03:00 25/03/2023

Chuyên gia phân tích về vũ khí 'sóng thần phóng xạ' của Triều Tiên

Triều Tiên tuyên bố loại vũ khí mới có thể “thâm nhập bí mật vào vùng biển tạo ra một cơn sóng thần phóng xạ tiêu diệt các nhóm tàu tấn công và cảng trọng yếu của địch". Tuy nhiên, giới chuyên gia quân sự đã những đánh giá khác về năng lực của vũ khí này.

Chú thích ảnh
Phương tiện không người lái của Triều Tiên kích nổ trên biển. Ảnh: KCNA/Skynews

Triều Tiên ngày 24/3 tuyên bố đã thử nghiệm một phương tiện không người lái dưới nước có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, tạo ra một “cơn sóng thần phóng xạ” khổng lồ có thể phá hủy các nhóm tàu tấn công và các hải cảng. Các nhà phân tích nghi ngờ rằng thiết bị này có thể tạo ra một mối đe dọa lớn mới, nhưng cuộc thử nghiệm nhấn mạnh cam kết của Triều Tiên trong việc nâng cao năng lực răn đe hạt nhân.

Cuộc thử nghiệm trong tuần này của Bình Nhưỡng diễn ra khi Mỹ được cho là đang lên kế hoạch triển khai các nhóm tấn công tàu sân bay và các phương tiện tiên tiến khác tới vùng biển ngoài khơi Bán đảo Triều Tiên. Căng thẳng quân sự đang ở đỉnh điểm khi tốc độ của cả các vụ thử vũ khí của Triều Tiên và các cuộc tập trận quân sự chung giữa Mỹ và Hàn Quốc đã tăng tốc trong năm qua.

Vũ khí tạo "sóng thần phóng xạ" có sức mạnh hủy diệt

Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết loại vũ khí mới, có thể được triển khai từ bờ biển hoặc được kéo bằng tàu nổi, được chế tạo để “thâm nhập bí mật vào vùng biển có hoạt động và tạo ra một cơn sóng thần phóng xạ quy mô lớn thông qua một vụ nổ dưới nước để tiêu diệt các nhóm tấn công hải quân và các cảng chiến dịch trọng yếu của địch".

Cuộc thử nghiệm "vũ khí không người lái tấn công hạt nhân dưới nước" là một phần của cuộc tập trận kéo dài ba ngày mô phỏng các cuộc tấn công hạt nhân vào các mục tiêu không xác định của Hàn Quốc, bao gồm cả các vụ phóng tên lửa hành trình vào ngày 22/3.

KCNA cho biết cuộc tập trận được giám sát bởi Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un, người đã lên án cuộc tập trận Mỹ-Hàn là cuộc diễn tập xâm lược và tuyên bố sẽ khiến các đối thủ của Bình Nhưỡng “chìm trong tuyệt vọng”.

Vũ khí không người lái dưới nước nói trên được đặt tên là “Haeil”, tiếng Triều Tiên có nghĩa là "sóng thần". Tờ Rodong Sinmun của Đảng Lao động Triều Tiên đã đăng những bức ảnh chụp ông Kim Jong Un đang mỉm cười bên cạnh một vật thể hình ngư lôi lớn tại một cơ sở trong nhà không xác định.

Chú thích ảnh
Màn hình TV tại Nhà ga Seoul ngày 24/3/2023 cho thấy Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đang quan sát qua ống nhòm. Ảnh: AP

KCNA cho biết các cuộc thử nghiệm mới nhất của Triều Tiên nhằm cảnh báo Mỹ và Hàn Quốc về một “cuộc khủng hoảng hạt nhân” đang âm ỉ khi họ tiếp tục “các cuộc tập trận chiến tranh có chủ đích, dai dẳng và khiêu khích”.

Mỹ và Hàn Quốc đã hoàn thành cuộc tập trận kéo dài 11 ngày bao gồm cuộc huấn luyện thực địa lớn nhất của họ trong nhiều năm vào ngày 23/3 và đang chuẩn bị một đợt tập trận hải quân chung khác được cho là sẽ có sự tham gia của một hàng không mẫu hạm Mỹ.

KCNA tuyên bố các cuộc tập trận mới nhất của Triều Tiên đã xác minh độ tin cậy hoạt động của vũ khí không người lái đã được Bình Nhưỡng đã phát triển từ năm 2012 và đã thử nghiệm hơn 50 lần trong 2 năm qua, mặc dù loại vũ khí này chưa bao giờ được đề cập trước đây trên truyền thông nhà nước.

