02:09 14/02/2012

Chuyện xóa nghèo trên “nóc nhà” của Đà Lạt

Mây bồng bềnh bay, len lỏi vào những ngôi nhà trên sườn núi, khiến tôi liên tưởng Xuân Trường – một xã thuộc TP Đà Lạt giống như một Tam Đảo (Vĩnh Phúc) thu nhỏ.

Mây bồng bềnh bay, len lỏi vào những ngôi nhà trên sườn núi, khiến tôi liên tưởng Xuân Trường – một xã thuộc TP Đà Lạt giống như một Tam Đảo (Vĩnh Phúc) thu nhỏ. Chỉ có điểm khác là nếu người dân Tam Đảo chọn su su làm thương hiệu nông sản thì Xuân Trường lấy cây cà phê làm “cây thoát nghèo”.

Có một Tam Đảo trong lòng Đà Lạt

Bên ấm trà nóng trong cái lạnh đặc trưng của xứ hoa Đà Lạt, ông Huỳnh Thanh Lân, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) chi nhánh Lâm Đồng say sưa kể cho chúng tôi chuyện vốn tín dụng ưu đãi về cơ sở thế nào. Và rồi chúng tôi được biết một địa danh hấp dẫn là Xuân Trường – xã Anh hùng LLVT, được chọn thí điểm chương trình xây dựng nông thôn mới.

Người dân xem thông tin về vốn vay niêm yết công khai tại UBND xã Xuân Trường.


Từ Đà Lạt, chúng tôi tiếp tục leo dốc ngoằn nghèo theo một con đèo khoảng gần 20 km thì đến xã Xuân Trường. Nhìn từ xa, thấp thoáng những mái nhà trải dài từ lưng chừng lên trên đỉnh núi, Xuân Trường giống như một Tam Đảo thu nhỏ của Vĩnh Phúc. Anh hùng trong kháng chiến chống Mỹ, ngày nay, người dân Xuân Trường cần cù, sáng tạo trong lao động, sản xuất. Đến Xuân Trường vào dịp thu hoạch cà phê – cây trồng chính, “cây thoát nghèo” nên gặp được người nào ở nhà cũng hiếm hoi.

Người Xuân Trường tự hào vì được trời phú cho đất đai màu mỡ, khí hậu thuận lợi để trồng cà phê. Nếu như Đà Lạt có độ cao trung bình 1.500 m so với mặt nước biển thì Xuân Trường có độ cao khoảng 1.600 m. Thường thì Xuân Trường thấp hơn Đà Lạt từ 1 – 2 độ C. Người dân Xuân Trường chọn hai loại giống cà phê Moka và Catimo (thuộc họ Arabica) để trồng vì chúng rất hợp với đất ẩm, chỉ cần làm cỏ, bón phân mà không tốn chi phí bơm nước. Gần đây giống Catimo cho năng suất tốt hơn nên người dân đang chuyển dần sang loại này với sản lượng trung bình 15 tấn/ha. Bà Nguyễn Thị Thu Trúc, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Trường cho biết, nhờ lợi thế “được mùa lại được giá” của cà phê trong 2 năm qua, nên thu nhập bình quân đầu người của người dân đã đạt 20 triệu đồng/người/năm. Diện tích cà phê của Xuân Trường hiện đạt khoảng 230 ha, doanh thu năm vừa rồi xấp xỉ 50 tỷ đồng.

Đồng vốn “nghĩa tình”

Xuân Trường đã “thay da đổi thịt” song những ký ức thăng trầm của người nông dân với cây cà phê thì vẫn chưa ai quên. Người Xuân Trường không quên chuyện “ngân hàng cứu cà phê” thời điểm năm 2008. Khi ấy do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, cà phê rớt giá thê thảm, ngược lại giá phân bón tăng mạnh.
 
Không có vốn, cộng thêm suy nghĩ thiếu lạc quan cho rằng đang đầu tư vào lĩnh vực không sinh lời, nhiều hộ trồng cà phê đứng ngồi không yên. “Chẳng lẽ lại bỏ đất, bỏ cây” - ông Nguyễn Thanh Hùng, thôn Trung Xuân nhớ lại. Đúng lúc đó, nguồn vốn NHCSXH được chuyển về Xuân Trường, hộ ít thì vay 10 triệu đồng, hộ nhiều thì 20 – 30 triệu đồng. Đồng vốn “nghĩa tình” đó đã tiếp sức cho người dân vượt qua khó khăn, để rồi có thành quả như ngày nay. Ông Triệu Bảo Linh, một người Hoa thuộc diện hộ nghèo được vay 20 triệu đồng trồng cây cà phê tâm sự: “Với số tiền vay của NHCSXH, tôi đã mua giống cà phê và phân bón để trồng 1,5 ha cà phê. Năm 2010, vườn cà phê của tôi đã thu 20 tấn bán được 200 triệu đồng, trừ các chi phí thuê nhân công chăm sóc, thu lãi khoảng 150 triệu đồng”. Gia đình ông Linh tự hào khi trở thành một trong những hộ thoát nghèo từ trồng cà phê. Bà Nguyễn Thị Thu Trúc cho biết, Xuân Trường có 1.860 hộ, khoảng 6.280 nhân khẩu, năm 2011, xã đã có 6 hộ thoát nghèo, chỉ còn 24 hộ chưa thể thoát nghèo, chủ yếu là những hộ neo đơn.

Niềm vui của người dân Xuân Trường ngày càng được nhân lên khi có gần 100% hộ gia đình được sử dụng nước sạch. Nâng niu cuốn sổ vay vốn của NHCSXH, bà Nguyễn Thị Nhứt, thôn Trường Xuân I tâm sự: Năm 2007, bà được vay 4 triệu đồng để lắp đặt hệ thống nước sạch, đến nay bà đã trả hết nợ. Hiện bà Nhứt vẫn đang vay 10 triệu đồng của chương trình cho vay sản xuất kinh doanh vùng khó khăn để chăm sóc cây cà phê. Với 5 sào cà phê, năm 2010 thu được 3 tấn, năm 2011 thu hoạch được 5 tấn. “Nhà chỉ hai mẹ con nên đủ ăn Tết hơn năm trước” – bà Nhứt khoe.

Trong 19 tiêu chí của nông thôn mới, Xuân Trường đã đạt được 14 tiêu chí, trong đó, tiêu chí về sử dụng nước sạch có sự đóng góp lớn từ nguồn vốn của NHCSXH. Một số tiêu chí như lao động, chợ, học nghề... xã phấn đấu đạt được vào năm 2015. Rời Xuân Trường lúc buổi chiều tà, qua những cánh rừng thông vi vu, chúng tôi trao đổi với nhau, Xuân Trường có nhiều tiềm năng trở thành điểm du lịch sinh thái mới của xứ sở mộng mơ.

Bài và ảnh: Quang Cảnh