06:17 17/06/2011

Chuyển nhượng hè 2011: Không còn "bom tấn"?

Những gì diễn ra ở mùa Hè này cho thấy, Luật công bằng tài chính (FFF) được UEFA áp dụng kể từ mùa giải 2011-2012, với mục đích kiểm soát hoạt động chi tiêu của các đội bóng, đã ảnh hưởng đến hoạt động chuyển nhượng của các đội bóng.

Những gì diễn ra ở mùa Hè này cho thấy, Luật công bằng tài chính (FFF) được UEFA áp dụng kể từ mùa giải 2011-2012, với mục đích kiểm soát hoạt động chi tiêu của các đội bóng, đã ảnh hưởng đến hoạt động chuyển nhượng của các đội bóng.

Sẽ không còn những hợp đồng "khủng" trong mùa hè năm nay?- Ảnh Getty


Luật FFF quy định rằng những CLB liên tục thua lỗ sẽ bị cấm thi đấu tại Champions League từ mùa giải 2014-2015. Trong ba năm đầu tiên, các CLB có quyền thua lỗ 5 triệu euro (4,37 triệu bảng)/năm, hoặc tới 45 triệu euro (39,4 triệu bảng)/năm nếu chủ sở hữu của CLB đó đóng góp tài chính để xóa lỗ. Tổng thua lỗ toàn bộ phải giảm còn 45 triệu euro trong ba năm sau đó, xuống 30 triệu euro ở ba năm kế tiếp, rồi xuống 15 triệu euro (19,4 triệu USD) và xuống 0.

UEFA áp dụng luật này nhằm ngăn chặn sự bành trướng của các ông chủ siêu giàu như Roman Abramovich hay Sheikh Mansour, lo ngại rằng nếu họ rút lui thì các đội bóng đứng trước nguy cơ phá sản, ảnh hưởng đến cả nền bóng đá. Ngoài ra, nó góp phần ngăn chặn tình trạng lạm phát khủng khiếp về giá cầu thủ cũng như tiền lương. Luật FFF còn khiến các CLB tích cực hơn trong việc chăm lo khâu đào tạo trẻ.

Tóm lại, khi luật này được áp dụng, các CLB như Man City, Chelsea hay Real Madrid không còn được phép mua vô tội vạ như trước, với những cái giá điên rồ, trả những mức lương không tưởng (Mùa giải vừa qua, doanh thu của Man City không đủ để trả tiền lương cho cầu thủ). Chi phí, trong đó có tiền lương và phí chuyển nhượng, phải đạt tỷ lệ thích ứng với doanh thu. Các ông chủ giàu có không thể tiêu tiền như nước dù họ có rất nhiều tiền.

Luật FFF đã có ảnh hưởng đến hoạt động chuyển nhượng ở mùa Hè này. Hai năm về trước, Real Madrid còn chi đến 250 triệu để mua hàng loạt ngôi sao, trong đó có 80 triệu cho Ronaldo và 56 triệu cho Kaka. Cũng vào mùa Hè 2009, Barca mua Ibra với giá 57 triệu bảng. Năm ngoái, Man City còn chi hơn trăm triệu để mua cầu thủ trong khi Barca mua David Villa với giá 40 triệu. Nhưng ở mùa Hè này, những đối tượng mà các CLB nhắm đến đều dưới 30 triệu bảng.

Đó là lý do dẫn đến tình trạng bế tắc ở thương vụ Alexis Sanchez. Đội bóng lớn nào cũng muốn có anh, nhưng chẳng ai chịu mạo hiểm bỏ ra số tiền lớn để mua anh. Không phải vì họ cho rằng tài năng của Sanchez không xứng đáng với số tiền lớn, mà đơn thuần vì ảnh hưởng của luật FFF. Lời đề nghị cao nhất ở thời điểm này là đến từ Man City, với giá 27 triệu bảng. Các đội bóng khác như Barca đưa ra giải pháp các thêm cầu thủ nhằm làm giảm chi phí. Tương tự ở vụ Modric khi Chelsea chỉ ra giá 22 triệu bảng mà thôi.

Điều đáng chú ý nhất ở TTCN Hè 2011 là sự tích cực của M.U. Xét về doanh thu, Real Madrid mới là số 1 thế giới. Nhưng M.U mới là đội kiếm lời cao nhất. Với nền tảng tài chính vững vàng, M.U không hề lo ngại bị ảnh hưởng bởi luật FFF. Theo tính toán, họ được phép mua đến 100 triệu bảng ở mùa Hè này, số tiền mà không đội bóng nào được phép. Vì lẽ đó, đội bóng của Sir Alex không ngần ngại lao vào tranh giành các ngôi sao "hot", từ Sanchez đến Modric, từ Ashley Young đến Nasri, thậm chí cả Sneijder.

Theo Thethaovanhoa.vn