“Kinh đô” nước hoa Ấn Độ vật lộn sinh tồn

Tại thành phố hẻo lánh Kannauj, nơi được mệnh danh là “kinh đô” nước hoa của Ấn Độ, các xưởng tinh dầu - nước hoa đang phải vật lộn để bảo tồn nghề thủ công của họ trước làn sóng cạnh tranh mạnh mẽ từ các nhà sản xuất nước hoa hiện đại.

 

Chưng cất nước hoa tại một xưởng thủ công ở Kannauj.

 

Cuộc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp nhỏ như nhà máy chưng cất hương liệu Pragati Aroma Oil và các tập đoàn toàn cầu như Armani, Chanel, cũng phản ánh hàng ngàn “cuộc chiến” khác trên khắp Ấn Độ, giữa các nghề truyền thống và hiện đại.

 

Suốt 30 năm qua, ông Laxmi Narayan, 72 tuổi, chỉ chuyên tâm chế tạo ra attar, một loại nước hoa từ tinh dầu, được sản xuất theo một phương pháp có từ hàng ngàn năm trước. “Làm attar là một nghề thủ công khó nhọc”, ông Narayan nói trong làn khói dày đặc tỏa lên từ đống củi rực lửa bên dưới dãy nồi đồng đang sôi sùng sục mà ông đang phải liên tục theo dõi. “Chúng tôi làm nghề một cách bản năng. Chỉ cần ngửi và cảm nhận, chúng tôi biết khi nào attar đã hoàn thành”.


Nhà máy Pragati Aroma Oil nằm cách thủ phủ Lucknow của bang Uttar Pradesh khoảng 130 km. Sushil Singh, một giám sát viên tại đây tin rằng, các loại máy móc không bao giờ có thể thay thế được những bàn tay dày dạn kinh nghiệm. “Mùi hương sẽ bị mất đi nếu chúng tôi sử dụng máy móc. Mọi người thường quên giá trị của tinh dầu. Nhưng với chúng tôi, attar chính là cuộc sống của mình”.


Mỗi sáng, những người nông dân địa phương ở gần Kannauj lại mang những túi hoa hồng, nhài và các loại hoa khác, giao cho xưởng nước hoa thủ công nhộn nhịp giữa thị trấn yên ắng này. Các loại hoa được ngâm vào nước và làm nóng trong nồi đồng. Hơi nước có hương hoa thoát ra qua một ống tre, để đến một dụng cụ có chứa dầu gỗ đàn hương, có tác dụng làm dung môi cho attar.


Mặc dù vẫn còn rất nhiều người yêu thích hương liệu tự nhiên, nhưng attar đang ngày càng bị người tiêu dùng, vốn tò mò trước các thương hiệu nước ngoài, xa lánh. Họ đã ngày càng quen với các sản phẩm ngoại nhập kể từ khi Ấn Độ mở cửa mạnh mẽ nền kinh tế vào những năm 1990.


Tọa lạc hai bên bờ sông Hằng, thành phố Kannauj từng là một trong những trung tâm quan trọng của ngành sản xuất nước hoa, gia vị và tơ tằm của Ấn Độ, với những sản phẩm xuất khẩu chủ lực tới Trung Đông. Thành phố 1,7 triệu dân này từng đạt tới đỉnh hoàng kim của mình vào thế kỷ thứ 7 sau Công nguyên, khi nó là kinh đô của một vương quốc do nhà vua người Hindu, Harsha Vardhan trị vì.


Suốt 300 năm sau đó, những người làm nước hoa ở Kannauj đã cung cấp tinh dầu thơm cho các vị hoàng đế Moghul cai trị Ấn Độ. “Kannauj từng là kinh đô nước hoa trong hàng ngàn năm. Kannauj đối với Ấn Độ cũng giống như Grasse với nước Pháp. Nghề làm nước hoa ở nơi đây là một nghệ thuật”, ông Shakti Vinay Shukla, Phó giám đốc Trung tâm Hương liệu và Gia vị (FFDC) ở Kannauj nói.


Trung tâm FFDC hiện đang giúp nông dân trồng hoa và các nhà sản xuất đối mặt với khó khăn do nhu cầu sụt giảm. “Tới cuối thập niên 1990, thành phố vẫn có gần 700 xưởng chưng cất tinh dầu. Nay thì chỉ còn khoảng 150 xưởng. Các loại nước hoa gốc paraffin và hóa chất thay thế có giá rẻ hơn nhiều đang đẩy nước hoa truyền thống vào khó khăn”, Pulkit Jain, ông chủ của Pragati Aroma Oil cho biết.


Trong khi đó, trên một con phố hẹp gió lùa ở khu thành cổ của New Delhi, Praful Gundhi, 49 tuổi, đang điều hành doanh nghiệp nước hoa gia truyền, có từ năm 1816. Doanh nghiệp của Gundhi thu hút cả những khách hàng thượng lưu, giàu có cho đến những người chỉ tìm kiếm sản phẩm bình dân. “Người Hồi giáo là khách hàng lớn nhất của chúng tôi, bởi đạo Hồi cấm họ dùng nước hoa gốc cồn, nguyên liệu mà hầu hết các hãng nước ngoài đang sử dụng. Khách du lịch tới Ấn Độ cũng tới các cửa hàng của chúng tôi vì hương thơm tự nhiên và giữ mùi lâu của chúng. Họ biết tinh dầu rất thân thiện với làn da, chúng không gây bất cứ kích ứng nào”, Gundhi cho hay. Ông thường mua tinh dầu hoa hồng với giá 14.000 rupee (252 USD) cho 10 mm, trong khi loại tinh dầu tổng hợp thì rẻ hơn nhiều, chỉ 400 rupee (8 USD).


Nhưng với nhiều người như doanh nhân Anshul Agarwal ở Delhi, thì không gì sánh được với những thương hiệu cao cấp mà ông thường mua từ các cửa hàng đồ hiệu sang trọng trên thành phố: “Một người bạn tặng chai tinh dầu mà cả năm nay tôi không động đến. Tôi thích Calvin Klein và Davidoff hơn”.


Thu Hằng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN