Bản sách trắng đầu tiên của Trung Quốc về an ninh quốc gia cho thấy rõ rằng Bắc Kinh hiện coi mình là một thế lực toàn cầu không thể thiếu.
Bắn đại bác tại lễ kỷ niệm 70 năm Quốc khánh nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại Quảng trường Thiên An Môn ở thủ đô Bắc Kinh, ngày 1/10/2019. Ảnh: THX/TTXVN
Kênh RT của Liên bang Nga ngày 19/5 đăng bài của chuyên gia Ladislav Zemánek thuộc Câu lạc bộ thảo luận Valdai cho biết vào tuần trước, Trung Quốc đã công bố bản sách trắng đầu tiên về an ninh quốc gia. Mặc dù tài liệu này không đưa ra đột phá lớn nào, nhưng việc công bố nó mang ý nghĩa hết sức quan trọng.
Nó thể hiện hai diễn biến then chốt: Lãnh đạo Trung Quốc ngày càng lo ngại trước sự đối đầu địa chính trị ngày càng gay gắt, và họ đã sẵn sàng đóng vai trò quyết đoán hơn trên trường quốc tế – thách thức sự thống trị của Mỹ trong quá trình đó.
Mô hình cải cách lấy phát triển kinh tế làm trung tâm – vốn là đặc điểm thời kỳ lãnh đạo của ông Đặng Tiểu Bình và những người kế nhiệm – về cơ bản đã chấm dứt kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền. Người Trung Quốc thường gọi giai đoạn hiện tại là “kỷ nguyên mới”, được đánh dấu bằng những thay đổi sâu sắc cả trong nước lẫn quốc tế.
Ông Tập không từ bỏ trọng tâm phát triển kinh tế, nhưng đã kết hợp nó với việc nhấn mạnh mạnh mẽ hơn vào an ninh. Năm 2014, ông Tập đưa ra một cách tiếp cận toàn diện đối với an ninh quốc gia, thành lập Ủy ban An ninh Quốc gia, tập trung quyền lực vào tay những nhà lãnh đạo cao nhất của đảng, và mở rộng phạm vi các lĩnh vực được xem là thuộc về an ninh quốc gia. Sự thay đổi này đã thúc đẩy một loạt cải cách pháp lý sâu rộng và lên đến đỉnh điểm với việc Trung Quốc công bố Chiến lược An ninh Quốc gia đầu tiên vào năm 2021. Bản sách trắng vừa được công bố là bước tiếp theo trên con đường đó, cho thấy phạm vi của khái niệm an ninh quốc gia của Trung Quốc chưa bao giờ rộng như hiện nay.
Bắc Kinh coi chương trình nghị sự mở rộng về an ninh là phản ứng trước các mối đe dọa từ bên ngoài ngày càng gia tăng, một trật tự quốc tế bất ổn, và căng thẳng địa chính trị leo thang trong bối cảnh thế giới đang chuyển dịch sang trật tự đa cực. Định nghĩa mới của Trung Quốc về an ninh quốc gia bao gồm nhiều lĩnh vực đa dạng: kinh tế, văn hóa, khoa học và công nghệ, an ninh lương thực và sức khỏe, lợi ích ở nước ngoài, biển sâu, không gian vũ trụ và nhiều lĩnh vực khác. Cách tiếp cận rộng lớn này có thể gây khó khăn cho cải cách kinh tế, bởi môi trường quá đặt nặng yếu tố an ninh có thể bóp nghẹt đổi mới, làm giảm tính mở cửa và thúc đẩy các chính sách giảm thiểu rủi ro – điều đã thể hiện rõ trong thời kỳ đại dịch toàn cầu. Tuy nhiên, Bắc Kinh dường như nhận thức được các rủi ro này và tái khẳng định cam kết với cải cách và mở cửa sâu rộng. Dù vậy, sự kết hợp giữa phát triển và an ninh đã trở thành “bình thường mới” và được dự báo sẽ là nguyên tắc định hướng trong Kế hoạch Phát triển Kinh tế xã hội 5 năm lần thứ 15 sắp tới.
Cách tiếp cận của Trung Quốc cũng tích hợp an ninh trong nước và an ninh quốc tế. Học thuyết an ninh quốc tế mới của Trung Quốc đã phát triển trong nhiều năm và chính thức hình thành qua việc ra mắt Sáng kiến An ninh Toàn cầu (GSI) vào năm 2022. Đây là trụ cột trong chiến lược ngoại giao mới của Trung Quốc, thể hiện sự từ bỏ chiến lược phòng ngự trước đó. Học thuyết lâu đời “giấu mình chờ thời” đã không còn được áp dụng. Sau nhiều thập kỷ phát triển hòa bình, Bắc Kinh giờ đây tự định vị mình là người dẫn đầu chứ không còn là kẻ đến sau. Nhưng liệu Bắc Kinh có thể tận dụng được hết đà phát triển này hay không vẫn còn phải chờ xem.
Dù vậy, việc khởi động GSI và các sáng kiến tương tự cho thấy Trung Quốc muốn tác động đến quản trị an ninh toàn cầu. Đáng chú ý, ông Tập đã giới thiệu GSI chỉ vài tuần sau khi Liên bang Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine – một thời điểm không hề ngẫu nhiên. Điều này cho thấy Trung Quốc muốn thể hiện hình ảnh một cường quốc toàn cầu có trách nhiệm, ổn định, hướng tới hòa bình, đối lập với bá quyền Mỹ nhưng tránh đối đầu quân sự trực tiếp, khác với cách tiếp cận của Liên bang Nga.
Quang cảnh lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Quốc khánh nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại Quảng trường Thiên An Môn ở thủ đô Bắc Kinh, ngày 1/10/2019. Ảnh: Lương Tuấn/TTXVN
Thông điệp của Trung Quốc nhấn mạnh cam kết với an ninh phổ quát và an ninh chung, đồng thời tôn trọng luật pháp quốc tế. Trong bài phát biểu tại Diễn đàn Bác Ngao năm 2022, ông Tập mô tả thế giới như một “cộng đồng an ninh không thể chia cắt”. Khi Trung Quốc công bố tài liệu chính sách về GSI một năm sau đó, thuật ngữ “an ninh không thể chia cắt” lại xuất hiện – một lựa chọn từ ngữ đáng chú ý vì bắt nguồn từ Hiệp định Helsinki và đã được sử dụng lâu trong diễn ngôn chính trị của Liên bang Nga. Hơn nữa, Trung Quốc cũng công nhận tính hợp pháp của những mối quan ngại về an ninh – những mối quan ngại từng bị phương Tây phớt lờ và là một phần nguyên nhân dẫn đến xung đột ở Ukraine.
Mặc dù bản sách trắng gần đây sử dụng các thuật ngữ “phổ quát” và “chung” thay vì “không thể chia cắt”, nhưng về cơ bản điều đó không thay đổi bản chất. Cách tiếp cận của Trung Quốc đối với an ninh quốc tế và quản trị toàn cầu hoàn toàn khác với phương Tây. Bắc Kinh phản đối chủ nghĩa bá quyền, chia vùng ảnh hưởng, chính trị theo khối, xuất khẩu dân chủ tự do, và thao túng các cuộc cách mạng màu. Trung Quốc cũng chỉ trích việc vũ khí hóa các công cụ kinh tế, trừng phạt đơn phương, quyền tài phán ngoài lãnh thổ, tiêu chuẩn kép, và các đặc điểm khác của “đế chế tự do” đang suy tàn.
Trọng tâm trong tư duy an ninh của Trung Quốc là sự phản đối mạnh mẽ với các liên minh quân sự. Theo quan điểm của Bắc Kinh, các liên minh đó vốn mang tính loại trừ và không phù hợp với khái niệm an ninh chung. Quan điểm này giải thích sự đồng cảm của Trung Quốc với Liên bang Nga trong việc phản đối Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và hiểu được nguyên nhân sâu xa của cuộc chiến Ukraine.
Cam kết không liên kết của Trung Quốc có nguồn gốc lịch sử sâu xa. Dưới thời Mao Trạch Đông, Trung Quốc đã góp phần hình thành các nguyên tắc của “chung sống hòa bình”, sau này trở thành nền tảng của Phong trào Không Liên kết. Sau khi quan hệ Trung – Xô rạn nứt đầu thập niên 1960, các cam kết liên minh chính thức không còn phù hợp với Bắc Kinh. Từ đó, Trung Quốc luôn ưa chuộng các quan hệ đối tác linh hoạt hơn là các liên minh ràng buộc.
Trong quá trình thúc đẩy lợi ích, Trung Quốc có thể tìm được tiếng nói chung với các quốc gia ở Nam Toàn cầu (Global South) – nơi phần lớn các nước đều ưu tiên chủ quyền, không liên kết, chính sách đối ngoại độc lập và ổn định chính trị như điều kiện tiên quyết để phát triển kinh tế. Đồng thời, Trung Quốc có thể tin cậy vào Liên bang Nga – láng giềng lớn nhất và đối tác chủ chốt. Bắc Kinh coi Moskva (Moscow) là yếu tố then chốt để duy trì ổn định chiến lược toàn cầu và thúc đẩy các mục tiêu an ninh chung. Cuộc gặp gần đây giữa ông Tập và Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin vào tháng 5 nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng phát xít Đức cùng sự hiện diện của ông Tập tại lễ duyệt binh ở Quảng trường Đỏ, cho thấy vai trò trung tâm của quan hệ Trung - Nga trong việc định hình thế giới đa cực.
Bản sách trắng mới công bố nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ đối tác này đối với quản trị an ninh toàn cầu, đặt nó trên tất cả các mối quan hệ song phương khác của Trung Quốc, ngoại trừ với Liên hợp quốc. Điều này không chỉ mang tính biểu tượng mà phản ánh những ưu tiên chiến lược thực sự của Bắc Kinh.