Xinhgapo - Đối tác thương mại, đầu tư hàng đầu của Việt Nam

Cộng hòa Xinhgapo là quốc gia nhỏ nhất ở Đông Nam Á, nằm ở phía nam bán đảo Malacca của Malaixia và phía bắc đảo Riau của Inđônêxia. Là một hòn đảo có hình dạng một viên kim cương bao quanh bởi nhiều đảo nhỏ khác, Xinhgapo được thế giới biết đến trước tiên là một “Puluochung” (hòn đảo nằm ở vị trí cuối cùng của bán đảo) qua những câu chuyện kể của người Trung Hoa vào thế kỷ thứ 3.

“Thành phố sư tử”, trung tâm tài chính hàng đầu châu Á.


Vào thế kỷ thứ 14, Xinhgapo trở thành một phần lãnh thổ của đế chế Vua Vijayan hùng mạnh và được biết đến như là “Temasek” (Làng chài). Trong thế kỷ này, Xinhgapo được đặt tên mới là “Singapura” hay “Thành phố sư tử”.

Với tổng diện tích khoảng 648 km2 và dân số hơn 5 triệu người, Xinhgapo tự hào là một thành phố quyến rũ, nơi đông tây giao hòa, nơi những di sản Á Đông hòa quyện vào nhịp sống hiện đại. Là một đất nước phát triển thiên về công nghệ thông tin và dịch vụ, Xinhgapo được xem là một trung tâm tài chính hàng đầu trong khu vực châu Á, đồng thời là nơi giao thương thuận lợi với nhiều quốc gia trên thế giới qua đường biển và đường hàng không. Ngoài ra, nơi đây còn nổi tiếng là một đất nước xanh, sạch và thanh bình. Mảnh trăng lưỡi liềm trên lá cờ Xinhgapo đại diện cho một quốc gia trẻ tuổi đang trên đà vươn lên và 5 ngôi sao biểu thị cho lý tưởng dân chủ, hòa bình, tiến bộ, công lý và bình đẳng. Màu đỏ tượng trưng cho tình anh em và bình đẳng của loài người. Màu trắng tượng trưng cho sự trong sạch và đạo đức trường tồn.

Xinhgapo có cơ sở hạ tầng và một số ngành công nghiệp phát triển cao hàng đầu châu Á và thế giới như cảng biển, công nghiệp đóng và sửa chữa tàu biển, công nghiệp lọc dầu, chế biến và lắp ráp máy móc tinh vi. Đây là quốc gia hàng đầu về sản xuất ỗ đĩa máy tính điện tử và hàng bán dẫn, đồng thời còn là trung tâm lọc dầu và vận chuyển quá cảnh hàng đầu ở châu Á. Hệ thống giao thông ở Xinhgapo rất phát triển. Chất lượng đường bộ của đảo quốc này được đánh giá vào loại tốt nhất thế giới. Bên cạnh đó, Xinhgapo cũng được coi là nước đi đầu trong việc chuyển đổi sang nền kinh tế tri thức.
Việt Nam và Xinhgapo thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 1/8/1973. Tháng 12/1991, Đại sứ quán Việt Nam tại Xinhgapo và tháng 9/1992, Đại sứ quán Xinhgapo tại Hà Nội được thành lập.

Quan hệ hai nước phát triển tốt, đánh dấu bằng chuyến thăm chính thức Xinhgapo (16 - 17/1/1978) của Thủ tướng Phạm Văn Đồng; hai bên ra Tuyên bố chung khẳng định những nguyên tắc chỉ đạo quan hệ hai nước. Từ năm 1991, cùng với chuyển biến chung của cục diện quốc tế và tình hình khu vực, đặc biệt là việc ký Hiệp định Pari về Campuchia năm 1991, cũng như tác động của chính sách đổi mới của ta, quan hệ hai nước được cải thiện nhanh chóng.

Sau khi Việt Nam tham gia Hiệp ước Bali (tháng 7/1992) và trở thành thành viên đầy đủ của ASEAN tháng 7/1995, quan hệ hai nước chuyển sang một giai đoạn phát triển mới. Xinhgapo rất coi trọng phát triển quan hệ hợp tác với Việt Nam và Việt Nam trở thành một trong những thị trường chính về hợp tác thương mại, đầu tư của Xinhgapo ở Đông Nam Á. Đặc biệt, trong chuyến thăm và làm việc tại Xinhgapo của Thủ tướng Phan Văn Khải (tháng 3/2004), hai bên đã ký “Tuyên bố chung về khuôn khổ hợp tác toàn diện trong thế kỷ 21”, tạo cơ sở pháp lý và điều kiện thuận lợi thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước.

Tính đến tháng 7/2011, Xinhgapo đã có 938 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn đăng ký lên tới hơn 23,2 tỷ USD, đứng thứ 3 trong số 92 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2011, Xinhgapo có 43 dự án với tổng số vốn hơn 1,2 tỷ USD.
Quan hệ hợp tác Việt Nam - Xinhgapo trong thời gian qua đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Xinhgapo đã trở thành một trong những đối tác thương mại, đầu tư hàng đầu của Việt Nam.

Du lịch là một trong những lĩnh vực hợp tác có nhiều tiềm năng. Cơ quan du lịch Xinhgapo cũng là cơ quan du lịch quốc tế đầu tiên mở văn phòng đại diện tại Việt Nam, điều này đã thúc đẩy mạnh mẽ và làm tăng nhanh số khách du lịch từ Xinhgapo sang Việt Nam và ngược lại. Với mối quan hệ quốc tế rộng khắp và phát triển thông qua các chương trình hợp tác kỹ thuật, Xinhgapo đã giúp Việt Nam đào tạo cán bộ trong những lĩnh vực quản lý xã hội, nghiên cứu khoa học kỹ thuật. Trong lĩnh vực đầu tư, Xinhgapo có mặt trong hầu hết các ngành kinh tế của Việt Nam, từ thăm dò, khai thác dầu khí, sản xuất công nghiệp tới chế biến nông lâm hải sản và chủ yếu tập trung nhiều trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, dịch vụ và kinh doanh bất động sản. Nhiều dự án của Xinhgapo hoạt động đạt hiệu quả cao, đóng góp đáng kể trong việc giải quyết việc làm, xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Hiệp định kết nối kinh tế Việt Nam - Xinhgapo được ký kết giữa hai chính phủ vào năm 2005, là chương trình hợp tác toàn diện tập trung vào 6 nội dung cụ thể, bao gồm: Tài chính, giáo dục và đào tạo, giao thông vận tải, công nghệ thông tin và truyền thông, đầu tư, thương mại và dịch vụ. Thông qua các hoạt động hợp tác cụ thể, Việt Nam khẳng định quan điểm và mối quan tâm của Việt Nam trong hợp tác kinh tế với Xinhgapo, hướng tới mục tiêu nâng cao hơn nữa quan hệ hợp tác bình đẳng, cùng có lợi giữa hai nước.

Hồng Hạnh (Tổng hợp)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN