06:08 14/06/2012

Chuyện quản trị ở một chung cư

Ở nơi ấy không có người thất nghiệp, không có thang máy hỏng, điện nước luôn ổn định. Trẻ em có quĩ khuyến học, người già có quĩ mừng thọ, người ốm đau có quà thăm hỏi.

Ở nơi ấy không có người thất nghiệp, không có thang máy hỏng, điện nước luôn ổn định. Trẻ em có quĩ khuyến học, người già có quĩ mừng thọ, người ốm đau có quà thăm hỏi. Cuối năm các hộ dân được chia tiền lợi tức. Họ chỉ đóng mức phí dịch vụ tượng trưng 20.000 đồng/tháng.

Năm 2005, những người dân ở Ngã Tư Sở, nơi bây giờ là chân cây cầu vượt khổng lồ, được tổ chức di dân tái định cư về nơi ở mới. Đó là một tòa nhà mới xây nhưng đã xập xệ ở vùng ven thành phố. Xung quanh khu nhà vẫn còn nhiều đồng không mông quạnh. Nơi buổi tối người dân ngại ra đường vì quá vắng và nhiều trộm cướp. Tòa nhà họ sống nằm dưới sự quản lý của Xí nghiệp Quản lý nhà Hà Nội, vốn là thành viên của Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội.

 

Tòa nhà 17 T10, Trung Hòa, Nhân Chính, Hà Nội.


Công ty này là chủ đầu tư xây nên tòa nhà và nghiễm nhiên nắm giữ dịch vụ quản lý nhà. Công việc chính của họ là lấy tiền dịch vụ của người dân và không giải quyết vấn đề gì cả. Đời sống của người dân vô cùng cực khổ, thiếu thốn trăm bề. Nhà mới xây nhưng thang máy đã hỏng. Môi trường thì ô nhiễm, rác thải không được dọn dẹp, cửa hố rác mở toang hoác, hành lang không được lau chùi, nước ăn bị nhiễm chất độc asen.


Người dân liền khiếu nại lên xí nghiệp quản lý, nhưng xí nghiệp chỉ ậm ừ mà không giải quyết gì cả.


Quá sức chịu đựng, người dân quyết định phải tìm con đường sống cho đàng hoàng. Họ bèn họp nhau lại để tìm ra người đại diện. Tìm mãi, tìm mãi… người dân cũng bầu được một ban quản trị lâm thời gồm những người tâm huyết nhất, hiểu biết nhất. Đứng đầu là một ông lão vóc dáng bệ vệ, nước da đỏ au, râu tóc bạc phơ, búi thành chỏm cao sau gáy. Ông lão tên là Trần Ngọc Sơn, xuất thân là một cán bộ kỹ thuật của Xí nghiệp May Thăng Long, năm đó cũng đã ngoài 60.


Họ quyết định phải tìm được sự giúp đỡ của chính quyền. Ban quản trị liền liên lạc với chính quyền sở tại rồi thành lập nên tổ dân phố. Thế là một số vấn đề chính sách cho người dân đã được giải quyết. Thế nhưng người dân của tòa nhà vẫn phải sống trong cảnh điện nước khó khăn, vệ sinh ô nhiễm, thang máy chập chờn. Ông Sơn suy nghĩ mãi mà vẫn chưa tìm ra cách nào giúp đỡ mọi người.


Đúng lúc đó, Ban quan trị tòa nhà gặp được Liên minh Hợp tác xã Việt Nam. Liên minh giới thiệu với họ Dự án hỗ trợ tư vấn thành lập hợp tác xã (HTX) quản lý nhà ở từ Vương quốc Thụy Điển. Có được mẫu dự án trong tay, lại được các chuyên gia Thụy Điển giúp đỡ, người dân liền lập ngay hợp tác xã của mình. Họ gọi đó là Hợp tác xã Thụy Điển. Mấy trăm di dân thoắt cái đã thành xã viên. Từ đó Tổ dân phố, Ban quản trị lâm thời và Hợp tác xã cùng nhau quản trị tòa nhà. Tổ dân phố thì quản trị về nhân sự, Ban quản trị thì quản lý toàn bộ của cải chung trong tòa nhà. Còn Hợp tác xã thì ngày ngày tìm cách làm kinh tế mang tiền về cho tòa nhà.


Trong tòa nhà có rất nhiều người thất nghiệp. Ông Sơn cùng mọi người liền xin giấy phép sử dụng vỉa hè bên hông tòa nhà làm thành một cái bãi đỗ xe. Ngay lập tức 10 người trai tráng có công ăn việc làm ổn định. Tiếp nữa, họ cùng nhau mở ra một cửa hàng căng tin bán các đồ tạp phẩm ở tầng 1. Tổ phụ nữ liền đứng ra quản lý, chị em liền có thêm việc làm.


Thang máy trong tòa nhà có nhiều người đi lại, Ban quản trị cho các công ty truyền thông thuê đặt biển quảng cáo. Thế là tòa nhà lại có thêm tiền. Cuộc sống ổn định, họ liền kí hợp đồng với ngân hàng, cho thuê chỗ đặt một cây ATM trước cửa tòa nhà. Khu phố thêm văn minh, người dân được hưởng lợi mà tòa nhà vẫn có nguồn thu. Kinh phí dồi dào, Ban quản trị đã có thể điều hành tòa nhà một cách êm thấm.


Họ cho mời công ty sản xuất thang máy đến, kí hợp đồng bảo dưỡng dài hạn. Vì thế, tuy thang máy của tòa nhà chất lượng kém nhưng hiếm khi bị hỏng hóc. Mỗi khi tháng máy hỏng đều có người nhanh chóng sửa chữa. Họ lại thuê hẳn một công ty vệ sinh, hằng ngày lau chùi cho cả tòa nhà sạch sẽ. Bóng điện hỏng được thay ngay, gạch hành lang hỏng chỉ một buổi là được lát lại. Từ đó về sau dân cư trong tòa nhà không đóng tiền cho Xí nghiệp Quản lý nhà Hà Nội nữa.


Chuyện đến tai Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội. Công ty liền đến yêu cầu Ban quản trị chấm dứt hoạt động.


Người dân không đồng ý, kiên quyết không đóng tiền cho Công ty. Hai bên liền kéo nhau lên chính quyền phân xử. Ai cũng có cái lý của mình, mỗi người một ý, không ai chịu ai. Chính quyền cũng chưa biết xử ra sao vì chưa có chỉ đạo của thành phố.


Thế là hai bên lại kéo nhau về. Từ đó về sau người dân không phải đóng tiền cho công ty nữa. Thế nhưng công ty cũng kiên quyết không trả tầng hầm và tầng 1 lại cho người dân. Nếu có được hai tầng nhà đó, biết bao nhiêu vấn đề trong tòa nhà sẽ được giải quyết. Những mảng trần thạch cao đang bong tróc sắp sập xuống sẽ được thay mới, các xã viên sẽ có thêm một khoản thu nhập kha khá, trẻ con sẽ có thêm học bổng và người già sẽ bớt đi nỗi lo tiền lương hưu bị trượt giá.


“Chuyến này chúng tôi quyết tâm đòi, và phải đòi cho bằng được”, ông Trần Ngọc Sơn, Trưởng Ban Quản trị lâm thời, tổ trưởng tổ dân phố, chủ nhiệm hợp tác xã của tòa nhà tuyên bố.


Đó là chuyện đang diễn ra ở tòa nhà 17T10 Trung Hòa, Nhân Chính, Hà Nội.


Phong Anh