11:08 26/11/2016

Chuyện ở rể của người Thái ở Lai Châu

Dân tộc Thái ở tỉnh miền núi Lai Châu, ở rể được tính từ khi một chàng trai trưởng thành cảm mến một cô gái, xin sang ở và được đồng ý cho ở lại nhà cô gái đó...

Với dân tộc Kinh và một số dân tộc khác, người đàn ông sau khi cưới vợ, cùng vợ con sang sinh sống, ở tại nhà bố mẹ vợ được coi là ở rể. Nhưng với dân tộc Thái ở tỉnh miền núi Lai Châu, ở rể được tính từ khi một chàng trai trưởng thành cảm mến một cô gái, xin sang ở và được đồng ý cho ở lại nhà cô gái đó...Và mỗi lần hỏi về chuyện đi ở rể, đàn ông dân tộc Thái kể rất hào hứng và say sưa.

Anh Màng Văn Đoàn giúp bố vợ đảo gỗ ngâm chuẩn bị dựng nhà. Ảnh: Nguyễn Công Hải/TTXVN


Ông Màng Văn Dỉn, dân tộc Thái, sinh ra và lớn lên ở bản Chiềng Nưa, xã Chăn Nưa, huyện biên giới Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu. Từ năm 2006 đến nay, gia đình ông cùng cả bản đã chuyển lên tái định cư thủy điện Sơn La tại thôn Thèn Nưa, thị trấn Phong Thổ, huyện biên giới Phong Thổ, tỉnh Lai Châu.

Ông Dỉn năm nay 86 tuổi, tóc đã bạc, răng đã long nhưng nhắc lại chuyện ở rể, ông cười tươi rói, đôi mắt ánh lên niềm vui như thể đang ở tuổi đôi mươi. Ông kể rằng năm 18 tuổi, ông thấy thích một cô gái cùng bản, là vợ ông bây giờ. Lúc ấy vợ ông mới 15 tuổi. Được mai mối, đồng ý của hai bên gia đình, ông Dỉn đi ở rể từ đó. Ông Dỉn nhớ nhất thời gian đầu mới về ở nhà vợ, ngại ngùng, xấu hổ không dám ăn no nên thường về nhà lục...cơm nguội ăn bù. Ở rể được hai năm, ông Dỉn được bố mẹ, họ hàng hai bên gia đình cho làm lễ cưới, đón vợ về nhà. Từ đó đến nay, hai vợ chồng ông Dỉn sống hạnh phúc bên nhau. Hai vợ chồng ông có với nhau sáu người con trai và hai người con gái.

Theo ông Dỉn, việc ở rể của người Thái là thời gian thử thách, thời gian trả công ơn sinh thành của chàng trai đối với cô gái và gia đình nhà cô gái. Thời gian ở rể trong bao lâu là do sự thỏa thuận của hai bên gia đình. Có người ở rể một vài năm, có người ở rể hơn chục năm, có người ở rể cả đời. Trong thời gian ở rể, chàng trai đóng vai trò như một thành viên, một lao động chính trong gia đình nhà cô gái. Sau một thời gian ở rể, hai bên gia đình, họ hàng nhà trai và nhà gái thường làm lễ chung chăn, lúc ấy chàng trai và cô gái mới được ngủ chung.

Anh Màng Văn Đoàn, sinh năm 1978, con trai út của ông Dỉn cũng ở rể năm 18 tuổi, vợ anh khi ấy mới 14 tuổi. Anh Đoàn kể trước khi đi ở rể, anh Đoàn và anh trai của vợ đã là bạn thân nên anh đi ở rể vui hơn ở nhà. Hầu như tất cả các công việc, sinh hoạt hằng ngày của nhà cô gái anh Đoàn đều tham gia. Anh Đoàn cũng không nề hà việc gì từ việc nhà đến việc lên nương, từ việc nhẹ đến việc nặng..

Khi được sang ở rể, anh Đoàn cũng chưa chắc chắn đã được cô gái ấy đồng ý yêu, cũng như chưa chắc gia đình cô gái đồng ý nhận là con rể, trai bản vẫn có quyền đến chơi, tìm hiểu cô gái mà anh Đoàn thích. Vì vậy hằng ngày anh Đoàn chịu khó làm việc, lo toan, quan tâm không chỉ tới cô gái mà còn quan tâm tới các thành viên gia đình cô gái...Sau bốn năm "thử thách", anh Đoàn được gia đình nhà gái cho tổ chức lễ cưới, đón vợ về nhà. Vợ chồng anh Đoàn còn được bố mẹ vợ cho một con trâu to để làm vốn lập nghiệp... Đến nay, sau 16 năm chung sống, vợ chồng anh Đoàn chưa một lần to tiếng. Hai vợ chồng anh đã có hai người con, một trai, một gái đều ngoan ngoãn, chăm chỉ học hành.

Còn ông Thùng Văn Chê, ở cùng thôn Thèn Nưa, năm nay 64 tuổi, dân tộc Thái, nhắc đến chuyện ở rể, ông cười "Tôi thì không được ở rể". Bởi năm 18 tuổi, ông làm công nhân ở Nhà máy cơ khí 7/8 Lai Châu ở tại thị xã Mường Lay. Đến năm 20 tuổi thì gặp và cảm mến cô gái cùng bản, cùng làm công nhân ở Ty nông nghiệp xây dựng, cùng ở thị xã Mường Lay. Hai người yêu nhau được 1 năm thì làm lễ cưới.

Ông Điêu Văn Thuyển, dân tộc Thái, 65 tuổi, trước đây cũng ở xã Chưa Nưa, huyện Sìn Hồ. Chục năm qua đã chuyển lên tái định cư thủy điện Sơn La tại thôn Pa So, thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ và đã có nhiều năm tìm hiểu, nghiên cứu, sưu tầm về văn hóa dân gian dân tộc Thái, cho rằng, ở rể là phong tục, là quy định của người Thái ngày trước. Tục ở rể có nhiều quy định không còn phù hợp với cuộc sống hiện đại ngày nay. Khoảng chục năm trở lại đây, hầu như không còn tục ở rể. Ngày nay các chàng trai, cô gái Thái yêu nhau, tự do tìm hiểu. Sau đó báo cáo với hai bên gia đình nhà trai và nhà gái cùng thống nhất tổ chức đám hỏi và đám cưới.

Nguyễn Công Hải (TTXVN)