Ngày 3/7, Đảng bộ Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội tổ chức Đại hội đại biểu nhiệm kỳ 2025-2030 với chủ đề “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc - Động lực phát triển đất nước trong Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Các đại biểu bỏ phiếu bầu Ban Chấp hành Đảng bộ Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, nhiệm kỳ 2025-2030. Ảnh: Tuyết Mai/TTXVN
Dự và chỉ đạo Đại hội có đồng chí Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội, cùng đại diện các sở, ngành, đơn vị trực thuộc.
Phát biểu khai mạc Đại hội, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Bạch Liên Hương nhấn mạnh Đại hội sẽ tổng kết những bài học kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ, từ đó đề ra mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện của Đảng bộ trong nhiệm kỳ tới.
Báo cáo chính trị tại Đại hội nêu rõ, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa luôn được Sở chú trọng. Hà Nội tiếp tục là địa phương có số lượng di tích lớn nhất cả nước, với 6.489 di tích đã được kiểm kê. Thành phố đã ban hành Nghị quyết đầu tư công với tổng cộng 579 dự án tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích, tổng kinh phí gần 14.030 tỷ đồng.
Nhiều điểm di tích tiêu biểu được nâng cao chất lượng hoạt động, đẩy mạnh truyền thông và sáng tạo sản phẩm du lịch văn hóa, như các chương trình trải nghiệm đêm tại di tích Nhà tù Hỏa Lò, chương trình tinh hoa đạo học tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám và chương trình “Ngọc Sơn – đêm huyền bí” tại đền Ngọc Sơn. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tiếp tục lan tỏa sâu rộng, gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, gia đình văn hóa, thôn - tổ dân phố văn hóa. Hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở được đầu tư củng cố với 5.266 thiết chế, công trình văn hóa, thể thao các cấp.
Trung bình mỗi năm, Sở tổ chức từ 7 – 10 liên hoan, hội thi nghệ thuật quần chúng, các nhà hát thuộc thành phố dàn dựng 18 vở diễn mới, tổ chức trên 3.000 buổi biểu diễn. Nhiều sự kiện quy mô lớn, có uy tín được duy trì như: Giọng hát hay Hà Nội, Liên hoan sân khấu Thủ đô, Liên hoan Xiếc quốc tế, Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội…
Trong lĩnh vực thể thao, Hà Nội tiếp tục khẳng định vị thế là đơn vị dẫn đầu cả nước về thể thao thành tích cao. Tại SEA Games 31, Đoàn Thể thao Hà Nội giành 151 huy chương các loại, chiếm hơn 30% tổng số huy chương của đoàn Thể thao Việt Nam. Thể dục thể thao quần chúng cũng được quan tâm, góp phần nâng cao sức khỏe cộng đồng.
Trong nhiệm kỳ tới, ngành Văn hóa và Thể thao Hà Nội tiếp tục phát huy cao độ những giá trị văn hóa, sức mạnh, tinh thần cống hiến, tạo nguồn lực nội sinh và động lực đột phá để thực hiện thành công mục tiêu xây dựng Thủ đô Hà Nội là thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân; nâng cao thể lực, tầm vóc của các tầng lớp nhân dân…
Phát biểu chỉ đạo Đại hội, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn đề nghị ngành Văn hóa và Thể thao Thủ đô cần chuyển từ tư duy “quản lý” sang tư duy “kiến tạo và đồng hành”, trong đó xác định văn hóa là nguồn lực phát triển bền vững, một mũi nhọn trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Ngành cần đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích các mô hình hợp tác công – tư, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp văn hóa sáng tạo phát triển. Ngành cần lưu ý việc tăng cường áp dụng công nghệ số, thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện trong lĩnh vực văn hóa – thể thao, đổi mới cách thức quản lý, mở rộng hợp tác quốc tế và tham gia vào các mạng lưới sáng tạo toàn cầu.
Tại Đại hội, các đại biểu đã đóng góp các ý kiến tâm huyết nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành Văn hóa và Thể thao trong nhiệm kỳ tới, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa Hà Nội trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa lớn của cả nước và khu vực.
Đại hội đã bầu 14 đồng chí có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín vào Ban Chấp hành Đảng bộ cơ quan Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội nhiệm kỳ 2025-2030.