03:08 17/03/2023

Chuyện về clip view 'khủng' đầu tiên của báo Tin tức

Vào năm 2012, cái thời chúng tôi lơ ngơ, tập tành chuyển từ làm báo giấy sang làm trang thông tin điện tử (nay là báo điện tử Tin tức - baotintuc.vn), việc làm được một clip “hút” tới trên 100.000 view sau một ngày đêm ra mắt thì quả thật là thành tựu quá đỗi bất ngờ.

Chú thích ảnh
Nguyễn Phong Anh (ngoài cùng, bên phải) cùng với các đồng nghiệp báo Tin tức năm 2012.

Bây giờ, để làm được tin, bài, chùm ảnh hay video clip có hàng chục nghìn hay hàng trăm nghìn view không phải là chuyện khó đối với các đồng nghiệp báo Tin tức. Nhưng vào năm 2012, cái thời chúng tôi lơ ngơ, tập tành chuyển từ làm báo giấy sang làm trang thông tin điện tử (nay là báo điện tử Tin tức - baotintuc.vn), việc làm được một clip “hút” tới trên 100.000 view sau một ngày đêm ra mắt thì quả thật là thành tựu quá đỗi bất ngờ. Tác giả của video clip xuất sắc đó là phóng viên Nguyễn Phong Anh, Á khoa đầu vào K25 - TTXVN, hiện là Giám đốc sáng tạo của Monkey Media.

Sau khi trúng tuyển kỳ thi tuyển dụng của TTXVN năm 2011, Nguyễn Phong Anh và 2 phóng viên trẻ nữa là Phan Thu Phương, Nguyễn Quỳnh Như trở thành phóng viên báo Tin tức và gắn bó với team làm trang thông tin điện tử chúng tôi.

Nhóm này thuộc Phòng Cuối tuần, ban đầu chỉ có phóng viên Kiều Trinh (hiện làm việc tại báo Thanh niên) và tôi. Công việc của nhóm chủ yếu là khai thác thông tin nguồn (chủ yếu là thông tin văn bản và ảnh) của TTXVN, biên tập, rút tít lại sao cho “hút view” rồi đăng lên trang thông tin điện tử của báo Tin tức.

Việc chuyển từ làm báo giấy sang cách làm của báo điện tử khiến chúng tôi bối rối vô cùng trong xử lý tin, bài, chùm ảnh, video clip. Chúng tôi chủ yếu dùng kinh nghiệm làm báo giấy để “áp” vào nên không tránh khỏi cách rút tít, cách biên tập mang hơi hướng cứng nhắc. Đã thế, công việc xử lý thông tin cho báo điện tử yêu cầu phóng viên, biên tập viên phải có kiến thức nhất định về xử lý ảnh, chùm ảnh, video clip; nhưng đây lại là điều mà nhiều phóng viên, biên tập viên cũ như chúng tôi chưa được trang bị đầy đủ. Bởi vậy, khi nhóm được bổ sung những gương mặt mới, chúng tôi vô cùng háo hức và hy vọng. Và không để chúng tôi phải chờ đợi lâu, Nguyễn Phong Anh đã có một tác phẩm xuất sắc mang đậm dấu ấn cá nhân của một phóng viên trẻ trung, năng động, am hiểu về công nghệ. Phong Anh đã cập nhật thông tin về một sự kiện thời sự ở lĩnh vực giao thông dưới góc nhìn vô cùng hài hước và cuốn hút.

Xem video clip:

Sau này, có lần gặp lại, tôi hỏi về ý tưởng để cho ra đời clip này, Phong Anh kể: Khoảng cuối tháng 4/2012, Hà Nội khánh thành cầu vượt tại nút giao thông Chùa Bộc - Thái Hà (Hà Nội), Phong Anh ra làm tin, chụp ảnh rồi trở lại cơ quan. Khi đó, chú Bá Sửu, một phóng viên kỳ cựu của báo Tin tức, nói với Phong Anh rằng, nếu chỉ đưa tin, chụp ảnh về sự kiện đó thôi thì chưa đủ; mà phóng viên cần tiếp tục theo dõi, cập nhật thông tin về tình hình giao thông tại khu vực đó như thế nào, cây cầu vượt có giúp giảm ùn tắc tại địa bàn đó không.

