06:10 03/06/2020

Chuyện về anh Khải tự nguyện vá đường

Gần 10 năm qua, mỗi tuần anh Phạm Hoàng Khải (ấp 17, xã Vĩnh Bình, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu) đều đặn dành ra hai ngày để làm việc thiện như: vá đường, sửa cầu... đảm bảo an toàn cho người dân khi đi lại.

Chú thích ảnh
Anh Phạm Hoàng Khải dặm vá đường. Ảnh: Huỳnh Sử/TTXVN

Dù vẫn đi thuê nhưng anh Phạm Hoàng Khải đã tự bỏ tiền, công sức, vận động người dân… thực hiện công việc vá đường, sửa chữa cầu giao thông mỗi khi phát hiện có chỗ hư hỏng.  

Anh Khải sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, đông con ở xã Minh Diệu, huyện Hòa Bình. Thấu hiểu sự vất vả của cha mẹ, ngay từ nhỏ, anh luôn chăm chỉ siêng năng lao động để vươn lên trong cuộc sống. Lớn lên lập gia đình, anh được cha mẹ vợ cho miếng đất nhỏ ở ấp 17, xã Vĩnh Bình cất nhà ở riêng. Hàng ngày, vợ anh đi dạy học còn anh làm thợ hồ. Nhờ cần cù chịu khó, vợ chồng anh đã tích lũy cất được căn nhà kiên cố, mua được 0,6 ha đất canh tác.

Đến năm 2012, những lần trên đường đi làm về, anh chứng kiến nhiều vụ tai nạn giao thông đau lòng mà nguyên nhân xuất phát từ đường xá hư hỏng, những ổ gà, ổ voi có thể gây ra tai nạn nặng. Từ đó, anh nảy ra ý định đi vá đường từ thiện.

Những ngày vá đường đầu tiên, anh xin vật liệu xây dựng còn thừa ở những nơi đi làm thuê, cộng với ít tiền cá nhân mua thêm xi măng, cát, đá. Từ đó, hễ ở đâu xuất hiện “ổ gà, ổ voi” là có mặt anh Khải bất kể nắng mưa, sớm tối. Có hôm, anh Khải đi vá đường từ sáng sớm đến tốt mịt mới về. Những người đồng cảm đã giúp anh trộn hồ hoặc lấy nước cho anh nước uống, có người góp tiền, vật liệu xây dựng…

Anh Khải bắt đầu một ngày vá đường từ thiện với các dụng cụ của thợ hồ như giầy bảo hộ lao động, găng tay, dao. Khay cơm với những món ăn chay thanh đạm đã được anh dậy từ rất sớm chuẩn bị. Hành trang ấy đã theo anh suốt gần 10 năm qua mỗi khi phát hiện tuyến đường, cây cầu nào trên địa bàn hư hỏng cần sửa chữa. Hầu hết các tuyến đường liên ấp, liên xã trong huyện điều có bàn tay, công sức của anh sửa chữa những hư hỏng.

Anh Khải cho biết, nếu đường hư hỏng, khắc phục kịp thời sẽ hạn chế được tai nạn giao thông, có thể cứu được mạng những người không may sụp “ổ gà, ổ voi” dẫn tai nạn giao thông nghiêm trọng.

Theo anh Khải, từ khi có nhận thức đầy đủ, anh luôn ghi nhớ lời Bác dạy làm những gì “ích nước, lợi dân” và phải luôn “tận trung báo quốc, tận hiếu với dân”. Anh Khải cho biết, khi làm được một việc gì có ích cho xã hội là bản thân cảm thấy vui, thấy mình góp phần chia sẻ khó khăn vì cái chung, thực hiện truyền thống tốt đẹp “thương người như thể thương thân” của dân tộc Việt Nam.

Hành động đẹp của anh Phạm Hoàng Khải đã tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, được nhiều người ủng hộ, khen ngợi, cảm phục. Anh là điển hình tiêu biểu trong phong trào Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ở huyện Hòa Bình, đã được biểu dương, nhân rộng.

Anh Võ Minh Quân (Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp 18, xã Vĩnh Bình) chia sẻ, việc làm từ thiện của anh Khải rất ý nghĩa trong khi địa phương còn gặp không ít khó khăn, đường sá hư hỏng ngày một nhiều, nếu không được sửa chữa, khắc phục kịp thời sẽ gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. 

Ông Nguyễn Văn Nguyên, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Bình cho biết thêm, nhận thấy việc làm của anh Phạm Hoàng Khải có ý nghĩa cao đẹp, địa phương đã tạo điều kiện hỗ trợ anh thực hiện việc thiện này. Đồng thời, địa phương đã kết nối anh với các cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng nhằm hỗ trợ vật tư, tạo điều kiện cho anh làm công việc từ thiện này tốt hơn. Theo số liệu ghi nhận, từ năm 2012 đến nay, anh Khải đã vá trên 25.000 m đường, xây mới sửa chữa 22 cầu giao thông nông thôn, tổng giá trị lên đến hàng trăm triệu đồng.   

Với việc làm ý nghĩa, thiết thực đó, Ban Thường vụ Huyện ủy Hòa Bình đã tuyên dương anh là gương điển hình tiêu biểu trong phong trào “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, để mọi người học tập, nhân rộng, lan tỏa những điều tốt đẹp vì cộng đồng.

Huỳnh Sử - Nguyên Du (TTXVN)