KCNA cho biết vũ khí "sóng thần phóng xạ" đã được triển khai ngoài khơi bờ biển phía Đông của Triều Tiên vào ngày 21/3, di chuyển dưới nước trong gần 60 giờ và kích nổ một đầu đạn thử nghiệm tại một mục tiêu giả định cảng của kẻ thù.

Giới chuyên gia nói gì?

Kim Dong-yub, Giáo sư tại Đại học Nghiên cứu Triều Tiên ở Seoul, nói rằng không thể xác minh những tuyên bố của Triều Tiên về khả năng của vũ khí không người lái này, hoặc việc Bình Nhưỡng đã thử nghiệm hệ thống đó hàng chục lần. Tuy nhiên, theo ông, Triều Tiên đang có ý định thông báo rằng loại vũ khí này có đủ tầm bắn tới tất cả các cảng của Hàn Quốc.

Ankit Panda, một nhà phân tích cấp cao tại Tổ chức Hòa bình Quốc tế Carnegie, đã đặt câu hỏi về sự khôn ngoan của Triều Tiên khi dành nguồn lực cho hệ thống vũ khí không người lái dưới nước như một phương tiện vận chuyển so với tên lửa đạn đạo khi nước này chỉ có số lượng hạn chế vật liệu hạt nhân phù hợp cho vũ khí.

“Phương tiện dưới nước không có người lái này sẽ dễ bị tổn thương trước khả năng tác chiến chống tàu ngầm nếu nó được triển khai bên ngoài vùng biển ven bờ của Triều Tiên. Nó cũng sẽ dễ bị tấn công phủ đầu khi vào cảng", ông Panda nói.

“Thật vậy, trong một cuộc khủng hoảng, Mỹ và Hàn Quốc sẽ ưu tiên đánh phủ đầu bất kỳ hệ thống nào như vậy trước khi chúng có thể triển khai.”

Chú thích ảnh
Loạt ảnh do KCNA công bố liên quan đến vũ khí "sóng thần phóng xạ". Ảnh: AP

Triều Tiên được cho là có hàng chục đầu đạn hạt nhân và có thể lắp chúng vào các hệ thống vũ khí cũ hơn, chẳng hạn như tên lửa Scud hoặc Rodong. Tuy nhiên, có những đánh giá khác nhau về việc nước này đã tiến xa đến mức nào trong việc chế tạo các đầu đạn đó để phù hợp với các loại vũ khí mới mà nước này đã phát triển với tốc độ nhanh chóng, vì có thể cần phải nâng cấp thêm công nghệ và thử nghiệm hạt nhân.

Phát biểu trước các nhà lập pháp ngày 23/3, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Lee Jong-Sup cho biết Triều Tiên có lẽ vẫn chưa làm chủ được công nghệ để đặt vũ khí hạt nhân lên những vũ khí tiên tiến nhất của mình, mặc dù thừa nhận rằng nước này đang đạt được “tiến bộ đáng kể”.

Hôm 22/3, Triều Tiên cũng đã phóng thử tên lửa hành trình. Nước này còn tổ chức một mô phỏng tấn công hạt nhân khác bằng một tên lửa đạn đạo tầm ngắn vào ngày 19/3 và thử nghiệm một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa vào tuần trước có thể vươn tới đại lục Mỹ.

Chú thích ảnh
Ông Kim Jong-un thăm một cơ sở thử nghiệm hạt nhân của Triều Tiên. Ảnh: KCNA/Skynews

KCNA cho biết các cuộc thử nghiệm hôm 22/3 bao gồm bốn tên lửa hành trình với hai loại khác nhau. Các tên lửa đã bay trong hơn hai giờ trên biển, thể hiện khả năng tấn công các mục tiêu cách xa 1.500 km và 1.800 km. Theo hãng tin này, các đầu đạn hạt nhân giả của tên lửa đã được kích nổ cách mục tiêu 600 mét, qua đó xác minh độ tin cậy của các thiết bị kiểm soát vụ nổ hạt nhân và ngòi nổ của chúng.

Theo KCNA, nhà lãnh đạo Kim Jong Un hài lòng với cuộc tập trận kéo dài 3 ngày và chỉ đạo các nhiệm vụ bổ sung để chống lại “những hành động khiêu khích quân sự liều lĩnh” của các đối thủ.

Triều Tiên đã bắn hơn 20 tên lửa đạn đạo và hành trình trong 10 lần phóng chỉ từ đầu năm đến nay khi nước này cố gắng đa dạng hóa các hệ thống phóng và thể hiện khả năng tiến hành được các cuộc tấn công hạt nhân vào cả Hàn Quốc và đại lục Mỹ.

Năm 2022, Triều Tiên đã trải qua một năm kỷ lục về hoạt động thử nghiệm, với hơn 70 tên lửa được phóng.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo AP)