Nghe lời chú Bá Sửu, cậu phóng viên trẻ lại vác máy lên vai, phóng xe ra khu vực này chụp và chụp. Hết chụp dưới đường, Phong Anh vòng lên cầu vượt chụp xuống. Thấy cậu phóng viên trẻ say mê tác nghiệp, người đi bộ xán lại gần hỏi: Máy này có quay được không? Phong Anh bật chế độ quay. Lúc đó, cậu chỉ biết quay thôi, chứ trong đầu chưa biết quay để làm gì.

Tối về nhà, đổ cả đống ảnh và clip lên máy tính để xem. Xem đi, xem lại, rồi những hình ảnh người điều khiển xe máy, xe đạp, người đi bộ đi ngược chiều dòng người chen chúc, lạng lách, tạt đầu xe “gợi mở” cho cậu phóng viên trẻ về ý tưởng xây dựng một clip phản ánh hành vi vi phạm luật giao thông. Vốn là người yêu thích môn túc cầu, Phong Anh khéo léo đan cài hình ảnh đó trên nền câu bình mang đậm “phong cách” của bình luận viên bóng đá. Thú vị hơn, clip còn trích dẫn khổ đầu tiên của bài thơ “Một chiều ngược gió” của nhà thơ Bùi Sim Sim để bình về hành vi chưa đẹp của các “bóng hồng” khi tham gia giao thông.

Chú thích ảnh
Nguyễn Phong Anh tại studio.

Thời gian xử lý “hậu kỳ” clip này chỉ mất chưa đến 3 tiếng đồng hồ; nhưng cậu phóng viên trẻ trằn trọc cả đêm hôm đó để đặt câu hỏi: “Có nên trình sếp (Tổng biên tập Lê Duy Truyền) duyệt không?”; câu trả lời lúc là “Có”, sau lại “Không”. Bởi Phong Anh nghĩ, clip bình luận giao thông có phần hài hước này của mình có vẻ như không thích hợp để đăng trên tờ báo mang nặng màu sắc báo chí chính luận như Tin tức. Thế nhưng, cậu phóng viên trẻ lại phản biện lại chính mình, clip có tính định hướng rất cao, thông qua việc chứng kiến những hành vi vi phạm giao thông - được phê phán một cách nhẹ nhàng với lời bình hóm hỉnh - người đọc, người xem sẽ tự rút ra bài học cho chính mình.

Nhận định về hiệu quả thông tin của clip như vậy nên sáng hôm sau, việc đầu tiên khi đến tòa soạn, Phong Anh mang clip đi thẳng vào phòng Tổng biên tập Lê Duy Truyền trình bày và… hồi hộp chờ đợi. Quá bất ngờ! Sếp đồng ý cho đăng phát luôn (bằng cách dẫn đường link tới Youtube cá nhân). Và chỉ sau một ngày đêm, clip này đã đạt trên 100.000 lượt view. Sau đó, vì một số lý do về kỹ thuật, Phong Anh đã gỡ clip đó khỏi tài khoản Youtube cá nhân.

Chú thích ảnh
Nguyễn Phong Anh tại cuộc tọa đàm “Tác động của AI chatbot đến giáo dục đại học” do Học viện Chính sách và Phát triển (Bộ Kế hoạch - Đầu tư) tổ chức ngày 27/2/2023.

Làm việc tại báo Tin tức một thời gian, Phong Anh xin nghỉ việc để mở công ty về truyền thông. Hiện nay, ngoài việc điều hành công ty, Phong Anh tham gia giảng dạy tại một số trường đại học về lĩnh vực truyền thông, báo chí. Có thể nói, clip bình luận giao thông hài hước năm nào là động lực “dẫn dắt” Phong Anh đi tiếp và gắn bó với lĩnh vực truyền thông.

Huyền Tím