10:14 01/10/2017

Chuyên gia mổ xẻ đề xuất về Syria của Tổng thống Pháp

Trong khi Pháp thể hiện mong muốn có một vai trò lớn hơn trong quá trình bình ổn Syria, giới chuyên gia lại bày tỏ hoài nghi về đề xuất mới của Pháp trong vấn đề này.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: AFP

Syria là một trong những chủ đề chính trong bài phát biểu của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trước Đại hội đồng Liên hợp quốc tại thành phố New York, Mỹ hôm 19/9. “(Tiến trình Astana) ngày hôm nay có thể hữu ích nhưng không thỏa đáng”, ông Macron nói.

Trước đó, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian phát biểu với phóng viên rằng Paris muốn thiết lập một nhóm liên lạc mới về Syria. 

Trả lời đài Sputnik, ông Pierre Merjaneh, một nhà hoạch định chính sách tự do tại Aleppo (Syria) đã tỏ nghi ngờ rằng sáng kiến này sẽ hiệu quả. Theo ông, lý do chính ở đây là sự thật Mỹ không hứng thú với đề xuất này. 

“Pháp muốn quay trở lại Syria và phục hồi danh tiếng. Thế nhưng ai sẽ là người chính phủ Pháp liên lạc cùng? Sáng kiến này chỉ có thể khả thi nếu như Pháp hợp tác chặt chẽ với chính phủ Syria”, ông Merjaneh nói. 

Trong khi đó, Thomas Flichy de La Neuville, một chuyên gia nghiên cứu về vấn đề Trung Đông, nhấn mạnh Pháp muốn hướng tới các nỗ lực ngoại giao ở Syria, tuy nhiên, dường như đây là một nhiệm vụ khó khăn vì ảnh hưởng của Pháp trong khu vực đã giảm trong hai thập kỷ qua. “Pháp chỉ duy trì liên lạc với phương Tây song lại thiếu liên lạc với Iran, một trong những bên chính liên quan”, chuyên gia này nói. 

Bình luận về sáng kiến mới của Pháp, Jacques Hogard – chủ tịch cơ quan cố vấn tình báo chiến lược EPEE, gợi ý đầu tiên là ông Macron muốn bản thân và chính phủ của mình khác xa so với chính sách đối ngoại của người tiền nhiệm Francois Hollande.

“Điều này tốt thôi, tôi muốn nói vậy, nhưng chỉ khi Pháp tiếp tục tuân thủ một cách tiếp cận thực tiễn và chủ yếu dựa vào đàm phán Astana, coi đây là xương sống của tiến trình bình ổn Syria”, ông Hogard nhận xét. 

Trong khi đó, trong cuộc phỏng vấn mới đây với kênh CNN, ông Macron cho thấy dấu hiệu Pháp sẵn sàng hợp tác với các nước, bao gồm cả Nga, để dàn xếp cuộc  khủng hoảng Syria. “Nga là một đối tác. Chúng tôi phải hợp tác với Nga. Không thể giải quyết tình hình Syria mà không có Nga. Tôi nghĩ trong vấn đề Syria, chúng ta có thể cùng nhau hành động. Điều đó mới quan trọng”, Tổng thống Pháp nêu rõ. 

Hoàng Trang/Báo Tin Tức