03:08 23/03/2013

Chuyến xe tình yêu

Bạn đọc có thể tò mò hỏi: Câu chuyện trong bài thơ là thực hay hư cấu. Xin thưa đó là chuyện thực 100% của đôi vợ chồng Chu Thế Vinh và Hà Thị Trực - (bút danh Chu Hà) đang định cư tại Ekaterinburg, Cộng hòa Liên bang Nga.

Chuyện chúng mình

Đón dâu chỉ có mình anh

Xe đạp cọc cạch mà thành xe hoa

Anh đèo em đường thì xa

Rơm rạ sỏi đá ổ gà ngại chi

Yêu anh em chẳng quản gì

Theo anh, em một mình đi lấy chồng!

Họ nhà gái bên này sông

Nhà trai bên ấy đang trông đợi mình

Chuyến đò nên nghĩa nên tình

Chở mình năm ấy để mình thành đôi

Con sông bên lở bên bồi

Khi trong khi đục vẫn đời của sông

Đừng vì nghèo khó nản lòng

Đã chung dòng chảy thề cùng chung lo

Chịu thương chịu khó, trời cho

Nắng mưa chẳng quản, cơm no, áo lành

Mỉm cười em ngưỡng vọng anh

Đón dâu như thể chúng mình, mấy ai!

Chu Hà

Ekaterinburg 1/6/2011

Đôi dòng cảm nhận:


Bài thơ đưa người đọc đến một tình huống bất ngờ:


“Đón dâu chỉ có mình anh”


Đón dâu, sao lại chỉ “có mình anh” trong khi đây là một ngày vô cùng hệ trọng của cuộc đời người con gái và thường là có đại diện của hai họ đưa đón, còn cô dâu bao giờ cũng mơ ước được đón bằng “xe hoa” để bước chân về nhà chồng, khởi đầu cho cuộc sống gia đình? Cách đặt vấn đề tạo ra một sự tò mò cho người đọc với bao câu hỏi: Tại sao… và tại sao?

Minh họa: Trần Thắng.


Rồi thật ngỡ ngàng khi chứng kiến cảnh: “Xe đạp cọc cạch mà thành xe hoa”. Chắc chắn cô dâu và chú rể đang trong một hoàn cảnh đặc biệt nên đón dâu chỉ có một mình chú rể và nhà gái đưa dâu cũng chỉ có mình cô dâu. Thật thú vị và thật đáng khâm phục khi cô dâu theo tiếng gọi của con tim nên: “Theo anh, em một mình đi lấy chồng!”, bởi cả hai đều hiểu rằng điều quan trọng hơn chuyến xe hoa sang trọng là hai tâm hồn đồng điệu, gắn kết với nhau và cũng chính vì thế mà hai gia đình cũng cảm thông với hai vợ chồng trẻ, bỏ qua những nghi lễ thông thường. Con đường cụ thể xa xôi kia cùng những: “Rơm rạ sỏi đá ổ gà” vừa rất thực vừa như một ẩn dụ về những gập ghềnh trên con đường tình. Bởi vậy “con sông” đời kia đâu có thể ngăn cách đôi trái tim yêu, chuyến đò tình nghĩa đã xe duyên cho đôi người yêu nhau: “Chuyến đò nên nghĩa nên tình/ Chở mình năm ấy để mình thành đôi”, dẫu: “Con sông bên lở bên bồi”, “khi trong khi đục” trong qui luật của tạo hóa nhưng đôi người yêu nhau đã hiểu những khó khăn trên đường đời nên luôn nhủ lòng: “Đừng vì nghèo khó nản lòng/ Đã chung dòng chảy thề cùng chung lo”, cái đức của người Việt tự bao đời được diễn đạt một cách rất tự nhiên. Đọc đến đây, ta chợt liên tưởng tới câu ca của dân gian đúc kết tự bao đời: “Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn”.


Bài thơ khép lại bằng lời biết ơn chân thành của người vợ yêu quí sau mấy chục năm chung tay vượt mọi khó khăn, nguy hiểm, xây dựng một ngôi nhà mơ ước: “Mỉm cười em ngưỡng vọng anh”. Chàng trai trong bài thơ thật là hạnh phúc khi được người mình yêu “ngưỡng vọng”, sự “ngưỡng vọng” ấy không phải chỉ là cuộc đón dâu có một không hai, mà hơn thế chàng trai thực sự là một đấng nam nhi chân chính, rất mực yêu thương vợ, chung lưng đấu cật vượt mọi khó khăn chèo lái con thuyền tình vượt thác ghềnh cập bến bờ hạnh phúc! Bài thơ giản dị, chân thực nhưng mở ra một không gian không giới hạn của tình yêu chân chính. Thế mới biết, không phải cứ xe hoa sang trọng, lễ bê năm quả hay bảy quả hoành tráng, tiệc cưới đắt tiền trong nhà hàng, khách sạn mới làm nên hạnh phúc lứa đôi mà điều chính yếu là trái tim yêu thương chân thành thủy chung biết sẻ chia, biết chịu đựng hy sinh… Bài thơ được viết theo thể lục bát khá nhuần nhuyễn, đặc biệt lại tự bạch về chính cuộc đời mình nên tự nhiên như hơi thở, chuyển tải được những ý tưởng sâu sắc. Câu chuyện tình như trong cổ tích thực sự hiện hữu trên đời làm cho ta tin: Khi đã có tình yêu sắt son chung thủy, sẽ có tất cả. Chuyến xe tình yêu đơn sơ hôm nào đã đưa anh chị cùng các con cập bến bờ hạnh phúc!


