11:01 12/11/2011

Chuyển hướng

Ngày 11/11, Tổng thống Mỹ Barack Obama bắt đầu chuyến công du 9 ngày đến châu Á - Thái Bình Dương (TBD) - chuyến đi được dọn đường bằng nhận định của nhiều quan chức và chuyên gia phân tích Mỹ về sự chuyển hướng trọng tâm đối ngoại của Oasinhtơn trong thời gian tới.

Ngày 11/11, Tổng thống Mỹ Barack Obama bắt đầu chuyến công du 9 ngày đến châu Á - Thái Bình Dương (TBD) - chuyến đi được dọn đường bằng nhận định của nhiều quan chức và chuyên gia phân tích Mỹ về sự chuyển hướng trọng tâm đối ngoại của Oasinhtơn trong thời gian tới.

Những động thái của Oasinhtơn trong thời gian qua cho thấy, rõ ràng Nhà Trắng đã vạch ra lộ trình cụ thể cho chiến lược này. Đầu tiên là rút toàn bộ quân Mỹ khỏi Irắc vào cuối năm 2011 và tiến hành các nỗ lực hòa giải phe phái nhằm chuẩn bị cho việc rút hết quân khỏi Ápganixtan vào cuối năm 2012. “Dọn dẹp” xong hai chiến trường trên, Oasinhtơn sẽ tập trung nguồn lực cho châu Á - TBD, cụ thể là thúc đẩy hoàn tất Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và đẩy mạnh các quan hệ liên minh an ninh tại khu vực.

Trước chuyến đi của ông Obama, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nhận định, tương lai đời sống chính trị của Mỹ sẽ được quyết định tại châu Á, đồng thời xác nhận, đương kim Tổng thống Mỹ ngay từ đầu nhiệm kỳ đã đề ra chiến lược chú trọng quan hệ với khu vực châu Á - TBD. Trong bối cảnh kinh tế Mỹ đang lâm vào giai đoạn khó khăn kéo dài, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, nợ công ở mức kỷ lục..., Oasinhtơn tính toán việc đẩy mạnh hợp tác kinh tế với châu Á - TBD sẽ giúp tăng gấp đôi kim ngạch xuất khẩu vào năm 2015 và tạo thêm nhiều việc làm để giải quyết tình trạng thất nghiệp hiện nay.

Chính phủ của ông Obama kỳ vọng sự năng động và phát triển của châu Á - TBD sẽ là chìa khóa để nước Mỹ thoát ra khỏi cuộc suy thoái kinh tế hiện nay và là bước đệm vững chắc cho ông chủ Nhà Trắng đi tiếp nhiệm kỳ thứ hai. Về chính trị, với tư cách là một phần trong châu Á-TBD, chiến lược tăng cường xây dựng quan hệ đối tác tốt với các thể chế và các quốc gia lớn ở châu Á - TBD như ASEAN, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Ôxtrâylia..., sẽ giúp Mỹ, cũng là một thành viên của châu Á - TBD, củng cố được vai trò trong khu vực, đồng thời gia tăng uy tín trên trường quốc tế.


Ngoại trưởng Clinton cho rằng, trong 10 năm tới, nước Mỹ cần cân nhắc việc đầu tư thời gian, tiền bạc và sức lực vào những vị trí tốt nhất nhằm duy trì sự lãnh đạo, bảo đảm lợi ích và thúc đẩy các giá trị của nước Mỹ. Nằm trong chiến lược ấy, sự chuyển hướng trọng tâm đối ngoại sang châu Á – TBD, nhất là sau khi cả chính phủ và người dân Mỹ đã quá mệt mỏi với hai “điểm nóng” Irắc và Ápganixtan, chắc chắn sẽ mang lại lợi ích chiến lược cho Mỹ cả về chính trị và kinh tế.

Cẩm Tuyến