05:00 14/05/2021

Chuyện vui: Nỗi oan của những cái ô

Nói đến sự oan uổng người ta kể đến Thị Kính, trong vở chèo cổ “Quan Âm Thị Kính”. Tuy nhiên ở đời còn có người còn oan uổng cũng chẳng kém gì. Đó là nỗi oan của dòng họ nhà Ô. Oan tới mức, họ nhà Ô phải tổ chức một hội nghị để cùng nhau kêu lên tiếng oan uổng của dòng họ.

Chú thích ảnh

Bác Ô đen vẻ quý phái bước lên diễn đàn. Bằng giọng nói chắc nịch, kiên quyết, bác Ô đen đưa ra nhiều bằng chứng phản ánh một sự vụ điển hình như sau: Cấp nhỏ (dù vô tình hay cố ý) đã làm “bậy”, làm sai, nhưng lại được các cấp nhơ nhỡ đỡ cho. Đến lượt các cấp nhơ nhỡ làm sai, làm bậy, thì đã các cấp nhỉnh nhỉnh hơn che chắn hộ. Khi các cấp nhinh nhỉnh kia làm bậy, làm sai, đến lượt các cấp to hơn xòe tay bao bọc.

Cuối cùng bác Ô đen vừa tâm tình, vừa ai oán:

- Ô, Dù chúng ta sinh ra là để trời nắng che nắng, trời mưa che mưa, trời vừa vừa làm đồ trang điểm cho thiếu nữ. Nói chung chúng ta có ích, vậy mà con người lại mang tên chúng ta ví với một thế lực đủ quyền hành, xong lại xử sự một cách tiêu cực là đi bao che cho những kẻ dưới quyền làm bậy, làm sai. Quả là oan uổng cho họ Ô chúng ta.

Tiếp theo, một anh Ô đẹp trai, khỏe mạnh bước lên cầm lấy micro từ tay bác Ô đen. Anh Ô đẹp trai đề cập đến vấn đề thất thoát tài sản nhà nước. Đến phần kết luận, anh hùng hồ:

- Nghe bác Ô đen nói, tuy chúng ta có tức, có ức, xong theo tôi ta còn được cái tiếng làm bề trên. Đằng này có nhiều kẻ đã lợi dụng chức vụ quyền hành lấy của nhà nước bạc triệu, bạc tỉ, đáng lý ra cứ gọi toẹt ra là “Ăn cắp”, nhưng rồi họ cố tình ngoặc tên chúng ta vào để gọi là kẻ “Tham Ô”, Trời ơi! Họ Ô chúng ta, chỉ tham nắng, tham mưa chứ tham gì tiền triệu, tiền tỉ cơ chứ.

Tiếng ồn ào nổi dậy. Ai cũng lấy làm khó chịu với việc con người ngoặc cái dòng họ Ô vào việc ăn cắp. Sau đó, chị Ô hoa duyên dáng, nền nã bước lên diễn đàn, dịu dàng phát biểu:

- Ngoài chức năng che nắng che mưa, Ô còn thể hiện cái đẹp, như làm duyên dáng, làm thành các điệu múa ô trên sân khấu… Nói đến cái đẹp, ta liên tưởng đến sự thanh tao, tinh khiết, trong sạch. Đau lòng thay khi con người ngày nay tự hủy hoại môi trường sống, vấy bẩn lên cảnh quan thiên tạo. Vậy mà họ lấy tên dòng họ chúng ta đặt vào sự việc vô ý thức. Họ trễ mồm ra : “Ô nhiễm môi trường” tại sao họ không gọi là “ Người nhiễm môi trường!”

Chị Ô hoa vừa dứt lời, lập tức nhiều đại biểu đã hăng hái bước lên. Một bà Ô to béo nói:

- Có nhiều nỗi oan uổng cần đưa ra, ở đây tôi chỉ xin lấy một ví dụ nhỏ; Khi con người đánh mất đi sự trong sáng của ngôn ngữ, cũng như sự trong sạch của hạnh kiểm, thì người ta gọi hiện tượng đó là “Ô uế thanh danh”. Tại sao cứ phải có chữ Ô ở đó. Vô lý! Thậm vô lý! Oan uổng! Thậm oan uổng!

Anh Ô gầy tiếp lời luôn:

- Một mớ hỗn hợp những con người chẳng ai làm chủ, chẳng ai làm quân, vô kỷ luật, vô chính phủ… đó là sai phạm trầm trọng của chính con người, sao lại gọi là “Ô hợp”?

Một cụ Ô già vừa ho “sù sụ” vừa phát biểu:

- Hình như con người cứ thích ngoặc dòng họ Ô chúng ta vào để làm trò tiêu khiển vậy. Nào là “Ô trọc”, nào “Ô uế” nào là… Các vị ngẫm mà xem, cứ có cái “Ô” là y rằng sự việc đó, hiện tượng đó là biểu trưng của cái xấu rồi. Tức, tức lắm cơ!

Liên tiếp có rất nhiều ý kiến, bài tham luận, phát biểu quan trọng, nóng bỏng, gay cấn. Hội nghị có lúc căng như dây đàn. Đã có nhiều chị, nhiều cô, vì tủi thân hoặc quá xúc động mà nước mắt lưng tròng.

Cứ ngỡ hội nghị sẽ trượt theo con đường căng thẳng, thì may, anh chàng Ô nghệ sĩ đã làm dịu hội nghị lại bằng một phát biểu rất chi vui vẻ:

- Thưa các vị, tuy nhiên tên của chúng ta cũng đã được con người sử dụng vào cho một món ăn ưa thích của trẻ nhỏ đó là “Ô mai”, hay một trò chơi dân gian là “Chơi Ô ăn quan” và đặc biệt, họ chúng ta được vận dụng vào một vật có ích trong việc điều tiết, chỉnh đốn, sắp xếp lại dân số, cũng như đề phòng căn bệnh “Ết” cực kỳ nguy hiểm, đó chính là: Bao cao su “Ô kê”!

Hội nghị vỗ tay như sấm dậy.

Đức Hậu