch đối với riêng lĩnh vực điện.

Về thực trạng và giải pháp phát triển mạng lưới điện cho khu vực nông thôn, ông Hoàng Thật (Lạng Sơn) nhấn mạnh: Cần đầu tư cơ sở hạ tầng mạng lưới điện cho khu vực nông thôn, quan tâm hơn nữa đến vấn đề quản lý điện của khu vực nông thôn; xem xét việc tăng, giảm giá điện hợp lý, phù hợp với từng vùng, nhất là khu vực nông thôn, tạo điều kiện cho người dân ở vùng khó khăn được dùng điện với giá ưu đãi...

Cần nhiều ưu đãi cho nông sản Việt

Cử tri Nguyễn Ngọc Minh, phường Thanh Bình, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng cho biết: Qua theo dõi phần chất vấn của đại biểu và phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho thấy có nhiều câu hỏi của đại biểu khá sắc xảo, rõ ràng và cụ thể. Phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Công Thương rất rõ ràng, khúc chiết... Điều này cho thấy Bộ trưởng nắm rất kỹ và am hiểu ngành. Cử tri Nguyễn Ngọc Minh hài lòng về phần trả lời của Bộ trưởng, đặc biệt về giải pháp phát triển thị trường trong và ngoài nước; trách nhiệm và giải pháp xử lý tình trạng dư thừa sản phẩm, giảm sút kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng hóa nông, lâm, thủy sản; đẩy mạnh lưu thông hàng hóa do Việt Nam sản xuất, đặc biệt là hàng nông sản.

Ông Nguyễn Sỹ Ban ở thôn Rọ Phải, xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn, cán bộ hưu trí, cựu chiến binh cho rằng: Hiện nay liên kết 4 nhà trong sản xuất và tiêu thụ những sản phẩm thuộc lĩnh vực nông nghiệp còn chưa chặt chẽ, trong đó liên kết giữa doanh nghiệp và người dân cần có chính sách hỗ trợ đảm bảo hài hòa lợi ích cả hai bên, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và đảm bảo đầu ra cho nông sản. Các cấp, các ngành cũng cần quan tâm nhiều hơn đến sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là đầu ra cho nông sản. Chỉ khi có đầu ra ổn định thì người nông dân mới yên tâm đầu tư vào nông nghiệp. Bộ Công Thương nên nghiên cứu để đưa kỹ thuật, công nghệ bảo quản đến những vùng nông sản (như vải, nhãn, dưa hấu...) để nông dân học tập, làm theo nhằm đảm bảo sản phẩm chất lượng tốt nhất khi cung cấp ra thị trường cũng như xuất khẩu. Về chương trình “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”, Bộ cần tiếp tục rà soát, ban hành các cơ chế chính sách phù hợp, tạo điều kiện cho sản xuất, tiêu thụ hàng hóa được lưu thông; nhất là các hình thức hỗ trợ để thúc đẩy hệ thống phân phối hàng hóa tại các khu vực vùng sâu, vùng cao, vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số…

Ông Vy Công Tường, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn cho biết: Phần trả lời của Bộ trưởng rất xác thực; đồng thời đã đưa ra được các giải pháp cho việc phát triển nông sản Việt Nam, phát triển thị trường tiêu thụ; tổ chức hội chợ, giới thiệu sản phẩm, khảo sát thị trường, tìm đường đi cho nông sản xuất khẩu; đặc biệt khi tham gia đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại luôn quan tâm đến việc mở rộng thị trường, ưu đãi đặc biệt cho sản phẩm nông sản xuất khẩu.

Ông Hoàng Thật (dân tộc Nùng, cán bộ hưu trí ở số nhà 47, ngõ Kéo Tào, đường Mỹ Sơn, phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn) chia sẻ: Hiện nay do quy hoạch sản xuất nông nghiệp có nhiều thay đổi nên người nông dân vẫn luôn đối mặt với tình trạng “được mùa, mất giá”, không xuất khẩu được nông sản. Nước ta hiện có đến 70% dân số là nông dân nên các cấp, các ngành cần quan tâm nhiều hơn nữa đến sản xuất nông nghiệp. Các ngành chức năng cần quan tâm, tạo điều kiện thường xuyên đưa hàng Việt Nam đến với người tiêu dùng và thực hiện tốt công tác kiểm soát hàng lậu, hàng giả, hàng gian lận thương mại…

Đánh giá cao chất lượng phiên chất vấn, đặc biệt phần trả lời của Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng, Luật sư Đỗ Pháp (Đoàn Luật sư Đà Nẵng) chia sẻ: Tại phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội đã tóm tắt một cách rất đầy đủ và rõ ràng những vấn đề các đại biểu chất vấn và phần trả lời của các Bộ trưởng. Đây cũng là lần đầu tiên tại một phiên họp được truyền hình trực tiếp mà Chủ tịch Quốc hội sẵn sàng đưa ra những quyết định rất nhanh trong việc xử lý các vướng mắc mà các đại biểu nêu lên...



TTXVN/Tin tức