12:07 06/12/2013

Chuyện không nhỏ

Nói bất lực là không sai, bởi vấn đề quản lý các điểm trông giữ phương tiện thu phí quá mức quy định tại Thủ đô từng gây bức xúc dư luận trong nhiều năm qua, nhưng đến thời điểm này vẫn không có biến chuyển nào đáng kể.

Nói bất lực là không sai, bởi vấn đề quản lý các điểm trông giữ phương tiện thu phí quá mức quy định tại Thủ đô từng gây bức xúc dư luận trong nhiều năm qua, nhưng đến thời điểm này vẫn không có biến chuyển nào đáng kể. Người dân vẫn hàng ngày, hàng giờ phải gánh thêm khoản phí tưởng là nhỏ, nhưng không hề nhỏ để làm giàu thêm hầu bao của những ông chủ, bà chủ trông giữ phương tiện coi thường kỷ cương phép nước.


Nếu trước đây, các điểm trông giữ xe “chui” hoặc tự phát, chọn vào dịp lễ, Tết để bắt chẹt người gửi, thì nay việc thu phí với giá “trên trời” diễn ra ngay ở các điểm trông giữ xe cố định, được cấp phép hẳn hoi. Đơn cử, trên vé ghi 2.000 đồng/xe máy, nhưng nhân viên tại bãi gửi xe khu vực chợ Đồng Xuân vẫn thản nhiên thu 5.000 đồng/xe. Tại bãi trông giữ xe máy của Công ty Anh Duy trên vỉa hè phố Trần Xuân Soạn đoạn cắt với phố Huế, nhân viên thường đưa vé không ghi giá tiền cho người gửi và mức thu là 5.000 đồng/xe (ngày thường) và 10.000 đồng/xe vào ngày chủ nhật. Còn tại bãi trông giữ phương tiện trên đường Đinh Tiên Hoàng (giáp hồ Hoàn Kiếm), mức phí gửi xe máy là 10.000 đồng/xe máy và ô tô là 50.000 đồng/xe trong 1 giờ...


Đại diện Ban Chỉ đạo 197 Hà Nội cho biết, sau nhiều đợt ra quân xử lý, tình trạng vi phạm trật tự đô thị, trông giữ phương tiện đã có giảm, nhưng vẫn diễn biến phức tạp do lợi nhuận thu được từ việc trông giữ xe trái phép, sai phép vẫn cao và nhu cầu gửi xe tại một số khu vực trung tâm quá lớn. Để xảy ra việc thu phí cao hơn gấp nhiều lần so với quy định, ngoài nguyên nhân chạy theo lợi nhuận của cá nhân, tổ chức trông giữ xe, thì có cả lỗi của cơ quan quản lý và chính quyền sở tại.


Cũng theo Ban Chỉ đạo 197 thành phố, quy định về xử lý vi phạm tương đối đầy đủ, vấn đề đặt ra là hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của cấp chính quyền cơ sở, như ủy ban nhân dân, công an phường, xã. Chỉ thị 14/CT-TU của Thành ủy Hà Nội (năm 2012) về công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông và trật tự đô thị đã nêu rõ trách nhiệm thuộc về bí thư cấp ủy, chủ tịch UBND và trưởng công an các cấp. Vì vậy, việc để những điểm trông giữ xe bắt chẹt người gửi là thuộc về trách nhiệm của các đối tượng vừa nêu.


Trả lời báo giới, ông Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội khuyến cáo, người dân khi bị bắt chẹt thu quá giá vé quy định, cần phản ánh với cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý. Nhưng xin thưa, người dân biết phản ánh với ai, ở đâu và cơ quan nào được giao trọng trách đứng ra giải quyết mỗi khi có khiếu nại?


Sẽ không là chuyện nhỏ khi những khoản lợi nhuận kếch xù từ những điểm trông xe tưởng như nhỏ ấy rơi vào túi một số đơn vị, cá nhân. Cũng không còn là chuyện nhỏ khi kỷ cương bị buông lỏng và bộ mặt đô thị ngày một thêm nhếch nhác khi những điểm trông giữ xe lấn chiếm vỉa hè, gây cản trở giao thông. Lại càng không phải là chuyện nhỏ khi một bộ phận cán bộ công quyền bị thoái hóa, biến chất, bao che, bảo kê, thu lợi bất chính từ những điểm trông giữ xe phi pháp, gây mất lòng tin của nhân dân vào bộ máy công quyền...


Thế nên, tại kỳ họp thứ 8 đang diễn ra, khi HĐND thành phố Hà Nội thông qua đề án tăng phí trông giữ xe máy (từ 2.000 đồng lên 3.000 đồng ban ngày và ban đêm là 5.000 đồng cho mỗi lượt xe), nhiều người lo ngại rằng, nhân đà này, các điểm trông giữ xe lại được dịp đẩy giá lên mức cao hơn, khi mà công tác quản lý vẫn tiếp tục bị buông lỏng và những đơn vị, cá nhân vi phạm không bị nghiêm trị.


Yến Nhi