Bài thơ được viết năm 2011, sau 23 năm chung sống người vợ đã viết bài thơ này khi mà những thử thách khốc liệt của số phận và nghị lực phi thường giúp anh chị đứng vững trên đường đời. Người vợ đã thốt lên tự đáy lòng lời tri ân người chồng yêu kính của mình: “Mỉm cười em ngưỡng vọng anh”. Câu thơ tưởng giản đơn này là món quà tình yêu vô giá mà người chồng được tặng nhưng cũng đồng thời người vợ được nhận, nên niềm vui, niềm hạnh phúc nhân đôi, báu vật tình yêu này không phải đôi vợ chồng nào cũng có được trên hành trình nhân thế đầy gian khó thử thách. Chính tình yêu và nghị lực vô bờ của anh chị đã vun trồng cho hạnh phúc đơm hoa kết trái, bởi một gia đình hạnh phúc chính là nền tảng quan trọng để những đứa con lớn lên trong yêu thương và thành đạt trong cuộc đời.


Khúc vĩ thanh:


Bạn đọc có thể tò mò hỏi: Câu chuyện trong bài thơ là thực hay hư cấu. Xin thưa đó là chuyện thực 100% của đôi vợ chồng Chu Thế Vinh và Hà Thị Trực - (bút danh Chu Hà) đang định cư tại Ekaterinburg, Cộng hòa Liên bang Nga. Đám cưới của anh chị tổ chức cuối thời kì bao cấp, cuộc sống còn vô cùng khó khăn. Anh chị lấy nhau năm 1988, anh là người Hưng Hà, Thái Bình, còn chị quê Ý Yên, Nam Định, từ quê "cô dâu" đến quê "chú rể" chỉ có cách duy nhất gần là qua sông Hồng tại bến đò Phú Hậu. Hai quê cách nhau khoảng gần 70 km đường bộ. Bố mẹ hai bên đã già yếu, đều là nhà nông thuần phác, quanh năm chỉ làm bạn với cây lúa nên rất nghèo. Nhà trai mổ lợn chờ đón dâu về, nhà gái vì xa xôi không tiễn được dâu nên một mình chú rể đón cô dâu trên chiếc xe đạp “cọc cạch”, mà lúc đó ngay cả xe đạp không phải nhà nào cũng có để đi đón dâu cùng.


Anh chị được coi là: “Niềm tự hào của cộng đồng người Việt” tại Ekaterinburg. Anh chị đã từng lao động nhọc nhằn, tích cóp được chút vốn liếng, tưởng chừng số phận đã mỉm cười nhưng lại bị cướp sạch. Những tưởng cảnh khốn quẫn ấy sẽ dìm đắm con thuyền đời của gia đình bé nhỏ, nhưng không, anh chị không chỉ vượt lên tất cả mà còn tổ chức được một cuộc sống hạnh phúc, hơn thế hai con của anh chị đều được nuôi dạy chu đáo thành tài. Cháu Chu Ngọc Minh, con lớn của anh chị đã tốt nghiệp thạc sĩ ở Anh quốc. Còn con gái út của anh chị: Chu Dạ Thảo sinh 1995, hiện là học sinh của Trường PTTH (Gimnazia) số 2 - thành phố Ekaterinburg. Thảo không chỉ học giỏi các môn mà còn là một tài năng hội họa đã đạt nhiều giải thưởng cao. Thành tích học tập của hai cháu Minh - Thảo không phải ngẫu nhiên. Bố mẹ hai cháu - anh Vinh và chị Trực đều là những trí thức, từng là sinh viên giỏi của hai khoa Sử và Văn tại Đại học Tổng hợp Hà Nội, được chọn sang Nga học tiếp Đại học tại Kadan, về nước anh đã từng công tác ở Viện Mác - Lê Hà Nội, chị từng giảng dạy ở Đại học Pháp lý Hà Nội - (nay là Đại học Luật Hà Nội).


Trần Vân Hạc